Cây chè Thủy lợi cho cây chè: Cách làm hay

Thủy lợi cho cây chè: Cách làm hay

Tác giả Châu Lan, ngày đăng 04/05/2018

Thủy lợi cho cây chè: Cách làm hay

Mùa này về Thanh Thủy, Thanh Mai, Hạnh Lâm… (Thanh Chương), niềm vui chè búp được giá hiện rõ trên nét mặt người nông dân. Thu hái xong, người dân bước vào đợt chăm sóc mới cho cây chè. Nắng hạn đang đe dọa đến năng suất chè, nhưng nhiều gia đình nhờ đầu tư hệ thống tưới cho chè nên hiệu quả rất cao.

Hệ thống tưới phun mưa cho chè của gia đình chị Trần Thị Bình ở thôn 1, Thanh Thủy - Thanh Chương.

Chúng tôi đến vườn chè cao sản của gia đình chị Trần Thị Bình thuộc đội 1 Tổng đội thanh niên xung phong 5 ở Thanh Thủy - Thanh Chương. Dưới nắng trưa, vườn chè của chị được tưới mát bằng hệ thống phun tưới tự động. Chị Bình kể: Nhờ đầu tư trồng chè, chăn nuôi gà, trồng rau, gia đình tôi đã cải thiện dần kinh tế, có điều kiện làm căn nhà xây, nuôi các con ăn học. Thấy nguồn nước sẵn trên núi, gia đình đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước tưới cho vườn chè. Hàng chục ống pep bằng thép cố định, cao khoảng 3m, nước tự động phun cho cả vườn chè.

Do không sử dụng điện nên hầu như gia đình không mất gì, chỉ có mất vài chục phút đi lại chỉnh nước tưới từ khu vực này sang khu vực khác. Chị Bình cho biết: Vòng nước của hệ thống tưới phun rộng 8m, bắt đầu từ tháng 4 khi nắng lên, chị bắt đầu tưới cho đến tháng 8. Cứ một tuần tưới vài lần, một lần là một ngày một đêm. Chè được tưới mát cộng với khu vực đất ở Thanh Thủy khá tốt nên năng suất rất cao. Nếu các gia đình khác 1 ha chè, một lần thu hái được 1 tấn chè búp thì gia đình chị thu được 1,5 tấn. Giá chè búp hiện nay đang bán tại Thanh Thủy, Thanh Chương là 54.000 đồng/yến, một lần hái thu về khoảng 8 triệu đồng. Nhờ vậy, một ha chè chị có thể cho thu nhập gần 90 triệu đồng/năm (một năm thu hoạch khoảng 10 - 11 lứa). 

Chị Bình đã đầu tư hệ thống tưới cho chè từ năm 2005, với số tiền 30 triệu đồng. Cạnh nhà chị Bình là nhà anh Trần Văn Sinh, có 1 ha chè, anh Sinh cũng học theo chị Bình lắp đặt hệ thống tưới pep cho cây chè. Anh Sinh cho biết: Nhờ đầu tư  tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho chè cũng giảm theo, cây chè lại hấp thụ được hết chất dinh dưỡng từ đất và  phân bón. 

Hiện nay có hàng trăm hộ trồng chè đang làm hồ sơ gửi lên Sở Nông nghiệp và PTNT để mong nhận được hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư hệ thống tưới  cho chè. Đây là cách làm hay trong đầu tư, chăm sóc cây chè. 

Mặc dù hiệu quả tưới cho cây chè đã rõ như vậy nhưng hiện nay trong toàn tỉnh, với gần 8.000 ha chè,  những mô hình tưới cho chè chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ngoài Thanh Thủy - Thanh Chương, xã Hùng Sơn – Anh Sơn cũng được Xí nghiệp chè Hùng Sơn đầu tư mô  hình tưới phun mưa cho cây chè cho hiệu quả cao. Hùng Sơn hiện có 360 ha chè công nghiệp, trong đó 240 ha là chè kinh doanh. Mô hình tưới ở Hùng Sơn sử dụng bằng giếng khoan và bơm bằng điện, phục vụ cho chè đồi. Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn, ông Võ Văn Hiền cho biết, xã đã ngăn suối và  xây dựng được 53 hồ, đập lớn nhỏ để tạo độ ẩm cho cây chè và phục vụ trong việc chống hạn vào mùa khô.  Năm 2011, xã Hùng Sơn tiếp tục đưa mô hình tưới công nghiệp vào tưới cho cây chè trong mùa khô hạn. Đây là một bước tiến mới trong tư duy làm kinh tế ở Hùng Sơn – khi nơi đây đang triển khai mô hình sản xuất chè VietGAP để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn hàng quốc tế.  

Hiện nay cây chè không chỉ là cây xoá đói, giảm nghèo đối với người dân  nhiều huyện trong tỉnh Nghệ An. Chè đã “trả lương” ổn định cho  hàng ngàn gia đình với thu nhập mỗi tháng từ 3-10 triệu đồng tùy theo diện tích ... Bên cạnh đó, có thể kết hợp nhiều biện pháp chăm sóc thông qua hệ thống tưới như phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, vận chuyển và tưới phân vi sinh dạng lỏng. Tưới được nước cho chè cũng chủ động và nâng cao hiệu quả bón phân, phân bón được hoà tan, ngấm ngay xuống đất. Chè là cây thu lá, được tưới đầy đủ sẽ tăng số lứa hái, tăng số lượng và chất lượng chè trong mỗi đợt hái khoảng 30% - 50%. 

Theo khảo sát hiện nay, vốn đầu tư hệ thống tưới cho 1 ha chè khoảng 30 triệu đồng, với năng suất chè từ 10 - 12 tấn/ha/năm, giá bán bình quân 5.000 đồng/kg, phần giá trị tăng thêm cũng đạt 15 -20 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó chi phí tiền điện không đáng kể, với mỗi ha chè cần tưới từ 15 - 20 lần/năm, mỗi lần 4-8 giờ. Như vậy, chỉ sau từ 2 năm, có thể thu hồi vốn đầu tư.


Lựa chọn thiết bị tưới nước tiết kiệm cho cây chè Lựa chọn thiết bị tưới nước tiết kiệm… Chè VietGAP bên sườn Tam Đảo Chè VietGAP bên sườn Tam Đảo