Mô hình kinh tế Trăn Trở Với Nghề Nuôi Ong

Trăn Trở Với Nghề Nuôi Ong

Ngày đăng 25/12/2013

Trăn Trở Với Nghề Nuôi Ong

Hữu Lũng là huyện miền núi, đồi rừng chiếm tới 3/4 diện tích canh tác nên nguồn nguyên liệu cung cấp cho nghề nuôi ong rất lớn. Tuy nhiên, trước đây tiềm năng đó chưa được bà con khai thác hiệu quả.

Chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, tự phát, sản phẩm mật ong không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. ông Đào Khắc Trường, Chi hội phó Chi hội Nuôi ong Hữu Lũng nhớ lại: “Hồi ấy, Chi hội do ông Nguyễn Huy Thành - giáo viên nghỉ hưu, do yêu thích nghề nuôi ong nên đứng ra thành lập và lấy luôn nhà ông làm nơi tụ họp.

Mặc dù mỗi người chỉ có 5 - 6 đàn ong, người nhiều nhất là 12 đàn nhưng ai cũng nhiệt tình với công tác Hội. Xác định là đơn vị sinh sau đẻ muộn, Chi hội đã tận dụng những ưu đãi của thiên nhiên thu hút người nuôi ong tham gia vào Hội. Năm 1996, chi Hội sát nhập vào HLV thị trấn Hữu Lũng, từ đó, hội viên ngày càng có nhiều cơ hội giao lưu học hỏi, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, lấy mật và sản xuất phấn hoa, tham quan nhiều mô hình trang trại tiêu biểu và gặp gỡ những người nuôi ong giỏi... Đến nay, Chi hội đã có 32 hội viên, 4 Chi hội cơ sở ở xã Minh Sơn, Minh Hoà, Minh Tiến, Cai Kinh với tổng số hơn 400 đàn ong, trong đó có 60 đàn ong ngoại cho năng suất cao, sản lượng mật trung bình khoảng 3.500 lít /năm, doanh thu 200 - 300 triệu đồng /năm.

ông Trần Kim Khoán, Phó chủ tịch HLV thị trấn Hữu Lũng cho biết: “Mặc dù kinh phí hoạt động thiếu, cơ sở vật chất của Hội gần như không có nhưng từ năm 1998 - 2003, Chi hội ong đứng ra vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng giúp hội viên đầu tư nuôi ong, mỗi người được vay ít nhất 2 triệu đồng, nhờ vậy mà số lượng đàn ong liên tục tăng".

ông Trường tâm sự: “Hồi mới vào Hội, nhà tôi chỉ có hơn chục đàn, nhờ được HLV tư vấn kỹ thuật, động viên nên tôi càng gắn bó với nghề nuôi ong. Hiện tôi có 30 đàn ong, mỗi đàn cho khoảng 16 lít mật /năm. Với giá trung bình 40.000 đồng /lít, cùng với tiền bán ong giống, sữa ong chúa, phấn hoa, gia đình tôi có thu gần 20 triệu đồng /năm".

Ngoài ra, ông Trường còn nuôi lợn, gà, trồng nhãn, vải và cấy lúa, mỗi năm dành ra khoảng 10 triệu đồng làm vốn để tiếp tục mở rộng quy mô đàn ong, phát triển kinh tế trang trại và trở thành một trong những điển hình nuôi ong giỏi ở Hữu Lũng. Kinh nghiệm nuôi ong của ông rất đơn giản: di chuyển đàn ong tới những nơi nhiều hoa; thay ong chúa 3 - 4 lần /năm; đối với ong ngoại, phải để các thùng gần nhau nhằm kích thích ong thợ làm việc. ông còn dán nhãn, ghi tên, địa chỉ, điện thoại trên mỗi chai mật ong nhằm khẳng định chất lượng...

Hàng năm, ngoài việc tuyên truyền, mở rộng nghề nuôi ong, hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên, Chi hội Nuôi ong thị trấn Hữu Lũng còn cung cấp vật tư nuôi ong như chân tầng, cầu ong, thuốc chữa bệnh thối ấu trùng và ong giống cho các địa phương trong tỉnh.

Năm 2006, Chi hội đã cung cấp gần 5.000 lít mật ong cho thị trường, doanh thu trên 300 triệu đồng. Tuy nhiên, nghề nuôi ong ở Hữu Lũng đang gặp nhiều khó khăn do lượng hoa ít, nhất là vào mùa hè (tháng 7 - 8) và mùa đông nên sản lượng và chất lượng mật ong kém, ong thường bỏ đi, thêm vào đó, thị trường tiêu thụ lại chỉ hạn chế trong địa bàn tỉnh. Chi hội đã tìm cách khắc phục bằng việc di chuyển đàn ong liên tục hoặc gửi những cầu ong sang Sơn La để duy trì số lượng, đồng thời tìm cách mở rộng thị trường ra các tỉnh bạn.

Chia tay chúng tôi, ông Trần Kim Khoán trăn trở: “Chúng tôi rất muốn mở rộng quy mô đàn ong và thị trường tiêu thụ; tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập mô hình, được vay vốn ưu đãi để phát triển... Rất mong nhận được sự hỗ trợ, quan tâm từ các ban ngành và chính quyền cũng như Hội Làm vườn Hữu Lũng để nghề nuôi ong trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế huyện nhà".


Người Nuôi Lợn Giỏi Nhất Sơn La Người Nuôi Lợn Giỏi Nhất Sơn La Từ Vườn Truyền Thống Đến VAC Trang Trại Từ Vườn Truyền Thống Đến VAC Trang Trại