Mô hình kinh tế Trà Vinh Sử Dụng Thùng Nhựa Ủ Rác Hữu Cơ Chuyển Hóa Thành Phân Compost

Trà Vinh Sử Dụng Thùng Nhựa Ủ Rác Hữu Cơ Chuyển Hóa Thành Phân Compost

Ngày đăng 26/11/2013

Trà Vinh Sử Dụng Thùng Nhựa Ủ Rác Hữu Cơ Chuyển Hóa Thành Phân Compost

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh phối hợp với xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) triển khai thí điểm mô hình sử dụng thùng nhựa ủ rác hữu cơ trong sinh hoạt hàng ngày chuyển hóa thành phân compost để bón cho cây trồng và bảo vệ môi trường.

170 hộ dân tham gia, mỗi hộ được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp một thùng nhựa có dung tích 160 lít theo thiết kế rất đơn giản, chỉ cần đục nhiều lỗ nhỏ xung quanh để có không khí vào và khoan 2 cửa rộng khoảng 0,2 - 0,3 m2 ở hai bên thành gần mép đáy thùng để lấy phân thành phẩm. Các hộ tham gia mô hình còn được cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải hữu cơ bằng thùng nhựa, cách lấy phân…

Bà Bùi Thị Hồng, ấp Tân Quy 2, xã An Phú Tân là một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: Trước đây, bà thường gom rác chung một chỗ và đổ cạnh nhà nên thường bốc mùi hôi, có một số rác không tự phân huỷ (chai lọ, túi nylon) lâu ngày trở nên ngổn ngang gây mất vệ sinh xung quanh nhà. Nay nhờ được đi tập huấn cách phân biệt và xử lý rác nên mới biết loại nào là rác vô cơ và loại nào là rác hữu cơ; lúc đầu hơi lọng cọng khi phân loại rác, nay đã quen rồi…

Hàng ngày bà chỉ cần phân loại bỏ rác hữu cơ vào thùng nhựa, rác sẽ tự phân huỷ, khoảng 90 ngày sau rác sẽ trở thành phân compost có độ mịn, tơi xốp, màu đen, không mùi. Loại phân này đem bón cho cây, hoa màu rất tốt. Riêng túi ny long, chai lọ… xử lý bằng cách: bán phế liệu, chôn lấp hoặc đốt. Nhờ vậy, môi trường xung quanh nhà bà hiện trở nên khá sạch sẽ và không còn bốc mùi hôi.

Ông Nguyễn Hoàng Khởi, quyền Chủ tịch UBND xã An Phú Tân cho biết: Do địa hình 2 ấp cù lao Tân Quy 1 và Tân Quy 2 của xã An Phú Tân có kênh, rạch chằng chịt, vận chuyển rác thải cũng còn gặp nhiều khó khăn nên mô hình thùng ủ rác này sẽ giúp bà con cải thiện được môi trường, rác thải sinh hoạt cũng trở nên có ích trong việc trồng cây ăn trái, hoa kiểng… Xã hiện đang tập trung tuyên truyền, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân ở địa phương nhân rộng mô hình này và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường theo hướng xanh, sạch, đẹp hơn…

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Chi cục hiện đang tiếp tục nghiên cứu mô hình thùng ủ rác sinh hoạt chuyển hóa thành phân compost để có nguồn phân hữu cơ bổ sung chất dinh dưỡng trong đất trồng, giảm bớt sự lạm dụng phân hóa học trong sản xuất và chi phí sản xuất do giá phân hóa học ngày càng cao. Mô hình này có thể được nhân rộng ra ở nông thôn hoặc thành thị, mục đích nhằm giáo dục ý thức cho cộng đồng chuyển đổi hành vi và trở thành thói quen bảo vệ môi trường về lâu dài…

Trước khi đưa ra thực hiện mô hình mẫu tại xã An Phú Tân, Sở Tài nguyên và môi trường đã thử nghiệm thành công trong cán bộ nhân viên của đơn vị. Kết quả sau hơn 3-5 tháng ủ rác trong thùng nhựa, rác thải sinh hoạt cho ra một loại phân compost có chất lượng, giúp cho cây trồng, đặc biệt là hoa kiểng phát triển tốt.


Tái Quy Hoạch Cây Cao Su Tái Quy Hoạch Cây Cao Su Mô Hình Cánh Đồng Mía Mẫu Hướng Đến Sản Xuất Bền Vững Mô Hình Cánh Đồng Mía Mẫu Hướng Đến…