Mô hình kinh tế Triển Vọng Đầu Tư Dự Án Nông Nghiệp

Triển Vọng Đầu Tư Dự Án Nông Nghiệp

Ngày đăng 15/12/2014

Triển Vọng Đầu Tư Dự Án Nông Nghiệp

Hậu Giang đã và đang tập trung mở rộng mối quan hệ giao lưu, hợp tác thông qua các dự án ưu tiên mời gọi doanh nghiệp gần xa, trong đó có các đối tác nước ngoài như Hàn Quốc tham gia đầu tư vào địa bàn tỉnh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh trên lĩnh vực nông nghiệp vốn có tại địa phương.

Trên cơ sở rà soát các danh mục ưu tiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hậu Giang đã đề xuất 12 dự án kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014-2020.

Đa dạng hình thức đầu tư

Theo đó, các dự án mong muốn hợp tác đầu tư thuộc các lĩnh vực về sản xuất cây, con giống; thủy lợi; hệ thống bảo quản và chế biến nông sản; giết mổ gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; môi trường; du lịch sinh thái; siêu thị nông nghiệp. Hình thức thực hiện trực tiếp theo 100% vốn nhà đầu tư hoặc liên doanh, liên kết, thậm chí là BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Đây là tiền đề cần thiết để các cơ quan quản lý dự án thuộc danh mục đề xuất của ngành nông nghiệp Hậu Giang chủ động hơn với công tác xúc tiến, mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia ký kết đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Còn phía doanh nghiệp, cũng như đối tác có cơ hội, điều kiện tìm hiểu, đánh giá hết tiềm năng và định hướng phát triển một cách phù hợp nhất đối với dự án mà mình dự định xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh. Đáng ghi nhận là mới đây, trong chuyến công tác tại Hậu Giang, Đoàn cán bộ huyện Gangjin, tỉnh Jeollanam, Hàn Quốc, kể cả đại diện doanh nghiệp hàng đầu của huyện đã đến tham quan thực tế Xí nghiệp đường Vị Thanh; khảo sát vị trí để đầu tư xây dựng siêu thị nông nghiệp và nhà máy sản xuất phân hữu cơ ở Cụm công nghiệp tập trung Nhơn Nghĩa A, thuộc huyện Châu Thành A.

Sau các chuyến tham quan, khảo sát thực tế đó, cả 2 Công ty Nông sản Namdo và Siêu thị nông nghiệp huyện Gangjin đều có “nhã ý” hợp tác đầu tư đối với 2 dự án nông nghiệp đầy tiềm năng là siêu thị nông nghiệp và nhà máy sản xuất phân hữu cơ. Trong đó, Công ty Nông sản Namdo đặc biệt quan tâm nguồn nguyên liệu phế phẩm từ bã bùn, bã mía; đồng thời lấy mẫu mang về Hàn Quốc thử nghiệm để mở đường cho mục tiêu hợp tác trong thời gian tới. Ông Lee Hwa Chun, Trưởng đại diện Công ty Nông sản Namdo đặt vấn đề: “Doanh nghiệp có được hỗ trợ trong việc giới thiệu sản phẩm đến người sử dụng giúp chúng tôi bán hàng tại chỗ không? Và nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh ra sao?”.

Giải đáp cho vấn đề mà phía doanh nghiệp Hàn Quốc nêu ra, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Đồng thông tin: Tỉnh sẵn sàng hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp. Thực tế, nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp như bã mía, bã bùn từ các nhà máy đường rất dồi dào. Trên địa bàn Hậu Giang hiện chưa có nhà máy sản xuất loại phân này. Trong khi nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng lớn. Bởi mỗi năm, toàn tỉnh có đến 26.000ha cây ăn trái, cùng 15.000ha rau màu các loại. Chưa kể thị trường đầy tiềm năng khác ngoài tỉnh, chẳng hạn vùng Đông Nam bộ, Nam Trung bộ.

Cùng nhiều chính sách ưu đãi

Bên cạnh nhà máy phân hữu cơ, Hậu Giang cũng đang mong muốn mời gọi đầu tư vào dự án siêu thị nông nghiệp có quy mô 5-10ha. Siêu thị chính là nơi giới thiệu, cung ứng trang thiết bị máy móc, nguồn giống chất lượng để sản xuất nông nghiệp và trực tiếp tiêu thụ sản phẩm cho người dân theo hướng chuỗi giá trị, khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra.

Địa điểm quy hoạch trên tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, trục giao thông trọng yếu của tỉnh, đoạn đi qua địa bàn huyện Châu Thành A và Vị Thủy. Theo ông Lee Hwa Chun, Namdo hiện nằm trong top 5 doanh nghiệp hàng đầu tại Hàn Quốc về lĩnh vực đầu tư trạm dừng chân trên các tuyến đường cao tốc.

Do đó, nếu được đầu tư xây dựng, gắn với trạm dừng chân mà phía Công ty Namdo đã tìm hiểu cơ hội đầu tư lồng ghép thì đây sẽ là siêu thị nông nghiệp đầu tiên ở khu vực ĐBSCL phục vụ cho đa mục tiêu về nông - lâm - ngư nghiệp, kể cả khai thác du lịch, quảng bá sản phẩm tiềm năng cho tỉnh Hậu Giang và doanh nghiệp.

Trưởng đại diện siêu thị nông nghiệp huyện Gangjin Kim Dal Wook nêu vấn đề: “Khi đầu tư vào dự án thì tỉnh có giao đất để doanh nghiệp trực tiếp gieo trồng, tạo vùng nguyên liệu cho siêu thị nông nghiệp hay không? Ngoài vị trí như đã quy hoạch thì siêu thị chúng tôi có thể lựa chọn địa điểm xây dựng nào khác?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đồng lý giải: Doanh nghiệp hoàn toàn được tỉnh giao đất tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 5.200ha ở huyện Long Mỹ để trực tiếp sản xuất và cung ứng nguyên liệu cho siêu thị. Đồng thời, có thể chọn lựa địa điểm dân cư đông đúc như thành phố Vị Thanh để xây dựng dự án.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn thì mới được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi đặc biệt. Đó là được miễn giảm về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế đối với trang thiết bị, cũng như phụ kiện nhập khẩu phục vụ xây dựng, lắp ráp máy móc cho nhà xưởng và tiền thuê đất kéo dài trong từng thời hạn nhất định.

Tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn cán bộ huyện Gangjin, tỉnh Jeollanam, Hàn Quốc xoay quanh các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp mà tỉnh đang mong muốn đầu tư vào địa bàn hồi đầu tháng 12 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Nhơn khẳng định: Hậu Giang sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung, huyện Gangjin nói riêng khi tham gia đầu tư vào địa bàn tỉnh. Trong đó, có dự án về siêu thị nông nghiệp, nhà máy phân bón hữu cơ mà các doanh nghiệp hàng đầu của huyện Gangjin đã có cơ hội tìm hiểu thực tế nhân chuyến thăm tỉnh Hậu Giang…

Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE1833BD/Trien_vong_dau_tu_du_an_nong_nghiep.aspx


Tân Sơn Tập Trung Xóa Đói, Giảm Nghèo Tân Sơn Tập Trung Xóa Đói, Giảm Nghèo Bắc Quang, Triển Vọng Từ Nhiều Mô Hình Kinh Tế Bắc Quang, Triển Vọng Từ Nhiều Mô Hình…