Tìm Lại Vị Thế Cho Con Tôm Bạc Liêu
Ngày đăng 26/04/2012
Bạc Liêu được mệnh danh là đất của tôm - lúa khi nghề nuôi tôm đã đạt được nhiều “thành tích lẫy lừng”: đa dạng về mô hình, ổn định về năng suất và ấn tượng trong hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, cũng như nhiều vùng nuôi khác, sự bền vững vẫn là điều khiến nông dân và các ngành chức năng lo ngại.
Báo động đỏ về ô nhiễm môi trường
Sẽ không quá lời khi khẳng định nuôi tôm là một trong những ngành nghề ảnh hưởng lớn nhất đến môi trường, bởi mỗi năm hàng ngàn chất thải được xả ra, chưa kể những hóa chất độc hại trong xử lý ao nuôi ngấm xuống tầng đất, nước... Có lẽ chặng đường đầu tiên hướng đến phát triển bền vững trong nuôi tôm ở Bạc Liêu là xử lý tốt vấn đề ô nhiễm môi trường.
Hủy hoại sự sống
Có thể nói, vấn nạn ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm đã đến hồi báo động và không thể chờ đợi lâu hơn nữa, ngành chức năng cần phải tìm cách khắc phục càng sớm càng tốt. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do nông dân không tuân thủ quy trình nuôi và xử lý dịch bệnh.
Ông Hứa Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình) nói: “Mặc dù ngành chức năng đã khuyến cáo không sử dụng các loại hóa chất cấm để xử lý môi trường ao nuôi nhưng phần lớn bà con đều bỏ ngoài tai vì giá của loại thuốc này rẻ hơn nhiều lần so với các loại hóa chất đúng tiêu chuẩn”. Thậm chí, nhiều hộ nuôi tôm ở vùng Nam của tỉnh Bạc Liêu không ngần ngại sử dụng các loại thuốc sâu có hàm lượng độc tố cao để diệt giáp xác và nhiều loại thủy sản khác. Điều đáng nói, các loại hóa chất độc hại này cứ tích tụ trong đất, nước khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cộng thêm lượng chất thải từ tôm, nhiều loại thuốc thú y thủy sản phải xử lý trong suốt quá trình nuôi càng tạo áp lực nặng nề cho môi trường.
Theo tính toán của các nhà khoa học tại khu vực nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp của TP.Bạc Liêu, để có 1 tấn tôm thành phẩm, người nuôi phải cung cấp 1,1 tấn thức ăn. Do đó, 1 ha ao nuôi nếu cho 10 tấn tôm thành phẩm thì sẽ thải ra môi trường 7 tấn chất thải. Như vậy, với diện tích 12.000 - 15.000 ha nuôi tôm của tỉnh thì lượng chất thải ra môi trường không hề nhỏ. Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải, kênh mương lại bồi lắng, chỉ đảm bảo chức năng cấp nước là chính nên việc xử lý dịch bệnh đến nay vẫn là bài toán khó giải.
Nghiêm trọng hơn, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng vô tội vạ các loại thuốc thú y thủy sản ngoài danh mục đã làm hủy hoại sự sống của nhiều loại thủy sản, các loại tảo, vi sinh vật có lợi cho môi trường ao nuôi, đặc biệt là các vi sinh vật đẩy nhanh quá trình phân hủy độc tố, góp phần cải tạo môi trường đất, đảm bảo cân bằng sinh thái. Nếu như trước đây, sau vụ nuôi tôm trong vuông thường có nhiều ốc, cua, cá bống thì nay rất hiếm.
Gieo mầm bệnh cho môi trường
Có một thực tế lâu nay ít được ngành quản lý và người nuôi tôm quan tâm là chính họ đã gieo mầm bệnh cho môi trường. Đó là việc thả con giống bị nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc, không qua xét nghiệm vào môi trường nuôi.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Bạc Liêu, mỗi năm tỉnh này cần khoảng 12 tỷ con tôm giống (tôm post), nhưng các cơ sở sản xuất của tỉnh chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ bên ngoài. Điều đáng nói là lượng giống nhập lại không qua kiểm dịch nên không có gì đảm bảo về chất lượng cũng như tiêu chuẩn an toàn.
Mặc dù tôm giống không qua kiểm dịch nhưng vẫn có người mua vì giá của chúng rất rẻ, chỉ bằng 2/3 so với tôm đảm bảo chất lượng. Như vậy, chính sự hám lợi, dễ dãi của người nuôi đã vô tình tiếp tay cho bọn gian thương. Ông Trần Thanh An ở xã Tân Thạnh (Giá Rai) khẳng định: “Do thả với mật độ thưa, lại nuôi theo hình thức quảng canh hay quảng canh cải tiến kết hợp nên nông dân chỉ cần tôm giống giá rẻ là mua chứ không ai đem con giống đi xét nghiệm làm gì cho tốn tiền”. Đây là thực trạng phổ biến tồn tại hơn chục năm qua, nhưng vẫn chưa thấy ai quan tâm hay khuyến cáo. Ngoài diện tích nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, Bạc Liêu còn hơn 100.750 ha tôm áp dụng các mô hình sản xuất khác, nếu con giống không đảm bảo chất lượng cứ thi nhau thả nuôi trên diện tích này, đến một lúc nào đó nông dân sẽ phải trả giá cho việc gieo mầm bệnh vào môi trường.
Qua 10 năm chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, nông dân Bạc Liêu không biết đã đổ bao tiền của, mồ hôi, nước mắt vì con tôm, thế nhưng đến nay chưa ai dám khẳng định đây là mô hình sản xuất bền vững. Rủi ro luôn tiềm ẩn, bà con cứ phải sản xuất theo kiểu “năm ăn, năm thua”, kể cả kỹ sư chuyên ngành cũng không dám chắc nuôi tôm sẽ thắng; các nhà khoa học đã cho ra đời nhiều mô hình, quy trình nuôi tôm bền vững, cớ sao tôm vẫn chết!? Nghịch lý đáng báo động này cần được nghiên cứu làm rõ, nếu không ngành kinh tế được xem là mũi nhọn của Bạc Liêu sẽ khó phát triển bền vững.
Theo kết quả phân tích môi trường nước và bùn ao vùng nuôi tôm tại Sóc Trăng, Bạc Liêu do Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam tiến hành, phần lớn các mẫu đều có lượng thuốc bảo vệ thực vật như cypermethrin, permethrin, chlorpyrifosethyl... vượt ngưỡng cho phép nuôi trồng thủy sản. Do môi trường nước ô nhiễm, tôm bị chết hàng loạt sau 15 ngày thả nuôi.
Hiện bệnh gan tụy trên tôm vẫn chưa có thuốc chữa và là một trong những chứng bệnh gây chết hàng loạt nhiều ao tôm trong năm 2011. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 cho biết, nguyên nhân gây ra bệnh gan tụy ở tôm là do biến đổi khí hậu và một phần nguồn nước bị ô nhiễm cypermethrin có trong thuốc bảo vệ thực vật được người dân dùng để xử lý ao, diệt giáp xác.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Feed Balancer
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Hydroponics Calculator
Pha dung dịch thủy canh
Feeding Calculator
Định mức cho tôm ăn
NPK Calculator
Phối trộn phân bón NPK
Survival Calculator
Xác định tỷ lệ tôm sống
Fertilizers Converter
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Aeration Calculator
Xác định công suất sục khí
Shrimp Converter
Chuyển đổi đơn vị tôm
Greenhouse Calculator
Tính diện tích nhà kính
Pond Calculator
Tính thể tích ao hồ