Vẫn Là Vốn Và Dịch Bệnh Trên Tôm
Mặc dù đã có những hỗ trợ nhất định cho người nuôi thủy sản trong đó có tôm, nhưng người nuôi tôm hiện còn bấp bênh khi chưa tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng cùng đó là dịch bệnh chưa có dấu hiệu suy giảm.
Vốn ngân hàng chưa tới
Ông Trịnh Thanh Hồng, Chủ nhiệm HTX Đại Phúc ở xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) than thở, năm nay, sau vụ thu hoạch tôm, nhiều hộ còn nợ tiền thức ăn của ông. Tính đến nay, số hộ và xã viên HTX còn nợ tiền thức ăn nuôi tôm do ông Hồng làm đại lý gần 2 tỷ đồng, gấp 2 lần so cùng kỳ 2013.
Ông Lê Văn Như ở ấp Lê Văn Xe, xã viên HTX Đại Phúc, có 4 ao nuôi tôm, không vay được vốn ngân hàng, nuôi bằng vốn tự có ít ỏi và mua nợ tiền thức ăn đến kỳ thu hoạch mới thanh toán. Vụ tôm 2014, gia đình ông thả nuôi 2 ao, tổng diện tích 6.000 m2, ao đầu thu hoạch 1,6 tấn, ao sau vừa thu hoạch 1,4 tấn.
Tính ra, năng suất bình quân chỉ 5 tấn/ha (giảm 3 tấn so với năm trước). Đã vậy, giá cả lại thất thường, từ đầu vụ đến nay có 2 lần giảm giá tôm nguyên liệu. Hiện, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg chỉ được 100.000 đồng/kg; loại 80 con/kg cao lắm bán được 120.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg so với đầu năm. “Gia đình tôi lấy công làm lãi nhưng lợi nhuận kém xa vụ tôm trước”, ông Như nói.
Cũng cùng cảnh ngộ, ông Trần Văn Oanh ở ấp 2, thị trấn Long Phú (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) thả nuôi 1.000 m2, phải vay vốn bên ngoài với lãi suất 5 - 10%/tháng. Năm nay, ông chỉ thả nuôi một đợt tôm thẻ chân trắng, thu hoạch được 1 tấn, trừ chi phí và lãi vay là huề vốn, may không lỗ.
Ông Oanh cho biết thêm, ở ấp 2 này, người có vốn nuôi tôm chỉ khoảng 2 - 3% tổng số người nuôi, không vay được ngân hàng nên đều vay ngoài cả. “Hy vọng chính sách ưu đãi vốn cho người nuôi tôm sẽ sớm đến với chúng tôi để vượt qua khó khăn”, ông Oanh chép miệng.
Hiệp hội tôm Mỹ Thanh có vùng nuôi rộng hơn 2.000 ha ở huyện Trần Đề, mỗi năm đưa ra thị trường hàng vạn tấn tôm nguyên liệu, góp phần quan trọng vào lĩnh vực chế biến tôm xuất khẩu của địa phương. Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Văn Nhiệm cho biết, từ năm 2013 đến nay, vẫn thiếu vốn để vực lại sản xuất sau đại dịch tôm chết sớm. Theo ông Nhiệm, nay gần cuối vụ thả nuôi năm 2014, Hiệp hội mới thả được hơn 40% diện tích, trong lúc kế hoạch thả 60%.
Tiềm ẩn dịch bệnh
Cùng với nguồn vốn, dịch bệnh vẫn là nỗi lo lớn với người nuôi tôm. Dịch bệnh tôm chết sớm do bệnh gan tụy đã giảm thì bệnh đốm trắng lại phát triển. Cũng do thiếu vốn đầu tư cải tạo nâng cấp hạ tầng vùng nuôi để hạn chế dịch bệnh, ông Nhiệm “mong Quyết định 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm sẽ sớm được thực hiện, để người nuôi tôm thoát được khó khăn bủa vây”.
Theo Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Sóc Trăng, đến tháng 9/2014, diện tích thả nuôi tôm nước lợ 52.094 ha với 14.620 triệu con giống, đạt 95,5% kế hoạch (trong đó tôm thẻ chân trắng 31.055 ha; tôm sú 21.038 ha). Dịch bệnh làm thiệt hại 21.419 ha, chiếm 41%, tăng hơn 10% so cùng kỳ năm ngoái, ước thiệt hại hơn ngàn tỷ đồng. Trong đó, tôm sú 7.650 ha (chiếm 36,3% diện tích thả); tôm thẻ chân trắng 13.768 ha (chiếm 44%), tập trung ở TX Vĩnh Châu và các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú, Cù Lao Dung, Thạnh Trị.
Với tỉnh Bạc Liêu, thiệt hại thấp hơn Sóc Trăng nhưng vẫn ở mức cao. Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh này cho thấy, diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm 9 tháng là 16.295 ha, đạt 101,6% kế hoạch; nhưng tổng thiệt hại 1.000 ha, trong đó 448 ha thiệt hại trên 70%. Ông Phạm Trúc Điệp ở phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu) nói: “Vùng nuôi tôm của tôi có vài chục hộ nhưng do thiếu vốn và dịch bệnh, nay đã nghỉ cả”.
Nguồn bài viết: http://www.thuysanvietnam.com.vn/van-la-von-va-dich-benh-tren-tom-article-10026.tsvn
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ