Mô hình kinh tế Trồng Màu Trên Đất Cù Lao

Trồng Màu Trên Đất Cù Lao

Ngày đăng 19/01/2015

Trồng Màu Trên Đất Cù Lao

Trong 2 năm 2013-2014, xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, An Giang) có 56 nông dân duy trì trồng màu chuyên canh, 17 nông dân lập vườn trồng cây ăn trái và kết hợp dịch vụ phục vụ du lịch. Xã hiện có 6 mô hình sản xuất- kinh doanh nông thôn, góp phần đa dạng hóa các ngành nghề làm ăn trên đất cù lao.

Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng tổ chức 10 Tổ hợp tác sản xuất và 8 Câu lạc bộ nông dân, thu hút hơn 810 hội viên, nông dân tham gia. Anh Trần Anh Châu, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết, tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu, địa phương luôn chú trọng công tác tập huấn, dạy nghề, xây dựng mô hình điểm, tham quan và hội thảo chuyển giao kỹ thuật. Xã đã phối hợp Hội Nông dân TP. Long Xuyên và Hội Nông dân tỉnh An Giang mở 30 lớp dạy nghề, với hơn 850 nông dân tham gia.
Thông qua các lớp dạy nghề, tập huấn, nhiều hội viên, nông dân trong xã nhạy bén ứng dụng vào thực tế sản xuất và mang lại kết quả rất khả quan về thu nhập và giải quyết việc làm cho khá nhiều người lao động địa phương. Tại ấp Mỹ An 2, nông dân trồng rau theo chương trình VietGap gần 8 héc-ta, sản phẩm được hợp đồng tiêu thụ tại chợ Mỹ Bình, Bình Khánh và chợ đầu mối trung tâm TP. Long Xuyên. Hai năm 2013-2014, mô hình này nhân ra ấp Mỹ Hiệp và các ấp còn lại được 5 héc-ta.
Ngay từ những ngày đầu tham gia mô hình, ông Võ Văn Thép (ấp Mỹ Hiệp) và Trần Văn Hấu (ấp Mỹ An 2) nhanh chóng thành công với cách làm ăn mới. Đây là điển hình tiêu biểu phong trào “ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất” và được xét chọn danh hiệu “Nông dân giỏi” năm 2013-2014.
Ở ấp Mỹ An 2, nông dân Huỳnh Ngọc Diện có 15 công đất (trồng rau màu 8 công và 7 công trồng lúa), nhờ được tập huấn kỹ thuật, ông sản xuất lúa đúng theo các quy trình “3 giảm – 3 tăng” và “1 phải – 5 giảm”, lợi nhuận tăng thêm 3 - 4 triệu đồng/héc-ta/vụ. Đối với việc trồng rau màu, ông Diện thử nghiệm nhiều loại, như: Rau cải, đậu bắp, cà, ớt… không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu lợi nhuận được trên 100 triệu đồng/năm. Đồng thời, ông Diện tạo công ăn việc làm cho 10 lao động, với mức thu nhập trung bình 100.000 đồng/người/ngày.
Trên đất cù lao xã Mỹ Hòa Hưng, việc trồng rau màu còn tăng thêm độ màu mỡ, đất không bị chai cứng và sử dụng nhiều vòng quay, tăng thu nhập cho nhiều nông dân.
Điển hình như nông dân Nguyễn Thanh Phong (ấp Mỹ Long 2), sau khi được tập huấn kỹ thuật trồng màu, ông đã mạnh dạn ứng dụng 3 công đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng rau màu và tăng dần lên 5 công, rồi tiến tới chuyển đổi hết diện tích 2 héc-ta đất theo mô hình “1 vụ lúa + 1 vụ màu”. Kết quả sản xuất 2 năm 2013-2014 cho thấy, mỗi công đất áp dụng “2 vụ lúa + 1 vụ màu” đạt lợi nhuận nhiều hơn 2 vụ lúa hoặc 3 vụ lúa đơn thuần.
Theo anh Trần Anh Châu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng, địa phương quy hoạch 2 vùng trồng rau màu tập trung, như: Sản xuất cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày (các ấp Mỹ Thuận, Mỹ Hiệp, Mỹ Khánh 1, Mỹ Long 2); sản xuất rau màu và thực phẩm chuyên canh (các ấp Mỹ An 1, Mỹ An 2 và Mỹ Hiệp)… để duy trì giá trị sản xuất mỗi héc-ta đất 120 triệu đồng/năm.
Từ kinh nghiệm, nông dân Nguyễn Thanh Phong (ấp Mỹ Long 2) chia sẻ, canh tác 2 vụ lúa + 1 vụ màu đạt lợi nhuận trên 64% tổng doanh thu. Trong khi, sản xuất 2 vụ lúa hoặc 3 vụ lúa, lợi nhuận không quá 30% tổng doanh thu của từng đơn vị diện tích.
“Từ phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, hội viên, nông dân xã Mỹ Hòa Hưng tổ chức nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả tốt trên đất cù lao, trong đó có việc trồng rau màu và lập vườn kết hợp dịch vụ phục vụ du lịch, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đề ra”.


Ớt Mất Mùa, Mất Giá Ớt Mất Mùa, Mất Giá Hướng Hóa (Quảng Trị) Mất Mùa Cà Phê Hướng Hóa (Quảng Trị) Mất Mùa Cà Phê