Nuôi vịt Tỏi: phòng và trị bệnh viêm hô hấp mãn tính (CRD) trên gia cầm

Tỏi: phòng và trị bệnh viêm hô hấp mãn tính (CRD) trên gia cầm

Tác giả Nguyễn Chánh Bình - Trạm KNKN Mỏ Cày Nam, ngày đăng 08/05/2017

Tỏi: phòng và trị bệnh viêm hô hấp mãn tính (CRD) trên gia cầm

Hiện nay, chăn nuôi gia cầm rất phát triển, ước tính huyện Mỏ Cày nam số lượng đàn khoảng 1 triệu con, đem lại thu nhập khá cao cho người chăn nuôi, một số hộ đã xóa được nghèo nhờ chăn nuôi gà. Song song đó là tình hình dịch bệnh phức tạp, một trong những bệnh phổ biến và ảnh hưởng không nhỏ đến bà con chăn nuôi gia cầm là bệnh viêm hô hấp mãn tính (CRD). Bệnh có tỷ lệ lây nhiễm rất cao: ở đàn gà giống từ 10-15%, gà thịt 30-40%, gà đẻ 70-80%. Bệnh CRD ở dạng mãn tính, mặc dù tỷ lệ chết không cao, chỉ từ 5-7%, nhưng thiệt hại do bệnh gây ra rất lớn. Ðàn gà bị nhiễm bệnh giảm tỷ lệ tăng trọng 10-30%, giảm tỷ lệ đẻ trứng 10-12%. Một trong những biện pháp phòng bệnh CRD hiệu quả nhưng không ảnh hưởng đến tốc độ lớn của gia cầm, như cách thường sử dụng của bà con là dùng kháng sinh, thì việc bổ sung tỏi phòng bệnh gia cầm đang được bà con áp dụng phổ biến.

Tỏi có tác dụng đáng kể lên hệ thống miễn dịch, giúp tăng hoạt tính các thực bào lympho, có tính kháng khuẩn (ức chế 70 loại vi khuẩn gram (–) và gram (+)), kháng virus (cúm, cảm lạnh, lở mồm long móng), diệt ký sinh trùng và nguyên sinh động vật (giun đũa, giun kim, giun móc, lỵ amid), phòng tránh tốt các rối loạn men tiêu hóa, nhiễm khuẩn dạ dày ruột, chống các bệnh đường hô hấp. Ngoài ra tỏi còn giúp tăng hiệu lực kháng sinh vì thế tỏi sẽ giúp tăng hiệu quả của kháng sinh trong việc điều trị bệnh CRD.

Để giúp người chăn nuôi mạnh dạn sử dụng tỏi phòng bệnh CRD, năm 2010 tập thể trạm Khuyến nông Khuyến ngư Mỏ Cày Nam đã thực hiện thí nghiệm “Sử dụng tỏi phòng bệnh gia cầm”. Phương pháp thực hiện thí nghiệm: Chia đàn gà làm 2 lô, mỗi lô 500 con với điều kiện môi trường sống giống nhau. Trong đó:

* Lô1: sử dụng vitamin C + B complex + điện giải cho uống mỗi ngày.

* Lô 2: sử dụng rượu tỏi pha nước cho uống lúc gà được 7 ngày tuổi, 2 ngày uống 1 lần với liều: 60ml rượu tỏi pha trong 10 lít nước uống cho 200 con gà con (dưới 2 tháng tuổi) hoặc 100 con gà lớn (trên 2 tháng tuổi). Các ngày còn lại vẫn sử dụng vitamin C + B complex + điện giải. Vỏ tỏi còn lại treo ở các góc chuồng để khử mùi hôi.

Sau 4 tháng thực hiện kết quả như sau: Sử dụng tỏi giúp hạn chế bệnh đường hô hấp mãn tính trên đàn gà, giảm được chi phí thuốc, tỷ lệ chết, nâng cao hiệu quả chăn nuôi:

+ Giảm tỷ chết, loại thải: từ 14% xuống còn 2%

+ Giảm chi phí thuốc: 445đ/con

+ Thời gian xuất chuồng sớm hơn: 15 ngày.

+ Trọng lượng xuất chuồng cao hơn: 90g/con.

Do vậy, người chăn nuôi Bà con có thể bổ sung tỏi bằng cách: sử dụng tỏi tươi giã lấy nước cho gia cầm uống, xác trộn trong thức ăn (100g/10 lít nước) hoặc ngâm rượu tỏi (30-40g/100ml rượu, 5-6ml rượu tỏi/1 lít nước). Ngoài ra bà con có thể phơi khô nghiền thành bột trộn trong thức ăn hăng ngày với lượng 3%.

Sử dụng tỏi trong chăn nuôi gia cầm giúp hạn chế bệnh đường hô hấp mãn tính trên đàn gà, giảm được chi phí thuốc, nâng cao hiệu quả chăn nuôi: Giảm tỷ lệ chết, loại thải do nhiễm bệnh, giảm chi phí thuốc điều trị bệnh, gia cầm lớn nhanh. Ngoài ra, tỏi còn nâng cao hiệu quả kháng sinh trong việc điều trị bệnh CRD bằng phương pháp điều trị kết hợp kháng sinh và tỏi.


Nuôi vịt trên sàn lưới cho thu nhập ổn định Nuôi vịt trên sàn lưới cho thu nhập… Chăn nuôi vịt trong ruộng lúa theo hướng an toàn sinh học và thân thiện với môi trường Chăn nuôi vịt trong ruộng lúa theo hướng…