Mô hình kinh tế Vĩnh Phúc Nâng Cao Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Giống Mới

Vĩnh Phúc Nâng Cao Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Giống Mới

Ngày đăng 26/07/2014

Vĩnh Phúc Nâng Cao Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Giống Mới

Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp Vĩnh Phúc tầm nhìn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030,

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất thủy sản thông qua các mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Mô hình nuôi cá giống mới, chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống thủy sản;

Dự án thay thế, bổ sung đàn cá bố mẹ, cá truyền thống; Cải tạo cơ sở vật chất sản xuất giống thủy sản; Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Chuyển đổi vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản... tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất, nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển theo hướng ổn định, bền vững.

Sau khi Nghị quyết số 52 của HĐND tỉnh về khuyến khích hỗ trợ phát triển giống vật nuôi, thủy sản giai đoạn 2012-2015, thực sự là động lực cho sản xuất thủy sản có những bước phát triển mạnh mẽ.

Năm 2013 giá trị sản xuất thủy sản đạt gần 613 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 2003; diện tích nuôi trồng tăng 2.500ha. Đặc biệt, sản xuất thủy sản đã và đang là ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản, năm 2014, Chi cục Thủy sản đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án “Mô hình nuôi cá giống mới”, tập trung vào 2 giống cá mới là rô phi đơn tính (giống Đường Nghiệp) và Chép lai 3 máu (lai giữa 3 giống cá: chép Việt + chép Indonesia + chép Hungary).

Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ 100% con giống cho các hộ có diện tích mặt nước tối đa 3ha và tối thiểu 1ha. Theo cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thủy sản cho biết, hai giống cá mới này có những ưu điểm vượt trội như: Cá lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, thịt thơm ngon, sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu cũng như môi trường nước ở Vĩnh Phúc.

Với mật độ thả 0,1 con/m2 (cá chép), 3 con/m2 (cá rô phi), mật độ chung 3,1 con/m2, thời gian nuôi 6 tháng cho thu hoạch, trọng lượng bình quân đạt 0,8-1kg/con, năng suất đạt trên 13 tấn/ha.

Cá lớn nhanh hơn nếu được nuôi ghép với một số giống cá khác, thức ăn chủ yếu là hữu cơ, nuôi trong ruộng lúa cũng là điều kiện lý tưởng của giống cá này, đây là ưu điểm thuận lợi để bà con nông dân có thể vừa trồng lúa, vừa thả cá trên cùng một diện tích đất canh tác.

Tính đến nay, Chi cục Thủy sản đã triển khai hỗ trợ giống cá mới cho 50 hộ trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích 70ha, tập trung ở các huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên và Yên Lạc.

Thuộc đối tượng được hỗ trợ nuôi cá giống mới, anh Phạm Văn Đức, ơ xã Tam Hồng (Yên Lạc) chia sẻ: Nhờ có cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh được hỗ trợ 24.000 con cá rô phi đơn tính và 800 con chép lai từ Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc.

Không chỉ được nhận cá nuôi “miễn phí”, anh Đức còn được mời tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật về cách chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng và trị bệnh cho đàn cá giống mới này.

Hàng tháng, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thủy sản còn định kỳ kiểm tra, hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dẫn xử lý khi thay đổi thời tiết hoặc trời mua to để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Hiện nay, đàn cá sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, trọng lượng bình quân đạt khoảng 600 gram, sắp tới cho thu hoạch với giá thị trường khoảng 30.000đ-32.000đ/kg, thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Hình thức nuôi trồng thủy sản đang chuyển dần theo hướng thâm canh, nuôi bán thâm canh. Tuy nhiên hiện nay, chủ yếu vẫn nuôi các giống cá truyền thống (Mè, Trôi, Trắm, Chép), giá trị kinh tế chưa cao. Do vậy, việc đưa vào các giống cá mới là việc làm cần thiết đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Bà Nguyễn Thị Lý, phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 7.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản, nhưng sản xuất thủy sản của tỉnh vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa chủ động được nguồn nước.

Diện tích nuôi thâm canh còn ít, năng suất thấp, chưa có cơ sở sản xuất thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chưa có đối tượng chủ lực xuất khẩu, các giống thủy sản chưa đa dạng, phong phú về chủng loại, chưa có nhiều đối tượng mới có giá trị kinh tế đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Để quản lý nguồn lợi thủy sản, cũng như phát triển giống cá có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, hàng năm, Chi cục Thủy sản tổ chức điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản, thả bổ sung các loại cá giống mới tại các hồ chứa lớn để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; phân tích mẫu nước, cảnh báo dịch bệnh và môi trường thuỷ sản; mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân, cán bộ làm công tác khuyến ngư, các hộ tham gia mô hình; kiểm tra, kiểm soát điều kiện sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất giống và dịch vụ hàng hóa phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Cùng với đó là tiếp tục hỗ trợ các giống các mới, tiến tới thay thế một số giống cá truyền thống năng suất thấp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

Phát huy những kết quả đạt được, cũng như tiềm năng sản xuất thủy sản của tỉnh trên diện tích mặt nước sẵn có, trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc tiếp tục nghiên cứu, nuôi thử nghiệm nhiều giống cá mới năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất đại trà trên địa bàn tỉnh.


Huyện Ứng Hòa (Hà Nội) Phát Huy Lợi Thế Nuôi Trồng Thủy Sản Huyện Ứng Hòa (Hà Nội) Phát Huy Lợi… Nuôi Sá Sùng Ở Cam Lâm Người Dân Chưa Mặn Mà Nuôi Sá Sùng Ở Cam Lâm Người Dân…