Vị Xuyên Tạo Đột Phá Trong Sản Xuất Nông Nghiệp
Với lợi thế về tài nguyên đất, trong năm 2013 và 2014, huyện Vị Xuyên nỗ lực tạo “đột phá” trong sản xuất nông nghiệp (SXNN), bằng cách gắn kết chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nông – Nhà nước – Nhà doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho cây cải sa-lát và chanh leo, những cây trồng mới trên địa bàn huyện; đồng thời, thực hiện thí điểm chăn nuôi bò nhốt dành cho đồng bào hạ sơn...
Những bước chuyển mang tính “đột phá” ấy được huyện Vị Xuyên chú trọng triển khai thực hiện, để đồng hành cùng người dân thoát nghèo bền vững.
Những năm trước, nếu sản phẩm cây trồng vụ Đông chỉ dừng lại ở việc người nông dân bán ra thị trường một cách nhỏ lẻ, manh mún hoặc rơi vào cảnh được mùa, mất giá... thì từ vụ Đông năm 2013 trở đi, hình thức sản xuất có sự thay đổi rõ nét.
Nhất là khi huyện Vị Xuyên chủ động kết nối với doanh nghiệp, để có sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp đến quá trình sản xuất cây trồng vụ Đông.
Đó chính là cây cải sa-lát gắn với bao tiêu toàn bộ sản phẩm do Công ty TNHH Vạn Đạt (Vị Xuyên) thực hiện. Không những vậy, phía Công ty còn đầu tư phân bón, giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản sản phẩm cho người nông dân.
Do vậy, vụ Đông năm 2013 của huyện Vị Xuyên được đánh giá là vụ Đông thành công nhất từ trước tới nay. Thực tế chứng minh: Cây cải sa-lát cho năng suất bình quân từ 7-10 tấn/ha (đã gọt vỏ), có giá bán 5.500 đồng/kg (trong đó, giá cam kết thu mua của Công ty TNHH Vạn Đạt là 4.800 đồng và huyện Vị Xuyên hỗ trợ 700 đồng/kg).
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn: 1ha cải sa-lát có tổng chi phí đầu tư trên 21 triệu đồng (tính cả công lao động), cho thu lợi nhuận bình quân 16,7 triệu đồng/ha (nếu không tính công lao động sẽ là 30,7 triệu đồng/ha)... Với những kết quả đạt được như trên, chính là tiền đề để huyện Vị Xuyên tiếp tục nhân rộng diện tích trồng cây cải sa-lát vụ Đông những năm tiếp theo tại nhiều địa phương khác...
Tiếp đến, năm 2014 là năm đầu tiên huyện Vị Xuyên thực hiện trồng 50 ha cây chanh leo (thuộc Đề án Phát triển trồng mới cây chanh leo trên địa bàn huyện Vị Xuyên, giai đoạn 2013 – 2015). Từ khi triển khai thực hiện đến nay, huyện Vị Xuyên đã hoàn thành kế hoạch trồng mới 50/50ha chanh leo. Trong đó, 57.000 cây chanh leo (trồng từ tháng 3) đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt.
Nhiều cây chanh leo đã leo lên đến giàn cao 1,8-2m. Cá biệt, nhiều diện tích đã nở hoa, kết quả. Còn 12.300 cây chanh leo, trồng vào thời điểm cuối tháng 4 đã nảy chồi cao... Thực tế cho thấy, trên địa bàn huyện Vị Xuyên, cây chanh leo đã trồng rải rác trong các hộ dân và cho thu hoạch khả quan.
Chị Hoàng Thị Thường, thôn Phai (xã Bạch Ngọc) cho biết: Gia đình chị có duy nhất 1 gốc cây chanh leo (trồng từ 3 năm trước). Mặc dù, gốc chanh leo này không được làm giàn cũng không được chăm sóc cẩn thận, phải chịu sự cạnh tranh dinh dưỡng với một gốc cây lấy gỗ, mọc bên cạnh nhưng cây chanh leo vẫn phát triển xanh tốt và sai quả...
Từ thực tế, một số gia đình chỉ trồng chanh leo làm bóng mát đến những cây chanh leo thuộc Dự án đang sinh trưởng, phát triển tốt (tỷ lệ cây chết không đến 5%) cho thấy: Cây chanh leo hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và có khả năng trồng đại trà trên địa bàn huyện Vị Xuyên.
Hơn nữa, người trồng chanh leo thuộc Dự án có thể yên tâm rằng, toàn bộ đầu ra cho sản phẩm được Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) ký cam kết với UBND huyện Vị Xuyên bao tiêu toàn bộ sản phẩm (với giá cam kết tối thiếu là 5.000 đồng/kg).
Cùng với những cây trồng mới gắn với DN, năm 2014 cũng là năm đầu tiên huyện Vị Xuyên triển khai Phương án: Phát triển chăn nuôi bò nhốt để thoát nghèo bền vững (giai đoạn 2014-2017), gắn với trồng cỏ ở khu tái định cư xóm Khuổi Pụt, thôn Bản Ngàn (xã Kim Linh). Qua thống kê của cơ quan chuyên môn cho thấy, xã Kim Linh có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 45,4% tổng số hộ dân.
Do vậy muốn XĐGN, cần lựa chọn con vật nuôi có thế mạnh để các hộ dân phát triển kinh tế bền vững sau hạ sơn. Và bò là loài gia súc có khả năng thích nghi với điều kiện môi trường, chống chịu bệnh tật cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương.
Theo đó, sẽ có 15 hộ nghèo, cận nghèo của xóm Khuổi Pụt được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn để mua mới 30 con bò cái giống. Theo Phương án đến năm 2016, diện tích trồng cỏ của xóm Khuổi Pụt bình quân đạt 0,3ha/đầu gia súc, 100% hộ chăn nuôi có chuồng trại kiên cố và đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y.
Việc thực hiện thành công Phương án sẽ là cơ sở để huyện Vị Xuyên quy hoạch, phát triển vùng chăn nuôi bò nhốt theo hướng hàng hoá. Đồng thời, nhân rộng mô hình ra các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã để hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững...
Trao đổi về những vấn đề trên, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Lương Văn Đoàn cho biết: Với đặc thù là huyện mà SXNN còn chiếm phần nhiều, nếu nhanh chóng chuyển sang các nghề dịch vụ, thương mại thì người nông dân khó có thể tiếp cận ngay được.
Do vậy, từ lợi thế về tài nguyên đất, huyện chủ trương từng bước tạo “đột phá” trong SXNN, để người nông dân có thể làm giàu trên chính đồng đất quê hương.
Thiết nghĩ, khi người dân thực sự “ấm bụng”, nghĩa là no đủ về lương thực, thực phẩm thì việc tích lũy tài sản để làm giàu và nâng cao chất lượng cuộc sống là quy luật phát triển tất yếu của đời sống xã hội. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc yên dân, tránh được các tệ nạn xã hội do “nhàn cư vi bất thiện” gây ra...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ