Vạch Trần Đường Dây Buôn Lợn Ốm Chết Đường Đi Của Thịt Bẩn
Càng đi sâu vào đường dây buôn lợn ốm chết ở tỉnh Hưng Yên chúng tôi càng phát hiện ra những chiêu trò rất “độc” của cánh thương lái nhằm tuồn thịt lợn ốm chết ra thị trường.
Làm thế nào để biến thịt lợn chết hôi thối thành thịt tươi? Thịt lợn chết được tuồn đi tiêu thụ ở những đâu?
Theo chân "thợ lợn"
Nhờ một số lời giới thiệu khá uy tín trong đường dây, chúng tôi tiếp cận lò mổ của ông chủ Viện ở thôn Dũng Tiến, xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu) để khởi đầu cuộc hành trình theo chân thịt lợn ốm chết đi chế biến và tiêu thụ.
Ông Viện tiết lộ, để biến thịt lợn chết thành thịt lợn bình thường nhìn không phân biệt được, những đầu mối trong đường dây phải sử dụng những thủ thuật như ngâm, bơm nước và pha thịt sao cho thật khéo, người tiêu dùng không thể nào phát hiện ra.
Cũng như nhiều cơ sở khác trong đường dây, lợn ốm chết ở lò mổ của ông Viện thường chỉ được mổ phanh và sử dụng vài thủ thuật đơn giản như ngâm nước muối, hàn the để giữ cho thịt khỏi thối. Còn công đoạn biến thịt lợn ốm chết thành thịt lợn bình thường phải chuyển về làng Muộn Nọ (xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào), nơi mà cánh lái lợn, các ông chủ trang trại vẫn gọi bằng cái tên: Làng lợn ốm chết.
Ở khu vực các huyện Yên Mỹ, Khoái Châu và Văn Giang luôn có khoảng chục người làng Muộn Nọ thường xuyên túc trực "ăn hàng", thường được gọi là "thợ lợn". Thời điểm hiện tại, giá lợn chết mổ phanh tại những khu vực này chỉ dao động khoảng từ 20.000 - 40.000 đ/kg. Các "thợ lợn" đặt ra hai yếu tố quyết định đến mức giá lợn ốm chết cao hay thấp là thời gian chết và bị bệnh gì.
"Nếu lợn mới chết, chết ban ngày, mổ ngay, thịt còn đỏ, giá tại chỗ là 37.000 đ/kg. Lợn chết ban đêm có giá cao hơn một chút, khoảng 40.000 đ/kg. Còn lợn ốm chết để qua vài tiếng đồng hồ giá tụt xuống còn khoảng một nửa thôi. Tuy nhiên đấy là giá tại những vùng cung ứng, còn vào tay các đầu mối thu gom để chế biến và tiêu thụ thì thành giá thịt lợn bình thường hết", ông Viện cho biết.
Theo chân một số chủ lò mổ như ông Viện, chúng tôi tìm cách tiếp cận các thợ lợn đang hoạt động ở khu vực huyện Yên Mỹ. Tại điểm tập kết lợn ốm chết của hai vợ chồng Dân - Hái ở ngã ba Từ Hồ (huyện Yên Mỹ) thường xuyên có một người đàn ông ngồi xe máy Wave túc trực phía đối diện.
Chỉ cần có lợn ốm chết nhập về là thợ lợn này lại chạy sang "kiểm hàng" rồi bốc điện thoại trao đổi với bà Hái trước khi phóng rất nhanh sang cân và bốc hàng lên xe máy, phủ kín bạt chở đi.
Khoảng 3-4 lần PV thử phi xe máy đuổi theo nhưng không tài nào bắt kịp tốc độ của những chiếc xe “chuyên dụng” chở lợn ốm chết. Thêm một lý do khác, các thợ lợn thường xuyên bố trí người ở các điểm chốt như ngã ba, cầu để bắn tin xem có người theo dõi hay không. Vì vậy, những lần chúng tôi bám theo, dù đã ngụy trang khá khéo nhưng thường xuyên bị phát hiện.
Tương tự là những lò mổ khác, cánh "thợ lợn" cũng chỉ giao dịch qua điện thoại. Nhờ lời giới thiệu của ông trùm buôn lợn ốm chết Dũng Thìn ở xã Yên Phú, chúng tôi tiếp cận được với một thợ lợn tên Giới, người làng Muộn Nọ. Những người trong làng của Giới thường chia nhau "phụ trách" nguồn hàng lợn ốm chết ở các khu vực khác nhau, địa bàn của Giới khá rộng nhưng chủ yếu tập trung tại Khoái Châu và Yên Mỹ.
Mỗi ngày, Giới dựa vào nhu cầu và "hợp đồng" đặt hàng của các đầu mối tiêu thụ mà thu gom lợn ốm chết. Mức phổ biến tầm vài ba chục con trọng lượng từ 50 - 70 kg. Các ông trùm như Dũng Thìn (Yên Mỹ), Thịnh "què" (Văn Giang) hay điểm tập kết của vợ chồng Dân - Hái (ngã ba Từ Hồ) đều là những đầu mối "ăn hàng" quen thuộc của Giới.
Khi tôi đặt vấn đề muốn mua lại một số lượng lớn thịt lợn ốm chết của Giới, ban đầu gã đồng ý cho tôi theo xe về làng, rồi hẹn tôi tại nhà riêng ở làng Muộn Nọ với cam kết: "Anh cần thịt loại nào phải báo rõ ràng trước để em cho người chuẩn bị.
Ví dụ anh lấy 100 kg thịt nạc mông, thịt nạc vai thì cứ điện thoại trước. Ngoài ra cũng phải thông báo pha thịt tỷ lệ như thế nào? Để lạnh thời gian bao lâu? Có được vàng một tý, hôi một tý không? Vừa chết xong, thịt còn đỏ hay chết lâu một tý cũng được?".
Tuy nhiên ít phút sau, không hiểu vì lý do gì Giới cáo bận đi lấy hàng chỉ muốn giao dịch qua điện thoại. Bàn bạc, thống nhất buôn bán thịt lợn với tỷ lệ 100% thịt lợn ốm chết, có thể để tủ đông một vài ngày chúng tôi được Giới báo giá cụ thể: "Thịt lợn ốm chết, hàng đông lạnh, giá 55.000 đ/kg, giao tại xe ô tô ở Phố Nối (Hưng Yên)". Lấy cớ muốn tham khảo thêm giá cả một số đầu mối khác để thâm nhập sâu vào các lò mổ ở làng Muộn Nọ chúng tôi tạm thời từ chối mức giá trên .
"Làng lợn ốm chết" có tên hành chính là Lỗ Xá (xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào) nhưng những người trong đường dây buôn lợn ốm chết vẫn quen gọi bằng tên Muộn Nọ. Theo tìm hiểu của PV, nghề chính của phần lớn hộ dân trong làng là lái lợn. Từ lợn bột, lợn sề, lợn ốm chết đều có cả.
Với vị trí địa lý ở gần quốc lộ 5 và Phố Nối, chỉ cách Hà Nội hơn 30 km, Muộn Nọ chính là điểm tập kết và xử lý lợn ốm chết cuối cùng trước khi tuồn ra thị trường.
Thịt lợn ốm chết sau khi được mổ phanh, tuồn về khu vực này có thể ngâm qua nước muối hoặc hàn the một thời gian rồi bắt đầu lóc, chặt, pha và trộn lẫn với thịt lợn sống. Các thợ lợn cho biết, nếu trộn cả hai thứ, rưới một ít huyết tươi rồi cho vào tủ đông thì không ai có thể phát hiện, phân biệt được.
Tuồn về chợ đầu mối, khu công nghiệp
Tiếp tục vào vai người đi mua thịt lợn ốm chết, chúng tôi tiếp cận một vài đầu mối phụ trách tiêu thụ trong đường dây buôn lợn ốm chết. Bà H, chủ một lò mổ ở xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu) cho biết, thị trường lý tưởng nhất của lợn ốm chết là các bếp ăn cho công nhân trong các KCN và tuồn cho các sạp ở các chợ đầu mối ở khu vực Phố Nối và Hà Nội.
Lò mổ của bà H từng có một thời gian khá dài vớ được một hợp đồng béo bở với một Cty ở KCN Phố Nối, thường xuyên giao thịt lợn chết với số lượng khá lớn, giá 58.000 đ/kg. Tuy nhiên sau đó phía Cty kia kiểm tra đầu vào gắt gao quá nên bị vỡ hợp đồng.
"Theo kinh nghiệm của tôi, chú mới làm thì "pha" 2 phần lợn chết với 1 phần lợn sống. Khi nào cần giao báo trước cho tôi vài ngày để tôi gom hàng và bỏ tủ đông vì thịt lợn chết nếu giao ngay thường bị phát hiện do nhanh bị hôi, nhanh bị vàng lắm", bà H khuyên.
Theo lời bà chủ lò mổ này, đã là hàng cung cấp cho các Cty thì không bao giờ có thịt lợn sống bởi đa số các bếp ăn đều hợp đồng gom hàng theo tuần. "Tất cả hàng Cty đều là hàng pha, nói thẳng ra là thịt lợn ốm chết. Suất cơm của mỗi công nhân phổ biến từ 10.000 - 15.000 đồng nên chỉ được ăn loại thịt pha thôi. Chúng tôi giao hàng cho các Cty và quán cơm ở KCN Phố Nối A nhiều rồi, còn lạ gì", bà H tiếp tục khẳng định.
Không chỉ giao thịt lợn ốm chết cho các bếp ăn Cty hay quán cơm KCN, một số đầu mối trong đường dây buôn thịt lợn chết ở Hưng Yên còn sử dụng nhiều chiêu trò để tăng trọng lượng.
Lan, một chủ lò mổ ở làng Muộn Nọ, từng giao thịt cho Cty S.S ở KCN Phố Nối tiết lộ: "Nếu thời điểm không có thịt lợn chết, bọn em đành chấp nhận giao thịt lợn sề giả làm lợn bột. Thịt lợn sề đen nên phải bơm nước vào cho trắng. Phải bơm vào mạch lúc lợn mới chết hoặc khi đã pha ra thành mảng, vừa qua mặt được hệ thống kiểm tra, vừa tăng thêm trọng lượng từ 10 - 20 kg.
Sau cuộc giao dịch bất thành với thợ lợn tên Giới, chúng tôi được vợ Giới giới thiệu gặp một người chuyên cung cấp thịt lợn cho một số Cty ở KCN Phố Nối, bao gồm cả thịt lợn chết. Tuy nhiên, cả liên lạc qua điện thoại lẫn đến gặp trực tiếp người này đều từ chối "hợp tác làm ăn" với lý do nguồn hàng của bà ta hiện không dư dả gì.
Trường hợp những con lợn sề hết đát nhưng còn sống thì lại càng dễ. Bơm nước thật nhiều vào mạch cho lợn phù lên rồi lấy quạt điện chĩa vào đầu lợn quạt liên tục trong vòng vài tiếng đồng hồ. Quạt đến lúc nào mặt lợn sề nhìn khô, hốc hác thì không ai phát hiện được lợn bị bơm, mổ ra nước cũng thoát đi rất ít. Bình thường bọn em có thể bơm 30 kg nước vào thớ thịt và mạch lợn cũng tăng được khoảng 15 - 20 kg".
Theo quan sát của PV, tất cả lợn sề trong chuồng nhà Lan khi nhập về đều được gom lại một vài ngày để bơm nước rồi mới mang ra mổ. Đang dở câu chuyện với chúng tôi, Lan có điện thoại của một chủ trang trại: "A lô, lợn chết lâu chưa? Bệnh gì? Mổ ngay đi nhé, em cho quân đến chở liền".
Một thị trường béo bở của cánh lái lợn làng Muộn Nọ là các khu chợ đầu mối ở Hưng Yên và Hà Nội. Lan khẳng định với tôi, nếu hợp tác làm ăn được với nhau thì sẽ giao hàng ở khu vực chợ đầu mối Bắc Thăng Long (Hà Nội), bởi đây là địa điểm Lan thường xuyên giao hàng với nhiều mối làm ăn khác.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/134525/thoi-su/vach-tran-duong-day-buon-lon-om-chet-duong-di-cua-thit-ban.html
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ