Tìm Giải Pháp Né Hạn Cho Cây Trồng Vụ Đông Xuân
Năm 2014, lượng mưa ít hơn nhiều so với trung bình năm trước, mùa mưa kết thúc sớm nên một số hồ chứa, công trình thủy lợi không đủ nước phục vụ trong mùa khô 2015. Do đó, các địa phương, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng nhiều phương án để đảm bảo nước tưới và “né” hạn vào cuối vụ cho cây trồng của người dân.
Ngay từ khi bước vào xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai các biện pháp để phòng tránh hạn cho các địa phương.
Hiện nay, mực nước ở các hồ chứa do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý đã có 156/160 hồ tích nước đang hoặc thấp hơn 0,25 m so với mực nước dâng bình thường. Để giúp nông dân sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương vận động, tuyên truyền người dân thực hiện tưới tiết kiệm, hiệu quả.
Nhờ làm tốt công tác điều tiết nước nên Công trình Thủy lợi Đắk Cai, xã Trường Xuân (Đắk Song) luôn đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho cây trồng trong mùa khô hạn. Ảnh: Mai Anh
Theo đó, đối với các công trình cung cấp nước cho khu vực trồng lúa nước, đơn vị đã khuyến cáo người dân đắp lại bờ thửa, giữ nước chống thất thoát; tập trung điều tiết nước vào ruộng theo lịch tưới luân phiên. Bên cạnh đó, để điều tiết, quản lý nguồn nước, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cũng đã phân công cán bộ kỹ thuật túc trực, theo dõi để có biện pháp phòng chống hạn hiệu quả, kịp thời.
Bên cạnh đó, nguồn nước sinh thủy năm nay cũng có nguy cơ thiếu hụt cục bộ ở nhiều khu vực trọng điểm về sản xuất lúa nước, cây công nghiệp lâu năm. Vì thế, việc chủ động xây dựng kế hoạch “né” hạn cuối vụ cũng được các địa phương, các cấp, ngành chuyên môn đặt biệt chú trọng.
Khác với những năm trước, đối với cây cà phê, năm nay, theo bà con nông dân ở các huyện như Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil… thì đa số chuyển từ hình thức tưới tràn sang tưới bơm để tiết kiệm nước. Những khu vực thiếu nước phụ vụ sản xuất như tại Công trình Thủy lợi Ea Diêr, xã Đắk D'rông (Chư Jút) sẽ giảm diện tích từ 30 ha xuống còn 10 ha để đảm bảo nước tưới.
Còn tại xã Ea Pô (Chư Jút), chính quyền địa phương cũng đang tích cực vận động người dân đóng góp vốn đối ứng để cùng địa phương đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương và đập của trạm bơm Ea Pô… Tương tự, tại Công trình Thủy lợi Đắk Loou, xã Thuận An (Đắk Mil), vụ tưới cà phê năm nay, mặc dù theo tính toán mực nước thấp hơn mọi năm nhưng đơn vị quản lý vẫn lạc quan là sẽ đảm bảo tưới đầy đủ 3 đợt cho toàn bộ diện tích cà phê trong khu vực.
Theo tính toán của các nhà quản lý, phương thức tưới tràn tiêu tốn từ 3.600m3 đến 4.000 m3/ha/năm, trong khi sử dụng giải pháp tưới bơm lượng nước tiêu tốn khoảng 2.400 m3/ha/năm đối với cây cà phê và trên dưới 2.200 m3/ha/năm đối với cây hồ tiêu. Vì vậy, Công trình hồ chứa Đắk Loou sẽ đủ cung cấp nước tưới cho toàn bộ diện tích cà phê trong khu vực cho đến cuối vụ.
Theo ông Trịnh Văn Tường, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh thì hiện tại, điều kiện thời tiết có những diễn biến phức tạp, khả năng có nhiều vùng sẽ ảnh hưởng nặng về khô hạn. Vì vậy, nếu sử dụng nguồn nước tưới không hợp lý, hoang phí thì có thể xảy ra hạn cục bộ cuối vụ trên một số diện tích cây trồng không chủ động được nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi.
Tại các địa phương không chủ động được nguồn nước tưới, thường xuyên xảy ra hạn cuối vụ như những năm trước, năm nay, các huyện, thị cần chủ động hướng dẫn, tuyên truyền khuyến cáo nông dân xuống giống sớm, hoặc thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp hơn để “né” hạn, tránh thiệt hại cho nông dân.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/tim-giai-phap-ne-han-cho-cay-trong-vu-dong-xuan-36426.html
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ