Mô hình kinh tế Thủy Sản Lạng Sơn Đã Qua Những Trầm Lắng

Thủy Sản Lạng Sơn Đã Qua Những Trầm Lắng

Ngày đăng 07/04/2014

Thủy Sản Lạng Sơn Đã Qua Những Trầm Lắng

Song hành với các chính sách hỗ trợ, những năm gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động bổ sung nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Từ thả cá hữu nghị với Trung Quốc trên sông Kỳ Cùng, đến thả cá bổ sung cho hồ thủy lợi.

Từ nuôi cá quảng canh, thông qua các hoạt động khuyến ngư đã xuất hiện những mô hình làm giàu từ nuôi trồng thủy sản. Những hoạt động khai thác, đánh bắt tận diệt đã dần chấm dứt... Thủy sản Lạng Sơn đang dần hồi phục sau những trầm lắng kéo dài đằng đẵng hơn 20 năm qua.

Năm vừa rồi gia đình ông Mông Xỉ Chao, thôn Phai Luông, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc thu hoạch được tới hơn 1,5 tấn cá. Cá to nên chưa mang ra chợ huyện đã hết veo. Giá cả cũng khá, từ 80.000-100.000 đồng/kg. Tính ra đầu tư cả vụ cá hết khoảng 30 triệu đồng, nhưng khi thu hoạch, thu nhập tới cả trăm triệu đồng.

Lão nông Mông Xỉ Chao cười tươi rói: mấy năm trước được Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện đưa đi tham quan một số mô hình sản xuất, gia đình mình tâm đắc nhất với các mô hình nuôi trồng thủy sản.

Rồi thì tìm hiểu thêm qua sách báo, được tập huấn về thủy sản, gia đình ông Chao quyết định đầu tư vào mô hình, rồi mô hình cứ lớn dần và qua vụ thu hoạch vừa qua, toàn bộ vốn lẫn lời ông dồn tất để kè ao, mở rộng diện tích nuôi cá đến 1,5ha. Vậy là mô hình nuôi cá thương phẩm với quy mô lớn bắt đầu hình thành.

Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản giờ chẳng phải là hiếm. Từ những mô hình nuôi cá truyền thống như trắm, chép, mè, trôi... đến những mô hình nuôi cá “lạ” như cá tầm, cá hồi, rồi thì cả tôm càng xanh. Phương thức chăn nuôi cũng chuyển rõ rệt từ quảng canh sang nuôi trồng với quy mô lớn, có đầu tư bài bản và hướng an toàn dịch bệnh.

Không phải riêng Trung tâm Thủy sản mà vừa qua ngay cả Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vào cuộc xây dựng, hướng dẫn nhà nông triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn. Trong tổng số hơn 8.000ha mặt nước, trong đó trên 1.300ha có thể nuôi trồng đã cơ bản được tận dụng.

Từ thoái trào trong những thập niên cuối của thế kỷ trước, giờ đây Lạng Sơn đã sản xuất được gần 20 triệu cá giống mỗi năm. Từ đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng, sản lượng đạt hơn 1.300 tấn/năm.

Ông Nguyễn Đình Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm Thủy sản, trước đây vốn là công nhân đội sản xuất thủy sản kể: giai đoạn 1960-1985, thủy sản Lạng Sơn được coi là mạnh nhất, nhì trong khu vực miền núi phía Bắc.

Công ty Thủy sản Lạng Sơn có trên 200 cán bộ, nhân viên hoạt động trong 11 trại cá giống, phạm vi phủ rộng khắp các huyện trong tỉnh. Thế nhưng sau quãng thời gian đó, do chuyển đổi cơ chế, những biến động đã khiến cho các trại cá tan rã, thủy sản Lạng Sơn bước vào thời kỳ thoái trào. Quãng trầm lắng ấy kéo dài đằng đẵng tới hơn 20 năm.

Đầu những năm 2000, thủy sản đã nhận được nhiều sự quan tâm thích đáng. Bước ngoặt trong năm 2005 là việc tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Thủy sản, những hoạt động sản xuất, khai thác dần được khôi phục.

Trước đó 1 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 43 về phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2004-2010, khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc khôi phục và phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau đó là hàng loạt các chính sách ra đời như chính sách trợ cước vận chuyển, trợ giá giống thủy sản. Trong vòng 3 năm triển khai, đã có hơn 3.500 hộ gia đình được thụ hưởng chính sách, trên 4 triệu cá giống đến tay nhà nông.

Một mặt củng cố, mở rộng nuôi cá thương phẩm, mặt khác Lạng Sơn chú trọng bổ sung nguồn lợi thủy sản trong các hồ chứa thủy lợi và môi trường tự nhiên trên sông. Năm 2012, dự án thả cá xuống hồ thủy lợi giai đoạn 2012-2014 được phê duyệt, triển khai trên diện tích 481ha hồ chứa với tổng số hơn 4 triệu cá giống.

Ngoài ra, lồng ghép giữa các hoạt động hữu nghị Việt – Trung, hoạt động thả cá giống xuống sông Kỳ Cùng tại các khu vực chảy qua 2 nước cũng được tiến hành thường xuyên. Cũng từ cuối năm 2013, UBND tỉnh đã quyết định cấp kinh phí cho Trung tâm Thủy sản đầu tư đàn cá bố, mẹ để chủ động giống từ khâu đầu tiên, giảm bớt chi phí và nâng cao chất lượng giống.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lê Thị Thanh Nhàn khẳng định: hiện nay thủy sản được coi là một trong những ngành quan trọng có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của sản xuất nông nghiệp.

Sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân đã đưa thủy sản Lạng Sơn thoát ra khỏi những trầm lắng trước đây, dần phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh.


Mô Hình Khuyến Ngư Mới Hiệu Quả Mô Hình Khuyến Ngư Mới Hiệu Quả Tôm Nuôi Có Nguy Cơ Bùng Phát Dịch, Ngành Thú Y Gặp Khó Tôm Nuôi Có Nguy Cơ Bùng Phát Dịch,…