Vì Sao Nông Dân Quay Lưng Với Cây Bông Vải?
Do giá bông vải trong những năm qua giảm mạnh, chi phí đầu tư cao nên lợi nhuận mang lại từ cây bông vải không đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, cây bông vải không đủ sức cạnh tranh với các cây trồng khác nên đang mất dần vị thế trên đất Kông Chro.
Những năm gần đây, diện tích cây bông vải trên đất Kông Chro liên tục giảm mạnh, hiện nay chỉ còn khoảng 200 ha (những năm 2005-2006, trên địa bàn huyện trồng hơn 3.000 ha cây bông vải) nay được thay thế bằng cây mía, cây mì…
Theo tính toán của người dân, mỗi ha bông vải cần đầu tư giống khoảng 750.000 đồng, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu hơn 10 triệu đồng. Tổng số tiền đầu tư cho mỗi ha cây bông vải khoảng 11 triệu đồng chưa tính công chăm sóc và thu hái.
Trong khi đó với giá bông vải như năm 2013 dao động khoảng 13.000 đồng đến 13.500 đồng/kg. Bình quân mỗi ha bông vải thu hoạch được khoảng 1-1,5 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư người trồng bông vải lãi 5 đến 7 triệu đồng/ha. Đây được xem là nguyên nhân người dân không mặn mà với cây bông vải và diện tích càng ngày càng giảm.
Ông Bùi Văn Thanh-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chơ Long cho hay: Trước đây trên địa bàn xã hầu như nhà nào cũng trồng bông vải, nhưng do giá thấp, tiền đầu tư cao và công chăm sóc, thu hái nhiều nên thu lãi không được bao nhiêu. Giờ người dân đã chuyển qua trồng mía, mì cho thu nhập cao và ổn định hơn.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, cây bông vải có khả năng kháng sâu và chịu hạn tốt, phù hợp với khả năng canh tác của người dân trên địa bàn huyện, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, dễ trồng, dễ chăm sóc và là một trong những cây trồng giúp xóa đói giảm nghèo…
Tuy nhiên, trong những năm qua giá bông vải liên tục giảm, trong khi đó giá nhân công tăng, giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng không ngừng tăng lên nên người dân không còn mặn mà với cây bông vải nữa.
Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro cho biết: Người trồng bông vải thuận lợi là được Công ty Bông đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ sản phẩm. Khi thu hoạch, phía Công ty Bông sẽ trừ chi phí đã đầu tư cho nông dân.
Trước đây huyện Kông Chro là vùng nguyên liệu lớn của Công ty Bông bởi diện tích bông có khi lên tới hơn 3.000 ha, nhưng hiện nay, nếu so thu nhập bình quân trên cùng một diện tích thì cây bông vải không thể ổn định và cao bằng các loại cây trồng khác như mía, mì, bắp, đậu xanh… nên người dân đã chuyển đổi diện tích bông sang trồng cây khác hiệu quả kinh tế hơn.
Kế hoạch của huyện sẽ trồng khoảng 200 ha bông vải tập trung tại các xã Yang Nam, Chơ Long, Yang Trung, Đak Pơ Pho, An Trung và thị trấn nhưng khả năng khó đạt kế hoạch đề ra. Bởi nhu cầu của người dân cây trồng nào mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định thì họ đầu tư vào trồng.
Để cây bông vải có thể đứng vững và cạnh tranh được với các cây trồng khác thì từ phía Công ty Bông cũng cần có chính sách hỗ trợ người nông dân trong việc đầu tư, thu mua và giá cả phù hợp, ổn định. Đặc biệt, lợi nhuận mang lại từ việc trồng bông vải phải đảm bảo được cuộc sống của người dân khi đó người dân mới không “quay lưng” lại với cây bông vải.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ