Tin nông nghiệp Ứng dụng công nghệ vi sinh chế biến thức ăn cho gia súc

Ứng dụng công nghệ vi sinh chế biến thức ăn cho gia súc

Tác giả Lê Hiền, ngày đăng 23/05/2018

Ứng dụng công nghệ vi sinh chế biến thức ăn cho gia súc

Để tạo ra nguồn thức ăn lớn từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ đã hợp đồng với Công ty Green Nghệ An thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng công nghệ vi sinh để chế biến thức ăn cho gia súc tại Nghệ An”. Dự án được triển khai trên địa bàn xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương từ tháng 12/2013 đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Hướng dẫn ủ chua thức ăn cho gia súc tại xóm Ngọc Quang, xã Thanh Ngọc (Thanh Chương).

Xã Thanh Ngọc hiện có khoảng 1.500 con trâu, bò, khoảng 5.000 con lợn. Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, nguồn thức ăn sử dụng cho gia súc ở Thanh Ngọc chủ yếu là các loại thức ăn hỗn hợp, dạng viên và bổ sung thêm rau cỏ tự nhiên ngoài đồng, mà cánh đồng tự nhiên thì đang ngày càng bị thu hẹp. Trên địa bàn xã Thanh Ngọc hàng năm sản xuất khoảng 200ha sắn, 70 ha ngô.

Với 1 ha ngô, bình quân sau khi thu hoạch bắp vẫn còn 20 - 24 tấn cây, đó là nguồn thức ăn thô xanh cho gia súc có giá trị dinh dưỡng thay thế được nguồn cỏ. Tuy nhiên, bà con ở đây sau khi thu hoạch bắp và sử dụng một ít lá cho trâu bò ăn, phần còn lại hoàn toàn vứt bỏ. Với cây sắn, sau khi thu hoạch, ngoài củ sắn được nhập làm nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn đóng trên địa bàn, một lượng lá sắn rất lớn cũng không thể sử dụng bởi trong lá sắn có độc tố khiến vật nuôi không ăn được nếu như có quá trình ủ chua. Theo phân tích, lá sắn có hàm lượng protein rất cao, khoảng 20 - 22%, bằng một nửa giá trị của khô đậu nành. Trong khi đó, giá bán khô đậu nành khoảng 12.500 đồng/kg còn lá sắn chỉ khoảng 700 đồng/kg (nhưng trên thực tế, lá sắn đang bị vứt bỏ là chủ yếu). Với giá trị dinh dưỡng như vậy, nếu tận dụng được nguồn thức ăn này thì người dân sẽ giảm được chi phí rất lớn trong chăn nuôi. Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng công nghệ vi sinh để chế biến thức ăn cho gia súc tại Nghệ An” đã giải quyết vấn đề này bước đầu đem lại hiệu quả. Sau gần 1 năm triển khai, dự án đã thu hút được 26 hộ dân xã Thanh Ngọc tham gia, đã ủ được 12 tấn sắn củ và 6 tấn lá và thân cây sắn, 3 tấn ngô. 

Anh Võ Văn Sơn - Chi hội trưởng Chi hội nông dân xóm Ngọc Xuân 1, là một trong những người tiên phong cùng Công ty Green Nghệ An thử nghiệm công nghệ vi sinh chế biến thức ăn cho gia súc từ cây và lá sắn. Những con bò, lợn của gia đình anh rất thích ăn lá sắn được ủ chua, và sử dụng nguồn thức ăn này, đàn gia súc khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Với cách chế biến, bảo quản thức ăn này, anh có thể dự trữ và chủ động được thức ăn cho gia súc trong mùa mưa rét. Anh chia sẻ, từ thành công này, gia đình anh quyết định xây thêm 2 chuồng để thả thêm chục con lợn nữa.

Anh Nguyễn Kim Cường - Xóm Ngọc Quang, cũng là hộ dân tích cực tham gia dự án ngay từ những ngày đầu. Anh cho biết, từ trước đến giờ, nguồn thức ăn ở nông thôn thì nhiều nhưng chưa biết cách bảo quản và sử dụng nên để hư hỏng hết. Nhờ áp dụng công nghệ ủ chua ngô, sắn mà gia đình anh cũng như bà con trong xóm có thêm nguồn thức ăn cho trâu, bò, lại không gây hôi thối, giữ được đồng ruộng sạch sẽ. Mặt khác, việc tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có giúp gia đình anh giảm đáng kể chi phí thức ăn. Trước đây chi phí mua thức ăn bình quân cho cả trâu, bò, dê, lợn của gia đình anh khoảng 1 triệu đồng/tháng, thời điểm nuôi nhiều lợn thì phải lên đến 2 - 3 triệu đồng, thậm chí 5 triệu đồng/tháng. Với công nghệ chế biến thức ăn này, gia đình anh có thể giảm khoảng 1/3 chi phí đầu tư thức ăn cho chăn nuôi.

Chế biến thức ăn cho gia súc bằng công nghệ vi sinh thực ra rất đơn giản, dễ áp dụng. Với một lượng vi sinh vật đã tuyển chọn được trộn đều vào thức ăn, trong điều kiện yếm khí sẽ lên men, tạo ra axit lactic làm giảm pH thức ăn xuống từ 4 - 4,5, ức chế toàn bộ sự phát triển của nấm men và mốc, tương tự như cách muối dưa truyền thống. Do đó, phương pháp này còn được bà con nông dân gọi đơn giản là phương pháp ủ chua. Nếu bà con tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản là dùng đúng chủng loại men vi sinh và điều kiện yếm khí thì sản phẩm làm ra sẽ đảm bảo được các ưu điểm như sau: Thứ nhất, phương pháp này giúp bảo quản thức ăn, chủ động được thức ăn cho gia súc trong mùa mưa lạnh, nhất là đối với hạt ngô và củ sắn sau thu hoạch, nếu không đủ điều kiện phơi sấy thì rất nhanh bị mốc, thối và sẽ sản sinh ra độc tố gây ung thư, ảnh hưởng đến sức khỏe gia súc và con người. Thứ hai, thức ăn ủ chua không bị tổn thất nhiều dinh dưỡng, lại được bổ sung các vi sinh vật có lợi cho đường tiêu hóa, giúp gia súc ít bị bệnh, giảm tỷ lệ kháng sinh phải dùng, do đó tạo ra các sản phẩm sạch, không chứa dư lượng kháng sinh. Thứ ba, ủ chua thức ăn không đòi hỏi đầu tư thiết bị tốn kém, giúp nông dân tận dụng tối đa các phế phụ phẩm nông nghiệp, giảm chi phí thức ăn nên giá thành sản phẩm thấp, dễ áp dụng trong điều kiện chăn nuôi hộ gia đình cũng như trang trại chăn nuôi lớn.

Theo ông Vũ Duy Cần - Chủ nhiệm dự án, trước đây người dân đã thử ủ chua lá sắn nhưng sở dĩ không thành công do làm bằng cách lên men tự nhiên, chưa bổ sung men vào. Yếu tố quan trọng nhất của phương pháp này là bổ sung nấm men vi sinh vật vào, là những men có hoạt lực cao nhất, đảm bảo quá trình lên men tốt nhất. Vì thế, qua nghiên cứu, ông và các cộng sự đưa ra được những bộ chủng nấm men phù hợp với sự phát triển của củ sắn, của cây ngô. 

Có một lưu ý đặc biệt là với cây ngô, sau khi trộn gia súc có thể ăn ngay hoặc ủ bảo quản để ăn dần, nhưng với cây sắn cần tuân thủ nghiêm ngặt thời gian ủ là 15 ngày để thải loại hết độc tố trong thân và lá sắn, sau đó có thể cho trâu, bò, lợn ăn. Với ngô hạt, có thể để nguyên hạt hoặc phơi khô xay nhỏ, trộn với men giống ủ từ củ sắn với tỷ lệ 1/1, đóng bao, hút chân không và cột chặt miệng bao hoặc túi, sau 5 - 7 ngày thức ăn chín, để cố định nơi khô ráo để bảo quản.

Trong quy trình ủ chua thức ăn, có hai khó khăn mà người dân gặp phải, đó là công cụ để cắt nhỏ các nguyên liệu và tạo môi trường yếm khí cho sản phẩm. Ông Cần và cộng sự đã mày mò nghiên cứu lắp ráp được máy cắt dành cho ngô, sắn có gắn động cơ, giúp người dân giảm rất nhiều công sức. Với yêu cầu hút chân không, nhóm thực hiện dự án cũng đã đưa ra được một phương án rất hiệu quả và dễ thực hiện, đó là sử dụng một cái máy hút bụi, chỉ cần cho nguyên liệu vào bao nilon kín, trong vòng nửa phút có thể thực hiện được việc tạo chân không, yếm khí. 

Với công nghệ lên men, người dân có thể bảo quản được sắn trong vòng 1 năm, bảo quản được ngô trong vòng 3 tháng. Bà con có thể chuẩn bị được 70 -80% thức ăn, chỉ cần phải mua 20-30% thức ăn đậm đặc gồm có đậu tương, bột thịt, các vi lượng để bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho vật nuôi là được. Và như vậy, theo ông Nguyễn Hữu Lợi - Tổng Giám đốc Tổng công ty Con Heo Vàng, đơn vị phối hợp thực hiện dự án ở khâu cung cấp thức ăn đậm đặc, công nghệ này giúp giảm chi phí thức ăn xuống còn 22.000 đồng/kg lợn tăng trọng, so với thức ăn viên hoàn chỉnh giá khoảng 32.000 đồng/kg tăng trọng thì giảm được chi phí rất lớn cho bà con nông dân.

Đây là công nghệ chế biến và bảo quản thức ăn cho gia súc đã được sử dụng rất phổ biến ở các nước phát triển. Công nghệ vi sinh không chỉ được áp dụng để chế biến thức ăn cho gia súc mà còn có thể sử dụng để bảo quản lúa, ngô, khoai, sắn khi thu hoạch gặp thời tiết xấu, giúp cho người nông dân không mất mùa. Đây là một công nghệ đơn giản mà hiệu quả, có thể phổ biến và nhân rộng cho đông đảo bà con nông dân trong toàn tỉnh, đặc biệt ở những vùng có nhiều ngô, sắn như Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp…

Để ủ chua thức ăn thành công cần nắm vững kỹ thuật nhân giống men. Thông thường, người ta thường dùng mật rỉ và các sản phẩm men khô của các chủng vi khuẩn lactic để làm men giống, tuy nhiên giá thành mật rỉ khá đắt và khó tìm. Dự án đã tìm ra chất phụ gia thay thế mật rỉ là củ sắn. Củ sắn xay nhỏ, trộn với men khô gốc được Công ty Green cung cấp với tỷ lệ 10 kg sắn + 1 kg men, cho vào bao hút chân không tạo điều kiện yếm khí, ủ trong vòng 3-5 ngày sẽ cho ra một lượng men gấp 10 lần men gốc ban đầu, từ đó bà con có thể dùng men này để nhân giống với phương pháp tương tự. 

Về kỹ thuật ủ chua thức ăn, nguyên liệu sau khi thu hoạch về, được xay nhỏ. Sau đó, trộn đều với men giống với tỷ lệ chuẩn là 10 kg thức ăn + 0,7 kg men, tuy nhiên tỷ lệ này có thể thay đổi tùy theo điều kiện thời tiết. 


Bón phân hợp lý để ứng phó với biến đổi khí hậu Bón phân hợp lý để ứng phó với… Kỹ thuật ủ phân vi sinh từ Mật Rỉ Đường Kỹ thuật ủ phân vi sinh từ Mật…