Tin nông nghiệp Trồng dưa lưới công nghệ cao dưới chân núi Bà Đen

Trồng dưa lưới công nghệ cao dưới chân núi Bà Đen

Tác giả Lê Đức Hoảnh, ngày đăng 17/02/2017

Trồng dưa lưới công nghệ cao dưới chân núi Bà Đen

Thay vì chọn cây truyền thống là cây mãng cầu, anh Đoàn Việt Cường đã chọn cây dưa lưới để từng bước chuyển đổi khoảng 4 ha đất ở khu vực chân núi Bà Đen trong nông trại của mình, thực hiện theo mô hình sản xuất VietGAP, bước đầu đã thu được kết quả khả quan.

Trong ảnh: Chăm sóc dưa lưới tại trang trại của anh Đoàn Việt Cường. Ảnh: Lê Đức Hoảnh

Anh Đoàn Việt Cường (khu phố Ninh Bình, xã Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) cho biết, do vốn đầu tư cho một nhà màng trồng dưa lưới (1.000 m2) khoảng hơn 400 triệu đồng, còn đòi hỏi yêu cầu về kỹ thuật rất cao, quy trình tưới nước, bón phân, phun thuốc theo quy định tiêu chuẩn VietGAP... nên bước đầu nông trại chỉ làm thí điểm được 2 nhà màng. Nếu thu được kết quả tốt trong nhiều vụ liên tiếp, đồng thời tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, nông trại có kế hoạch sẽ mở rộng thêm nhiều nhà màng nữa.

Theo anh Cường, trong đợt bán dưa lưới Tết vừa qua, mỗi nhà màng (1.000 m2) trong nông trại của anh đã thu hoạch được 3 tấn dưa lưới, giá bán từ 30.000 đồng đến 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi được khoảng từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/nhà. 

So sánh về thời gian trồng, chăm sóc đến thu hoạch chỉ 65 ngày và thu nhập trên một đơn vị diện tích đất (khoảng 1.000 m2/nhà), thì trồng dưa lưới có thu nhập cao hơn cây mãng cầu và các loại cây khác trong khu vực gấp nhiều lần. 

Bên cạnh đó trồng loại cây này lại không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng do ít sử dụng thuốc trừ sâu và có khoảng thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

Anh Nguyễn Di Linh, cán bộ kỹ thuật của nông trại cho biết thêm, thông thường nông dân trồng dưa lưới ngoài ruộng trên các luống. Trồng cách này, dưa thường bị nám một bên do nằm dưới đất; n ăng suất cây trồng không cao bởi cây dễ bị sâu bệnh do côn trùng tấn công, thậm chí là bị rụng trái vì sương muối do không có nhà màng bảo vệ.

Song song đó, dưa lưới được tưới nước và bón phân bằng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Cách này vừa giúp tiết kiệm nước và phân bón vì cung cấp chất dinh dưỡng và lượng nước đến tận gốc, đúng nhu cầu trong từng giai đoạn sinh trưởng của cây.

Cây dưa lưới ở đây được trồng các bầu giá thể (trộn từ phân bò, tro, xơ dừa...), bên dưới là nền xi măng cách li khỏi mặt đất. Mỗi cây được đặt cách nhau khoảng 20 cm. Sau khoảng 65 ngày, cây dưa lưới được thu hoạch. Mỗi cây được cán bộ kỹ thuật để lại duy nhất 1 trái, đạt từ 1,2 - 1,6 kg/trái. 

Anh Linh lý giải: “Khi loại bỏ được những trái nhỏ, không đều thì trái còn lại sẽ được cây tập trung chất dinh dưỡng tạo ra trái đều, tạo lưới đẹp, ngọt, thơm”.

Anh Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Sơn đánh giá, nông trại của anh Nguyễn Việt Cường là mô hình trồng dưa lưới đầu tiên theo mô hình công nghệ cao của xã và đạt được kết quả tốt, được chính quyền địa phương đánh giá cao, có thể nhân rộng. 

Theo anh Phong, do trồng dưa trong nhà lưới theo tiêu chuẩn sạch (tiêu chuẩn VietGap) đòi hỏi nông dân phải đầu tư nguồn vốn lớn, áp dụng kỹ thuật chăm sóc tiên tiến... nên chỉ phù hợp với người có vốn lớn và tâm huyết, nông dân không nên bắt chước, chạy theo phong trào sẽ dễ dẫn đến thất bại.


Bưởi da xanh Bến Tre không đủ hàng xuất khẩu Bưởi da xanh Bến Tre không đủ hàng… Người dân trồng nấm rơm loay hoay tìm nguồn giống chất lượng Người dân trồng nấm rơm loay hoay tìm…