Trăn trở đầu ra cho cây ấu tẩu ở Cao Mã Pờ
Ấu tẩu là loại cây không hề xa lạ đối với người dân, từ lâu trong dân gian đã có các bài thuốc ngâm củ ấu tẩu với rượu có tác dụng chữa trị các chứng phong, tê chân, tay, xương, khớp; hay được chế biến thành món cháo thơm ngon, bổ dưỡng. Đến thăm hộ anh Vương Minh Cường ở thôn Vàng Chá Phìn, được anh chia sẻ về cách trồng cây ấu tẩu: “Nhà tôi đã trồng u tẩu từ lâu lắm rồi và hầu như nhà nào trong thôn cũng có một mảnh vườn trồng ấu tẩu dùng để làm thuốc hoặc là nguyên liệu nấu ăn. Ấu tẩu được trồng bắt đầu từ tháng 12 (âm lịch) đến tầm tháng 7 năm sau là cho thu hoạch. Khoảng 3 – 4 năm trở lại đây, thị trường trong tỉnh có nhu cầu nên tôi còn mang ấu tẩu đi bán, được khoảng 40 – 50 nghìn/kg tùy thuộc vào chất lượng củ”.
Tìm đến vườn trồng ấu tẩu có diện tích tương đối lớn của anh Dương Văn Pao ở thôn Chỉn Chu Lìn, phải leo hơn 1 km nữa lên vùng núi đá cao vì loại cây này thích hợp trồng ở hốc đá. Anh Pao cho biết: “Hàng năm nhà tôi đều trồng từ 70 – 80 kg giống ấu tẩu cho một vụ; trồng rải rác ở các khoảnh nương khác nhau thay thế cây ngô từ 7 – 8 năm nay rồi, giá bán trung bình là 40 – 50 nghìn đồng/kg. Do đất đai ở đây phù hợp nên trồng ấu tẩu không mất nhiều công chăm sóc như trồng ngô. Chỉ mất công làm tơi xốp đất đầu vụ, bón một đợt phân xong là chờ thu hoạch”. Đổ quẩy tấu củ ấu tẩu mới thu hoạch về, anh Pao nói thêm về sự khác biệt của củ ấu tẩu ở Cao Mã Pờ: “Ở Quản Bạ cũng có mấy xã trồng được ấu tẩu, nhưng củ không bở và ngọt bùi như ở đây”.
Là loại cây dược liệu có giá trị cao, dễ trồng, song chính quyền địa phương đang rất trăn trở về việc tìm đầu ra cho cây ấu tẩu. Chủ tịch UBND xã Cao Mã Pờ, Viên Quang Chương, chia sẻ: “Năm nay xã giao cho các thôn trồng khoảng 20 ha ấu tẩu, trong đó tập trung nhiều ở 3 thôn: Thèn Ván, Vàng Chá Phìn, Chỉn Chu Lìn. Trước đây, nhận thấy ấu tẩu là loại cây có giá trị cao, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở địa phương, xã đã từng trồng mô hình thử nghiệm, cây cho năng suất ước đạt 6 tấn/ha, có giá trị gấp khoảng 4 – 5 lần so với trồng ngô. Dù vậy, xã cũng chưa khuyến kích người dân trồng cây ấu tẩu rộng rãi bởi chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm. Mặc dù đã liên hệ với một số doanh nghiệp, về tỉnh Hòa Bình để tìm đầu ra, cũng từng liên hệ với Công ty Nam Dược đến tham quan nhưng đến nay chưa có nơi nào trả lời về việc hợp tác. Khó khăn nữa, đây là loại cây có độc tính cao nên nhiều người còn e ngại, không biết dùng, vì vậy việc trồng và bán phần lớn là phụ thuộc vào người dân tự đi tìm thị trường là chính. Xã rất mong có doanh nghiệp, tổ chức tới nghiên cứu về công dụng của cây ấu tẩu để làm ra sản phẩm hoặc có khuyến cáo cụ thể cho người dùng yên tâm”.
Với lợi thế vốn có, việc phát triển cây ấu tẩu không khó song trăn trở về đầu ra, tìm cách liên kết để làm ra sản phẩm có giá trị vẫn là một bài toán khó đối với xã vùng cao này. Mong rằng các ngành chức năng cùng vào cuộc tìm cách phát triển những tiềm năng lợi thế của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ