Mô hình kinh tế Vị Đắng Mía Đường

Vị Đắng Mía Đường

Ngày đăng 22/10/2014

Vị Đắng Mía Đường

Dù đã được cảnh báo từ lâu nhưng đến nay, ngành mía đường Việt Nam vẫn tiếp tục loay hoay với “phương trình”: Đường nội giá cao, cung thừa và đường nhập lậu giá rẻ.

Nếu không tìm ra “lời giải”thì trong năm 2015, ngành mía đường Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ “chết lâm sàng”.

“Vật vã” vì cây mía

Dù đã bước vào niên vụ sản xuất mía đường chính vụ, nhưng không khí tranh thu mua nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL năm nay không tái diễn. Hiện tượng này được đánh giá là khá “lạ”, bởi 15 năm qua, các nhà máy đường ở khu vực luôn trong cảnh tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu khi vào vụ. Năm nay, phải đến giữa tháng 10, các nhà máy đường mới bắt đầu vào vụ, trong khi đó, vụ mía đường chính hàng năm mở màn từ tháng 9.

Theo khảo sát của các công ty mía đường, vùng mía nguyên liệu ở ĐBSCL đã có sự chuyển biến mạnh trong việc nâng cao chất lượng. Đa số nông dân thay đổi giống mía mới nên năng suất và trữ đường đều đạt cao hơn mấy năm trước.

Ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Nhà máy Đường Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết: Năm nay khi nhà máy vào vụ, lượng đường cũ vẫn còn tồn kho 5.000 tấn. Từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10, sau hơn 2 tuần hai nhà máy sản xuất ra thêm 6.000 tấn. Trong khi phải cạnh tranh với đường nhập lậu, nhà máy hạ giá bán buôn nhưng chỉ bán ra được 2.000 tấn.

Ngành mía đường: Thập diện mai phục

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay, tính đến hết tháng 9-2014, lượng đường tồn kho cả nước vượt qua con số 350.000 tấn, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, dù diện tích trồng mía giảm nhưng ước tính sẽ đạt sản lượng 1,6 triệu tấn đường trong niên vụ 2014 - 2015.

Hiệp hội Mía đường cho rằng, dù con số trên giảm thì doanh nghiệp ngành chế biến mía đường vẫn sẽ lỗ nặng khi tình trạng buôn lậu đường vẫn tràn lan trên các tuyến biên giới. Theo dự đoán, tình hình tiêu thụ đường trong thời gian tới cũng chưa có gì sáng hơn bởi tình trạng “cung vượt cầu”. Đó là chưa tính tới lượng đường nhập lậu qua biên giới từ Campuchia và Lào. Trong khi đó hiện thời giá đường thế giới chỉ ở mức 420 USD/tấn.

Lý giải nguyên nhân đường trong nước giá cao, một chuyên gia cho hay, cây mía Việt Nam có trữ đường thấp khiến năng suất thấp. Trong khi đó, hiện nay giá thành sản xuất mía trên thế giới thấp. Đơn cử như các nhà máy đường ở Thái Lan thu mua (tính theo VND) khoảng 600 đồng/kg sản xuất vẫn có lãi. Trong khi đó, ở nước ta các nhà máy mua mía 880 đồng/kg, cao hơn Thái Lan 280 đồng/kg, tính ra giá thành đường khoảng 12.200 đồng/kg. Còn đường Thái vận chuyển bán qua biên giới Tây Nam giá cũng chỉ 11.600 đồng/kg.

Khó khăn đối với ngành mía đường sẽ càng chồng chất khi theo lộ trình hội nhập AFTA đến năm 2015 thuế suất ngành đường trong khối ASEAN sẽ không còn, đường bán vào nước ta không thể xem là đường nhập lậu. Ngoài các doanh nghiệp đang “ngắc ngoải” thì người trồng mía cũng lao đao theo. Giá bán buôn tại các nhà máy khoảng 12.000 - 13.000 đồng/kg kéo theo giá thu mua mía nguyên liệu cho người nông dân cũng khó có thể cao. Giá thu mua vào giữa tháng 10 được 870 đồng/kg.

Đứng trước khó khăn chồng chất nhưng ngành mía đường hiện vẫn loay hoay tìm lối ra. Trong nước thì thừa cung, không “đấu” được với đường nhập lậu. Muốn xuất khẩu thì giá cao, năng suất thấp, chất lượng trung bình. Nhiều khả năng, sản phẩm đường Việt Nam sẽ trở thành “đặc sản” khi người tiêu dùng chỉ dùng đường ngoại.


Xuất Khẩu Mực, Bạch Tuộc Tăng Trưởng “Trái Chiều” Xuất Khẩu Mực, Bạch Tuộc Tăng Trưởng “Trái… Xuất Khẩu Gạo Cuối Năm Lại Gặp Khó Xuất Khẩu Gạo Cuối Năm Lại Gặp Khó