Mô hình kinh tế Tiếp Tục Đòi Công Bằng Cho Cá Tra

Tiếp Tục Đòi Công Bằng Cho Cá Tra

Ngày đăng 02/04/2014

Tiếp Tục Đòi Công Bằng Cho Cá Tra

Bộ Thương mại Mỹ vừa hạ mức thuế suất đối với cá tra Việt Nam nhưng VASEP vẫn quyết theo đuổi vụ kiện nhằm khẳng định Việt Nam không bán phá giá

Ngày 1-4, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa chính thức công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) vụ kiện chống bán phá giá cá tra tại thị trường này. POR9 áp dụng cho các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn từ ngày 1-8-2011 đến 31-7-2012.

Xuất khẩu vào Mỹ sẽ khả quan

Theo quyết định này, mức thuế của 2 doanh nghiệp (DN) bị đơn bắt buộc là 0,03 USD/kg đối với Công ty CP Vĩnh Hoàn (lần điều tra sơ bộ là 0,43 USD/kg) và 1,2 USD/kg đối với Công ty CP Hùng Vương (lần đầu là 2,15 USD/kg).

Mức thuế riêng lẻ cho các DN bị đơn tự nguyện là 0,42 USD/kg và thuế suất đối với các DN khác trên cả nước là 2,11 USD/kg (không đổi so với kết quả sơ bộ). Đây là kết quả khá bất ngờ đối với DN xuất khẩu cá tra nếu so với thuế suất rất cao của lần đầu.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, nhận xét thuế suất 0,42 USD/kg dù thấp hơn mức 0,99 USD/kg ở lần sơ bộ nhưng vẫn cao so với mặt bằng hiện nay. Việc hạ thuế suất cho thấy Việt Nam có nhiều cơ sở khẳng định không bán phá giá cá tra.

Dù vậy, DOC ngày càng siết chặt quy trình tính toán các dữ liệu, chọn quốc gia tính giá trị thay thế để tính biên độ phá giá áp cho Việt Nam một cách không thống nhất, gây bất lợi cho DN xuất khẩu cá tra.

DOC sẽ công bố kết quả này trong thông báo liên bang vài ngày tới trước khi áp dụng chính thức. Với quyết định này, DOC vẫn giữ nguyên quan điểm và lập luận trong việc chọn Indonesia là quốc gia tính giá trị thay thế bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ các DN chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Cả 7 kỳ xem xét POR trước, DOC đều lấy Bangladesh là nước thay thế để tính biên độ phá giá áp cho cá tra Việt Nam, dẫn đến kết quả thuế suất đều là 0% bởi 2 nước có nhiều điểm tương đồng.

Còn Indonesia thì không có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam, chỉ số GNI của Indonesia gấp đôi Việt Nam và GDP gấp 4 lần, khiến các giá trị thay thế như giá cá sống, con giống, thức ăn và phụ phẩm… đều có sự chênh lệch lớn giữa ngành nuôi cá của 2 nước, ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

Theo VASEP, các DN bị áp thuế suất cao trong lần POR9 sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu cá tra vào Mỹ nhưng với DN chịu mức thuế thấp và trung bình sẽ tiếp tục xuất khẩu tốt. Năm 2013, xuất khẩu cá tra vào Mỹ hơn 385 triệu USD. Đây là một trong những thị trường chủ lực của Việt Nam.

Hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Mỹ đạt 61,7 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ. “Nếu cá tra “thất thế” ở thị trường Mỹ khi bị áp thuế chống bán phá giá thì sẽ ảnh hưởng đến giá xuất khẩu ở các thị trường chủ lực khác” - VASEP cảnh báo.

Cải thiện tình hình nội tại

Việc xuất khẩu cá tra vào Mỹ không đe dọa ngành công nghiệp cá nheo nước này mà còn tạo việc làm cho ngành kinh doanh các sản phẩm cá tra Việt Nam.

Do đó, VASEP sẽ tiếp tục kêu gọi DOC xem xét thận trọng quá trình điều tra và áp thuế chống bán phá giá trong các kỳ kế tiếp trên tinh thần tôn trọng, dân chủ vì quyền lợi người tiêu dùng Mỹ cũng như hàng triệu người dân phụ thuộc vào ngành cá tra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và mối quan hệ thương mại 2 nước.

Tuần tới, VASEP sẽ họp bàn với các DN xuất khẩu cá tra về các yếu tố pháp lý của POR lần này và theo đuổi vụ kiện ra tòa án hành chính Mỹ đối với các DN chịu thuế suất cao cũng như chuẩn bị cho kỳ xem xét hành chính lần thứ 10 sắp tới. Theo VASEP, một vấn đề quan trọng với ngành cá tra hiện nay là ổn định nguồn cung để bảo đảm giá xuất khẩu.

Nếu nguồn cung năm nay ổn định quanh mức 800.000 tấn, hoạt động xuất khẩu sẽ ổn định và không có tình trạng giành giật đơn hàng, người nuôi cũng không phải đi đòi nợ.

Hiện giá cá tra nguyên liệu đang ở mức cao, khoảng 25.000 đồng/kg và người nuôi chỉ bán hàng cho DN nào trả tiền ngay. Tuy nhiên, sau mấy năm rơi vào cảnh “treo ao” và nợ nần, nông dân đã cẩn trọng hơn, không còn chạy theo lợi ích trước mắt mà thả nuôi cá giống ồ ạt như trước đây.

Nhiều DN từng sử dụng vốn tín dụng cho nuôi trồng nay phải thoái bớt vốn do tình hình biến động, giá cả bấp bênh… cũng giúp thị trường cân bằng hơn. “Dù giá lên cao 26.000-28.000 đồng/kg, nông dân chưa hẳn đổ ra nuôi mà đang tiếp tục chờ ổn định thị trường nên sản lượng khó tăng mạnh như trước” - ông Hòe nhận định.

Kỳ vọng tôm không bị áp thuế bán phá giá

Liên quan đến vụ kiện phá giá tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam, VASEP cho biết ngày 18-3, DOC đã công bố kết quả điều tra sơ bộ lần thứ 8 với mức thuế suất khá cao.

Kết quả này chưa tác động đến hoạt động xuất khẩu tôm nhưng phía hiệp hội và các DN sẽ đấu tranh để có kết quả cuối cùng vào tháng 9 nhằm đưa mức thuế suất xuống bằng 0% cho các lô hàng xuất khẩu. Năm nay, dự báo xuất khẩu tôm sẽ đạt kim ngạch 3 tỉ USD.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản 3 tháng đầu năm 2014 ước đạt 1,5 tỉ USD nên mục tiêu thu về khoảng 6,8 tỉ USD trong cả năm nay là hoàn toàn khả thi.


Thanh Long Và Khoai Lang Rớt Giá Thanh Long Và Khoai Lang Rớt Giá Hơn 3.500 Tỷ Đồng Từ Tôm Hùm Mỗi Năm Hơn 3.500 Tỷ Đồng Từ Tôm Hùm Mỗi…