Ứng Dụng Thành Công Phân Vi Sinh Hạn Chế Nấm Mốc Sinh Độc Tố

Ứng Dụng Thành Công Phân Vi Sinh Hạn Chế Nấm Mốc Sinh Độc Tố

Ngày đăng 08/03/2012

Ứng Dụng Thành Công Phân Vi Sinh Hạn Chế Nấm Mốc Sinh Độc Tố

Nhiều năm qua, việc kiểm soát nấm mốc trên nông sản thực phẩm đã được các nhà khoa học và người dân thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau như xử lý sau thu hoạch, chọn tạo giống cây trồng kháng nấm sinh độc tố aflatoxin. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ có thể làm giảm một phần nấm sinh độc tố aflatoxin, trong khi chi phí lại cao.

Là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về các độc tố nấm mốc trong nông sản, TS Nguyễn Thùy Châu, Viện cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch, đã phát hiện ra một chủng nấm có khả năng kiểm soát nấm sinh độc tố aflatoxin trong phòng thí nghiệm. Tên khoa học của chủng nấm này là DA2.

TS Nguyễn Thùy Châu chia sẻ: “Cứ một chủng sinh độc tố mà cùng nuôi cấy với một chủng không sinh độc tố thì nó sẽ hạn chế khả năng sinh độc tố của chủng ấy. Khi phát hiện ra, tôi rất sung sướng. Tôi nghĩ hiện tượng này mà có ở thực tế thì sẽ giúp bà con hạn chế được độc tố aflatonxin, độc tố phổ biến nhất trên ngô, lạc, cà phê..”

Sau các bước thử nghiệm khác nhau trong phòng thí nghiệm, TS Châu và các cộng sự đã  nhân giống và sản xuất thử nghiệm chế phẩm phân vi sinh từ chủng nấm DA2 để kiểm soát các loại nấm sinh độc tố aflatoxin phát sinh trên đồng ruộng.

Qua nhiều lần thí nghiệm bón cho ngô, lạc, cà phê,  kết quả thu được cho thấy, chế phẩm này hoàn toàn có khả năng ức chế sự phát triển của các loại nấm aflatoxin từ ngoài đồng đến sau khi thu hoạch, từ 85-90%.  Đặc biệt, không chỉ kiểm soát được nấm mốc sinh độc tố aflatoxin, chế phẩm này còn có tác dụng hỗ trợ cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Thạc sỹ Lê Thiên Minh, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu  hoạch cho biết: “Chúng tôi đối chứng giữa ngô trông có sử dụng chế phẩm và cây ngô không được bón bằng chế phẩm. Nhìn mắt thường có thể thấy rằng ngô được bón chế phẩm tốt hơn, xanh hơn, cây khỏe hơn.”

Đầu năm 2011, Bộ NN&PTNN đã hỗ trợ cho các nhà khoa học của Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch thực hiện Dự án sản xuất thử chế phẩm vi sinh kháng nấm mốc sinh độc tố aflatoxin và cho tiến hành thử nghiệm chế phẩm tại các tỉnh Nghệ An, Đắc Nông, Vĩnh phúc và Thanh Hóa. Cuối năm 2011, Dự án  đã được nghiệm thu và được đánh giá cao.

Thạc sỹ Nguyễn Văn Nguyện, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đánh giá về việc tiến hành thử nghiệm chế phẩm ở đồng ruộng: “Chế phẩm được nông dân đón nhận, vì sản phẩm ngoài phòng chống nấm mốc còn có nhiêu tác dụng tăng cường sức đề kháng, phòng chống sâu bệnh.”

Giá thức ăn chăn nuôi ngày một tăng khiến người chăn nuôi có khuynh hướng chọn loại nguyên liệu rẻ để làm thức ăn chăn nuôi, do đó càng tăng nguy cơ thức ăn bị nhiễm độc tố cao. Vì vậy, việc các nhà khoa học của Việt Nam đã nghiên cứu thành công bước đầu chế phẩm vi sinh hạn chế khả năng lây lan của độc tố aflatoxin, được xem là bước khởi đầu thuận lợi cho việc kiểm soát các loại nấm sinh độc tố kể cả trước và sau thu hoạch.


Pyan-Plus 5.8EC: Trừ Cỏ Cho Lúa Xuân Và Hè Thu Pyan-Plus 5.8EC: Trừ Cỏ Cho Lúa Xuân Và… Sự Kháng Thuốc Trong Nuôi Trồng Thuỷ Sản Sự Kháng Thuốc Trong Nuôi Trồng Thuỷ Sản