Tiếp Tục Kiểm Soát Chặt Các Đàn Vịt Chạy Đồng Ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Ngay từ cuối vụ Đông Xuân, khi các cánh đồng lúa tại 2 huyện Long Điền, Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu) gặt xong đã xuất hiện nhiều đàn vịt chạy đồng, trong đó có nhiều đàn vịt từ các địa phương khác đến. Việc di chuyển của những đàn vịt chạy đồng nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ lan truyền dịch cúm gia cầm.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 740.000 con vịt nuôi, tập trung ở ba huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Long Điền. Phần lớn các hộ chăn nuôi vịt với quy mô nhỏ từ 1.000 - 1.200 con, nuôi theo hình thức vịt chạy đồng. Trước diễn biến khá phức tạp của dịch cúm gia cầm, đặc biệt là các thông tin về dịch cúm H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc, người nuôi đã có ý thức hơn về công tác phòng chống dịch bệnh. Ông Trần Văn Có, người chăn nuôi vịt chạy đồng tại xã An Ngãi (huyện Long Điền) cho biết: “Gia đình tôi có đàn vịt hơn 1.000 con, nếu bị dịch cúm thì coi như mất trắng nên năm nào cũng vậy, tôi luôn chủ động tiêm phòng dịch cho đàn vịt của mình”.
Thời gian qua, hệ thống thú y trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố, đặc biệt hệ thống thú y cơ sở luôn được duy trì thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, từng bước đảm đương tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người chăn nuôi cũng như triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, đối với những đàn vịt chạy đồng hiện rất khó quản lý và kiểm soát.
Do người nuôi vịt chỉ lưu lại ở mỗi cánh đồng từ 1 tuần cho đến hơn 15 ngày rồi tiếp tục di chuyển đàn vịt đến những cánh đồng khác. Khi tất cả các cánh đồng đã xuống giống vụ mới thì cũng là lúc kết thúc mùa chăn vịt chạy đồng. Với quy trình chăn thả vịt theo tập quán này, khi cúm gia cầm xuất hiện trở lại thì công tác quản lý, kiểm soát đối với những đàn vịt chạy đồng cần phải được thực hiện hết sức chặt chẽ hơn. Theo ông Trần Quang Long, Trưởng trạm Thú y huyện Long Điền, các ngành chức năng cũng đang lưu ý đến các hộ chăn nuôi vịt chạy đồng.
Ngoài biện pháp tuyên truyền và thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho vịt trước khi đưa sang cánh đồng khác, để dễ quản lý, các thú y viên cũng cấp, phát cho cho người chăn nuôi phiếu tiêm phòng và sổ vịt chạy đồng đã được UBND xã cấp. “Quản lý vịt chạy đồng được xem là câu chuyện không hề đơn giản đối với các địa phương. Bởi trên thực tế, virus cúm A/H5N1 vẫn tồn tại trong các đàn thủy cầm ở một số nơi dưới dạng lành mang trùng. Nếu chính quyền địa phương và ngành chức năng có sự phối hợp tốt, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc và lịch tiêm phòng vắc xin phòng bệnh của đàn thủy cầm nói chung và đàn vịt nói riêng thì nguy cơ xuất hiện dịch cúm sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất” - ông Trần Quang Long nói.
Theo các cơ quan chức năng, để ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là đối với đàn vịt chạy đồng, cách tốt nhất là tiêm phòng vắc xin. Theo ông Hà Lâm Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, trong thời gian qua, do hiểu rõ được tầm quan trọng của công tác phòng dịch nên người dân đều tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo của cơ quan thú y. Các chủ nuôi tự giác khai báo và đăng ký với địa phương để được cấp sổ theo dõi, đồng thời thực hiện tốt việc tiêm vaccin cúm A H5N1 cho đàn vịt đầy đủ. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 445 sổ đăng ký chăn nuôi vịt chạy đồng cho các cơ sở chăn nuôi.
Cán bộ Chi cục Thú y cũng trực tiếp hướng dẫn, nhắc nhở các hộ chăn nuôi thường xuyên mở sổ theo dõi, ghi chép và báo cáo số lượng vịt con mới nở. Về công tác tiêm phòng, trạm Thú y các huyện đã triển khai tiêm phòng vắc xin phòng chống cúm gia cầm A H5N1 trên tất cả đàn vịt thả đồng. Toàn tỉnh hiện có hơn 90% đàn thủy cầm được tiêm phòng vắc xin. Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch nên trong vòng 8 năm qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã không xuất hiện dịch cúm gia cầm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ