Trồng Nấm Nghề Và Cây Siêu Lợi Nhuận
Sau thông tin chợ, siêu thị bày bán nấm không rõ xuất xứ, người tiêu dùng mới bắt đầu quay sang tìm nấm sản xuất trong nước và nhận ra: Nấm Việt quá ít ỏi trên thị trường!
Ngày 16.4.2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 439 về xây dựng chiến lược phát triển nấm thành sản phẩm quốc gia. Song cho đến nay, lộ trình thực hiện chương trình này vẫn còn quá chậm trễ, khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội khai thác tiềm năng từ cây trồng này.
Trồng nấm - vừa làm vừa chơi
Là người đầu tiên bắt tay vào nghề trồng nấm ở Ninh Bình vào năm 1993, đến nay ông Phạm Quốc Hương - Giám đốc Trung tâm Sản xuất giống nấm và chế biến nấm xuất khẩu Hương Nam (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh) đã hiểu rõ về những cây nấm như một chuyên gia.
Ông Hương khẳng định: “Là nước nông nghiệp nên ở đâu chúng ta cũng có sẵn nguyên liệu để trồng nấm như rơm rạ, mùn cưa, bã mía, thân, lõi ngô, bông phế thải của các nhà máy dệt… Do đó, việc phát triển nghề trồng nấm mang rất nhiều ý nghĩa, không những dọn sạch đồng ruộng, mà còn mang lại lợi ích kinh tế cực kỳ lớn, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn”.
Hiện trung tâm của ông Hương có 6.000m2 lán trại, chủ yếu sản xuất và thu mua nấm tươi, cung ứng giống nấm các loại, đồng thời là địa chỉ dạy nghề có uy tín. Trung tâm này cũng mới đầu tư một dây chuyền sơ chế, bình quân mỗi năm tiêu thụ trên 1.000 tấn nấm các loại.
“Trong làm nấm, chúng tôi không tính theo diện tích, mà tính trên quy mô nguyên liệu. Thường thì 1 tấn rơm rạ khô có thể sản xuất được 5,5 tạ nấm sò tươi, với giá bán trung bình 17.000 đồng/kg, nông dân thu nhập trên 9 triệu đồng, tương đương 1,5 tấn lúa, trong khi diện tích đất sử dụng chỉ khoảng 20m2, làm 3 tháng/vụ, chi phí hết chừng 2,3 triệu đồng/vụ. Trồng nấm vừa làm vừa chơi cũng có thể sản xuất 3 vụ/năm, quy ra ha thì thu nhập của người trồng nấm có thể lên tới vài tỷ đồng/năm” – ông Hương cho biết.
Tại huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), ông Trương Văn Mười nổi tiếng khắp vùng nhờ những thành công nổi bật trong việc sản xuất, kinh doanh nấm. Khởi nghiệp với cây nấm rơm từ 30 năm trước, đến nay ông Mười đã có một nhà máy đóng hộp công suất 3.000 tấn/năm ở khu công nghiệp Sông Hậu, xã Tân Thành (huyện Lai Vung), với tổng vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng.
Ông Mười cho biết: “Ngoài tự sản xuất, mỗi ngày nhà máy còn thu mua 7-10 tấn nấm rơm của gần 100 hộ trồng nấm vệ tinh quanh vùng. Hiện giá nấm rơm tươi trên địa bàn đạt 30.000 đồng/kg; nấm đã lột vỏ, luộc chín giá 55.000 đồng/kg. Riêng năm 2013, chúng tôi xuất khẩu được 2.000 tấn nấm, trong đó 80% đi Mỹ, còn tiêu thụ nội địa rất ít”.
Anh Nguyễn Văn Quang - chủ một trại nấm ở xã Khánh Phú (Yên Khánh, Ninh Bình) cho biết thêm: “Vốn đầu tư cho trồng nấm không nhiều, ai cũng có thể học được, chỉ sau hơn 30 ngày trồng là có sản phẩm thu hoạch, đặc biệt thị trường tiêu thụ hiện rất thuận lợi. Ngay như trang trại của tôi, nấm tươi không đủ bán cho các nhà hàng trong tỉnh thì lấy đâu ra nấm phơi khô, chế biến…”.
Nghề không thay đổi sau hàng chục năm
Mặc dù ngành nấm có nhiều thuận lợi như vậy, song những mô hình quy mô lớn, chuyên nghiệp hóa như ông Hương, ông Mười chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chủ yếu người dân vẫn làm theo kiểu “tận dụng”, tức mỗi nhà trồng vài chục đến vài trăm m2 nên năng suất, chất lượng đều thấp. Theo đánh giá của những người lâu năm trong nghề, ngành nấm nước ta còn quá yếu kém, mọi khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ vẫn hết sức rời rạc và tụt hậu rất xa so với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc…
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Đúng là ngành sản xuất nấm (gồm nấm ăn, nấm dược liệu) nước ta còn rất hạn chế, bởi chưa có sự liên kết trong nghiên cứu, tổ chức sản xuất, chế biến hay tiêu thụ. Nước ta cũng có quá ít chủng loại nấm, trong đó phía Nam chủ yếu trồng nấm rơm, mộc nhĩ; phía Bắc trồng nấm sò, mỡ, nấm hương, linh chi…
Các loại nấm chất lượng cao như bào ngư, kim châm mới đang trồng thử”. Theo ông Quảng, hiện sản lượng nấm tươi cả nước mới đạt khoảng 280.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu trên 90 triệu USD, đây là con số quá khiêm tốn so với tiềm năng dồi dào của ngành.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, mỗi năm nước ta có tới 40 triệu tấn phế thải nông nghiệp. Nếu chỉ cần dùng 10-15% lượng phế thải này vào trồng nấm là có thể tạo việc làm cho 1 triệu lao động, thu về hàng chục nghìn tỷ đồng.
“Việt Nam bắt đầu trồng nấm từ những năm 1970, nhưng suốt từ đó đến nay vẫn phát triển theo kiểu tự phát, quy mô nhỏ, việc cơ giới hóa chuyển biến rất chậm. Đặc biệt là nghiên cứu về sâu bệnh nấm, cải tiến quy trình canh tác gần như chưa được quan tâm” – ông Quảng cho biết thêm.
Một hạn chế nữa, đó là nhiều người trồng nấm vẫn coi đây là nghề phụ, làm theo kiểu được chăng hay chớ nên chưa có đầu tư thích đáng cho cây nấm cả về vốn và kỹ thuật.
Ông Lê Hồng Vinh – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) – đơn vị cung ứng giống nấm hàng đầu cả nước thẳng thắn nói: “Điểm yếu nhất của ngành nấm nước ta là sản xuất thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu trồng theo mùa vụ, phong trào. Vì thế mà sản phẩm khi thừa khi thiếu.
Tôi biết có rất nhiều siêu thị muốn bán nấm, nhưng các trang trại, gia trại lại không đảm bảo cung ứng đủ số lượng, chủng loại theo yêu cầu của họ, vì thế mà lỡ mất bao nhiêu cơ hội…”.
Đánh giá về khả năng phát triển ngành nấm nước ta, TS Nguyễn Trí Ngọc- Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông lâm nghiệp Thành Tây cho rằng: “Nấm là loại cây trồng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, sâu bệnh…
Do đó, nếu người sản xuất không nắm vững quy trình kỹ thuật, coi việc trồng nấm dễ như trồng rau thì hiệu quả kinh tế sẽ thấp. Vì vậy, trồng nấm phải được coi là một nghề, và nghề này cần phải có sự đầu tư đồng bộ về tri thức, kinh tế và quyết tâm cao mới mong phát triển bền vững”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ