Tôm – lúa thu nhập cao
Sau vụ tôm cho thu nhập khá, người dân Cà Mau đang phấn khởi thực hiện vụ lúa trên đất nuôi tôm. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên bà con đang kỳ vọng vào một vụ mùa thành công.
Người dân Cà Mau đang tiến hành thực hiện vụ lúa trên đất nuôi tôm
Mô hình tôm - lúa đã phát triển tại Cà Mau nhiều năm nay và được thực hiện phổ biến tại các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời. Theo âm lịch hằng năm, cứ vào khoảng 1/7, bà con nơi đây tiến hành nuôi tôm. Sau đó, khi vào giữa mùa mưa sẽ trồng vụ lúa.
Gia đình anh Nguyễn Chí Tâm (ngụ xã Khánh Thuận, huyện U Minh) có 2,5ha mô hình tôm - lúa. Sau 3 đợt thả tôm từ đầu năm đến nay, gia đình anh ước có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Theo anh Tâm, năm nay thời tiết cơ bản thuận lợi, vụ nuôi tôm nắng không quá gay gắt, độ mặn không tăng cao như những năm trước nên con tôm phát triển ổn định giúp bà con có nguồn thu khá.
Đến thời điểm hiện tại, gia đình anh Tâm đã hoàn thành công tác rửa mặn và chuẩn bị sẵn sàng mạ để tiến hành trồng vụ lúa. “Năm nay, lượng mưa lớn, công tác rửa mặn rất thuận lợi. Một bộ phận bà con đã cấy, cây lúa phát triển tốt nên tôi cũng hy vọng vụ lúa này sẽ thành công”, anh Tâm cho biết.
Còn gia đình anh Trần Văn Triều (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) cũng đang khẩn trương cải tạo hơn 2ha đất để kịp thời trồng vụ lúa. Với kinh nghiệm làm mô hình tôm – lúa đã gần 10 năm nay, anh Triều cho biết: Bà con nơi đây thường lựa chọn phương pháp cấy thay vì sạ như làm lúa hai vụ.
“Phương pháp cấy sẽ giúp cây lúa phát triển tốt hơn. Vùng đất này mặn và phèn rất nhiều nên dù công tác rửa mặn đảm bảo nhưng nếu sạ lúa mà gặp nắng thì vẫn rất dễ thất bại. Ngược lại, nếu cấy thì cây lúa đã được khoảng 1 tháng tuổi, sức chịu đựng tốt hơn nên dễ thành công”, anh Triều chia sẻ.
Cũng theo anh Triều, mô hình tôm - lúa dễ làm, mang lại hiệu quả cao. Những tháng qua, gia đình anh thu nhập không dưới 90 triệu đồng từ con tôm sú. Tuy nhiên, làm mô hình này quan trọng là làm sao phải trồng được vụ lúa. Cây lúa không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn giúp cải tạo môi trường đất, mang lại thức ăn cho con tôm giúp nuôi tôm trúng gấp nhiều lần so với bình thường. Chính vì vậy bà con nơi đây luôn ý thức thực hiện vụ lúa khi điều kiện thời tiết cho phép.
Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết: Mô hình tôm – lúa đã chứng minh được hiệu quả, cho nguồn lợi khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Năm nay, lượng mưa nhiều, thuận lợi cho công tác rửa mặn nên bà con địa phương chủ động cải tạo xuống vụ lúa trên đất nuôi tôm nhiều. Kế hoạch của tỉnh thực hiện khoảng 38.000ha nhưng dự kiến sẽ đạt trên 40.000ha.
Mô hình lúa - tôm giúp người dân vùng đất cuối trời có thu nhập khá
Trong công tác cải tạo đất, ông Tranh khuyến cáo, nếu đảm bảo lượng mưa dồi dào, bà con hãy tiến hành xới đất để rửa mặn. Còn nếu không đảm bảo đủ lượng mưa thì bà con không nên xới đất, sẽ dẫn đến xì phèn ảnh hưởng tới sự phát triển của lúa khi cấy, sạ.
Ngoài ra, khi trồng lúa trên đất nuôi tôm, bà con cần chú ý chọn những giống lúa chịu được phèn mặn tốt. Đặc biệt, trong khâu chăm sóc, người dân cần hạn chế tối đa dùng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo môi trường cho việc nuôi tôm.
“Khi có sâu rầy bà con cần ưu tiên hàng đầu dùng thiên địch để trừ hại. Còn nếu có dịch bệnh buộc phải dùng thuốc, các nông hộ cũng nên dùng các loại vi sinh”, ông Tranh lưu ý.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ