Mô hình kinh tế Trở Về Với Bưởi Năm Roi

Trở Về Với Bưởi Năm Roi

Ngày đăng 17/10/2014

Trở Về Với Bưởi Năm Roi

Huyện Châu Thành có thế mạnh vườn cây ăn trái, với diện tích hơn 9.000ha. Trong đó, bưởi Năm Roi chiếm gần 20%, với hơn 1.705ha. Nhưng 3 năm trở lại đây, diện tích và sản lượng bưởi ở Châu Thành có xu hướng giảm do vườn bưởi bị lão hóa, ảnh hưởng thời tiết làm phát sinh mầm bệnh.

Để từng bước khôi phục lại loại cây ăn trái truyền thống này, huyện Châu Thành đã thực hiện nhiều biện pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, xây dựng mô hình trẻ hóa vườn bưởi theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, dự án trồng thâm canh bưởi Năm Roi, chính thức được triển khai nhằm hướng đến mục tiêu giúp nông dân mạnh dạn sử dụng phân hữu cơ trong quy trình chăm sóc và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, cho biết: Để giúp nhà vườn nâng cao trình độ sản xuất và kỹ thuật canh tác, ngoài duy trì hoạt động của 4 điểm tư vấn hỗ trợ kỹ thuật với loại hình câu lạc bộ cà phê khuyến nông ở các địa phương, ngành nông nghiệp huyện cũng tổ chức trên 80 cuộc tập huấn, hội thảo để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhà vườn, hỗ trợ 100% cây giống sạch bệnh với số lượng 12.000 nhánh, trên 15.000 túi bao trái và hàng ngàn tấn phân hữu cơ.

Với sự hỗ trợ kịp thời này giúp nhà vườn an tâm đầu tư phát triển diện tích cây trồng đặc sản của địa phương, từ 1.500ha bưởi ở đầu năm, nay đã tăng lên 1.705ha.

Hơn một tuần nay, ngày nào ông Lê Văn Dũng, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu cũng túc trực trên mảnh vườn của mình để chăm sóc 100 gốc bưởi Năm Roi đang đâm chồi nở lá.

Diện tích này cách đây vài năm, ông Dũng trồng nhãn và cam sành, nhưng gần đây bệnh chổi rồng trên nhãn và bệnh vàng lá thối rễ trên cam sành bùng phát nên ông quyết định trồng lại bưởi Năm Roi. Ông tâm sự: “Tôi quyết định trồng bưởi lần này với mong muốn ngoài cải thiện kinh tế gia đình, còn muốn giữ lại cây trồng truyền thống của làng quê Phú Hữu”.

Cùng suy nghĩ như ông Dũng, từ năm 2012 đến nay, vườn bưởi hơn 15 năm tuổi của anh Lê Văn Tuấn, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu cũng được áp dụng kỹ thuật trẻ hóa. Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật, mỗi năm vườn bưởi của anh có khoảng 30% số lượng cây được cắt cành tạo tán, kết hợp với quy trình chăm sóc bằng việc bón phân hữu cơ giúp loại bỏ mầm bệnh và làm tăng thêm độ tơi xốp cho đất, giúp cây hấp thụ nhanh dinh dưỡng. Anh Tuấn, cho biết: “Khi áp dụng quy trình kỹ thuật này, rõ ràng hiệu quả kinh tế và lợi nhuận tăng nhiều lần so với quy trình chăm sóc truyền thống trước đây, vì giảm chi phí đầu vào từ 50-60%”.

Hiện nay, việc khôi phục vườn bưởi ở Châu Thành theo kỹ thuật trẻ hóa, sử dụng phân hữu cơ và chăm sóc theo quy trình VietGAP hướng đến mục tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm đã và đang được nhiều nhà vườn thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, xã Phú Tân được ngành nông nghiệp huyện triển khai với diện tích khoảng 20ha.

Hôm chúng tôi đến thì 8 công bưởi Năm Roi của ông Nguyễn Văn Yên, ở ấp Phú Trí A cũng được chăm sóc với quy trình kỹ thuật tiên tiến. Đây là năm thứ ba ông Yên áp dụng theo quy trình VietGAP cho vườn bưởi trên 20 năm tuổi của gia đình.

Bởi theo ông, khi áp dụng theo quy trình này giá trị sản phẩm sẽ được nâng lên, tránh được tình trạng thừa hàng dội chợ. Mặc dù năm vừa rồi, một số công ty đã không thực hiện tốt việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhưng ông vẫn đảm bảo nguồn thu nhập.

Ông Trần Quang Hành cho biết thêm: Theo kế hoạch hành động Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh, thì đến năm 2015, bưởi Năm Roi ở Châu Thành phải ổn định diện tích 1.750ha.

Để đạt mục tiêu này, trước mắt ngoài diện tích hiện hữu, ngành nông nghiệp huyện sẽ hỗ trợ nguồn cây giống để nhà vườn phát triển thêm 15ha. Số còn lại, huyện sẽ tuyên truyền để người dân thấy được giá trị và hiệu quả kinh tế của cây trồng chủ lực này mà mở rộng diện tích.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai vùng sản xuất cây giống sạch bệnh, lựa chọn phát triển vùng chuyên canh kết hợp củng cố, nâng cấp hệ thống thủy lợi chủ động tưới tiêu cho cây trồng. Tăng cường chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăm sóc cây theo quy trình VietGAP.

Khuyến cáo thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tạo sự đồng nhất sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, ổn định giá trị kinh tế nông nghiệp, tạo điểm nhấn riêng cho vùng đất Châu Thành.

Châu Thành là huyện nông nghiệp, kinh tế vườn được xem là trọng tâm. Trước tình hình bệnh vàng lá thối rễ đang có xu hướng gia tăng trên cây có múi, nhất là ở cây cam sành như hiện nay, thì việc chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là khôi phục lại diện tích bưởi Năm Roi hiện nay là phù hợp. Đây không chỉ tìm ra lời giải cho bài toán lợi nhuận kinh tế hộ, mà huyện cũng thực hiện đúng lộ trình trong kế hoạch hành động thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương.


Người Nuôi Cá Lóc Trúng Đậm Người Nuôi Cá Lóc Trúng Đậm Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Rắn Trong Vèo Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Rắn Trong…