Mô hình kinh tế Tìm giải pháp ổn định đầu ra cho trái dâu Phong Điền

Tìm giải pháp ổn định đầu ra cho trái dâu Phong Điền

Ngày đăng 03/07/2015

Tìm giải pháp ổn định đầu ra cho trái dâu Phong Điền

* Yêu cầu cấp thiết

Huyện Phong Điền là một trong những địa phương có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất của TP Cần Thơ. Toàn huyện hiện có hơn 6.000 ha cây ăn trái các loại, với hơn 5.000 ha diện tích đang cho thu hoạch. Riêng đối với cây dâu, huyện Phong Điền hiện có khoảng 800 ha dâu các loại như: dâu hạ châu, dâu xiêm, dâu xanh, dâu bòn bon. Trong đó, dâu hạ châu chiếm diện tích khoảng 600 ha, đây là loại cây ăn trái đặc sản của huyện Phong Điền, được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa từ năm 2005.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, trong quá trình phát triển và tái cơ cấu vườn cây ăn trái, cây dâu hạ châu được xác định là cây đặc sản và chủ lực của huyện nên ngành NN&PTNT huyện đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển dâu hạ châu, từ mức 28 ha vào năm 2004, đến nay diện tích trồng đạt mức 600 ha.

Thời gian qua, để hỗ trợ nông dân Phong Điền phát triển trồng dâu, các ngành chức năng thành phố cũng đã triển khai một số đề tài nghiên cứu về cây dâu hạ châu như: nghiên cứu chọn cây đầu dòng để sản xuất cây giống, kỹ thuật xử lý ra hoa đậu trái để tăng năng suất, quy trình bảo quản và chế biến một số sản phẩm từ cây dâu. Hiện ngành NN&PTNT huyện Phong Điền đã tiếp thu một số kết quả của đề tài và chuyển giao cho bà con về kỹ thuật xử lý ra hoa đậu trái để tăng năng suất.

Mặt khác, ngành cũng phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật canh tác dâu cho nông dân. Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, cho biết: "Nhìn chung việc canh tác cây dâu của nhà vườn trên địa bàn huyện thời gian qua có nhiều thuận lợi nhờ được hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng, nhất là đối với cây dâu hạ châu. Đầu ra của trái dâu hạ châu có nhiều thuận lợi do thời điểm thu hoạch dâu hạ châu rơi vào lúc nghịch mùa của nhiều loại trái cây khác. Tuy nhiên, nông dân trồng dâu xanh và dâu bòn bon còn gặp khó về đầu ra sản phẩm".

Dâu là loại cây tương đối dễ trồng, năng suất cho trái cao, ít dịch bệnh (hiện chỉ có 2 dịch hại đáng lưu ý trên dâu là ruồi đục trái và sâu đục vỏ) nên được nông dân dễ tiếp nhận và trồng trên khắp các xã, thị trấn của huyện và có một số vùng trồng tập trung cao như: Nhơn Ái, Mỹ Khánh và thị trấn Phong Điền. Các loại dâu xanh và dâu bòn bon khá dễ trồng và trước đây vốn có đầu ra khá thuận lợi nhờ sản phẩm trái được xuất khẩu mạnh sang thị trường Campuchia nên nhiều nhà vườn đã chọn trồng. Tuy nhiên, những năm gần đây việc tiêu thụ dâu bòn bon và dâu xanh của nhiều nhà vườn bị gặp khó do thị trường Campuchia không còn tiêu thụ mạnh như trước và thời điểm thu hoạch dâu bòn bon và dâu xanh thường rơi vào mùa thu hoạch rộ của nhiều loại trái cây khác.

Đồng chí Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng cùng lãnh đạo các sở ngành hữu quan thành phố và doanh nghiệp đi nắm thực tế tình hình sản xuất, tiêu thụ dâu tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền.

Vườn dâu xiêm sai oằn trái của anh Huỳnh Văn Canh, xã Nhơn Ái.

Đối với dâu hạ châu và dâu xiêm do đặc tính mùa vụ và chất lượng sản phẩm cao nên thời gian qua giá tiêu thụ tương đối ổn định, bình quân từ 10.000 - 14.000 đồng/kg, giúp nhà vườn có thu nhập trên 150 triệu đồng/ha. Riêng các loại dâu xanh và dâu bòn bon do cho năng suất, sản lượng cao và mùa vụ tập trung nên tiêu thụ còn gặp khó khăn, có thời điểm giá tiêu thụ dâu xanh chỉ khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg, dâu bòn bon khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg.

* Để nông dân yên tâm sản xuất

Từ năm 2013, huyện Phong Điền đã khuyến cáo bà con không mở rộng diện tích cây dâu hạ châu và các loại dâu khác. Bên cạnh đó, chính quyền huyện cũng tích cực phối hợp với nông dân và các bên có liên quan nhằm tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và thực hiện tốt hơn các khâu bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Tuy nhiên, do còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề về kinh phí và điều kiện tiếp xúc với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm nên việc thực hiện các khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch và xúc tiến thương mại cho trái dâu tại Phong Điền còn hạn chế.

Theo UBND huyện Phong Điền, hiện nay sản phẩm dâu trái các loại của Phong Điền được tiêu thụ chính ở 2 thị trường là Campuchia và các tỉnh thuộc khu vực Nam bộ. Để ổn định đầu ra sản phẩm cho cây dâu, huyện Phong Điền kiến nghị thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ huyện trong tiếp cận các đầu mối kinh doanh để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cường việc tiêu thụ sản phẩm ngay tại chỗ thông qua phát triển du lịch, đồng thời chuyển giao một số đề tài nguyên cứu về bảo quản và chế biến dâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất dâu huyện Phong Điền cũng đã khuyến cáo một số hộ trồng dâu tập trung cải tạo cảnh quan vườn để gắn với phát triển sản xuất dâu với du lịch sinh thái, kết quả bước đầu đạt được rất khả quan.

Nhằm hỗ trợ nông dân trồng dâu huyện Phong Điền phát triển sản xuất và ổn định đầu ra sản phẩm, đồng chí Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng cùng lãnh đạo các sở ngành hữu quan thành phố và lãnh một số doanh nghiệp đã đến Phong Điền để nắm thực tế tình hình sản xuất và tiêu thụ trái dâu trên địa bàn huyện.

Qua khảo sát thực tế tại địa phương, ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, cho rằng: "Trái dâu của nông dân Phong Điền, nhất là dâu hạ châu có nhiều triển vọng và điều kiện thuận lợi để đưa hàng vào siêu thị và các kênh bán hàng hiện đại do thời gian qua nhiều nông dân đã quan tâm kỹ thuật canh tác dâu an toàn, chọn được cây đầu dòng để có nguồn giống tốt, cho trái dâu đạt chất lượng, ăn ngọt. Bước đầu nông dân tại huyện cũng đã hình thành được một số mô hình liên kết sản xuất nhằm tạo ra một lượng hàng lớn, với chất lượng ổn định…

Vấn đề là chính quyền địa phương và thành phố cần làm tốt vai trò "cầu nối", xúc tiến ngay việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Mặt khác, cần giải quyết các hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông nhằm hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và giảm tối đa chi phí bảo quản, vận chuyển hàng đến nơi tiêu thụ, giúp trái dâu có thể cạnh tranh trên thị trường". Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN& PTNT TP Cần Thơ, tới đây ngành sẽ tích cực phối hợp cùng các sở ngành thành phố và địa phương trong việc xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm, kịp thời cung cấp thông tin về diện tích, sản lượng sản và thời điểm thu hoạch của dâu và các loại trái cây nói chung để các ngành công thương và các sở ngành có liên quan chủ động trong công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Kiểm tra thực tế tình hình sản xuất và tiêu thụ trái dâu tại huyện Phong Điền, đồng chí Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu các sở, ngành hữu quan thành phố cần tăng cường quảng bá sản phẩm, hỗ trợ nông dân Phong Điền tiêu thụ trái dâu. Ngành công thương thành phố cần phối hợp chặt với ngành nông nghiệp và các bên có liên quan xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân bán hàng, quảng bá sản phẩm và làm việc với các đầu mối kinh doanh, nhất là siêu thị để giúp nông dân đưa hàng vào các siêu thị và hệ thống bán hàng trong và ngoài nước…


Nhộn nhịp mùa cóc Nhộn nhịp mùa cóc Mít, chanh rớt giá Mít, chanh rớt giá