Nuôi vịt Vịt Kỳ Lừa

Vịt Kỳ Lừa

Tác giả Bảo Hân, ngày đăng 17/07/2018

Vịt Kỳ Lừa

Là giống vịt nhà, có nguồn gốc tại huyện Kỳ Lừa, Lạng Sơn. Đây là giống vật nuôi quý ở Việt Nam và đang nằm trong diện bảo tồn nguồn gen quý.

Vịt Kỳ Lừa được nuôi rộng rãi ở các tỉnh trung du, miền núi phía bắc và một số tỉnh Đồng bằng Bắc bộ, nơi có khí hậu lạnh. Chúng là giống vịt kiêm dụng thịt trứng, chưa được nuôi phổ biến và số lượng không lớn

Đặc điểm

Vịt Kỳ Lừa có thân hình không dài, ngực sâu, bụng sâu vừa phải. Vịt đi thường lúc lắc sang hai bên, thân hơi dốc so với mặt đất. Đầu vịt hơi to, mỏ xám hoặc vàng, con trống có màu xanh nhạt hoặc xám đen, mắt sáng nhanh nhẹn. Cổ ngắn, thân mình hơi rộng. Đùi to, ngắn, bàn chân có màu xám hoặc vàng, một số con chân có đốm đen, nâu.

Vịt có màu lông không đồng nhất. Con mái mỏ màu xám hoặc vàng, còn con trống có mỏ màu xanh nhạt và cổ có màu lông xanh biếc; vịt mái có lông bụng màu trắng. Đa số có màu nâu sẫm hoặc xám nhạt, một số con đen tuyền hoặc trắng xỉn, loang trắng đen hoặc trắng nâu. Khi vịt được 1 năm tuổi, con mái 2,2 - 2,5 kg, con trống 2,8 - 3 kg. Thịt vịt ngon, thơm, hơi dai, giàu axit glutamic.

Vịt Kỳ Lừa thích nghi với mùa đông giá rét, chịu đựng được điều kiện nuôi dưỡng thấp, tính hợp đàn cao, được chăn thả ngoài đồng, bãi. Vịt đẻ tương đối sớm, khoảng 150 - 160 ngày tuổi. Sản lượng trứng đạt 110 - 130 quả/mái/năm. Trứng vịt sẽ nở sau 28 ngày được ấp. Tỷ lệ nở khá cao. Khả năng sinh trưởng và phát triển của giống vịt này trung bình.

Vịt con từ lúc mới nở đến 1 tháng tuổi là thời gian “gột vịt”, giai đoạn này kéo dài hay ngắn tùy theo giống vịt, mùa vụ, điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc. Khi nuôi vịt, không nên nuôi nhốt mật độ dày, bởi sẽ dẫn đến việc vịt chèn lên nhau, ảnh hưởng đến sinh trưởng, vịt sẽ còi cọc và chết. Chỗ nuôi vịt cần đảm bảo đủ ấm, đủ ánh sáng, không ẩm ướt và mật độ nuôi phù hợp. Trong quá trình nuôi, vịt Kỳ Lừa thường hay gặp các bệnh là: dịch tả vịt, tụ huyết trùng, viêm gan do virus, phó thương hàn.

Thí điểm thành công

Năm 2014, Trạm Khuyến nông Than Uyên (Lai Châu) triển khai thí điểm mô hình nuôi vịt Kỳ Lừa tại 2 bản của xã Mường Mít, quy mô 1.800 con cho 6 hộ tham gia. Trong suốt quá trình nuôi, việc kết hợp giữa thức ăn công nghiệp và thức ăn sẵn có, đặc biệt là cá vụn tại hồ thủy điện Bản Chát nên đàn vịt sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 92%, trọng lượng bình quân 2,5 kg/con. Trừ chi phí, lợi nhuận thu được trên 62 triệu đồng.

Theo đánh giá của cán bộ khuyến nông, so với cách nuôi vịt truyền thống thì chăn nuôi vịt thịt giống vịt Kỳ Lừa có hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, chất lượng thịt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tận dụng được lợi thế thức ăn sẵn có tại địa phương, giảm chi phí đầu vào cho người chăn nuôi.

Một số giống vịt nuôi nhiều tại Việt Nam

Giống vịt nội

• Vịt cỏ: Thường gọi là vịt đàn, miền Nam gọi là vịt Tàu nuôi ở khắp các vùng, nhưng tập trung chủ yếu ở đồng bằng, trung du, ven sông, ven biển. Vịt cỏ chiếm gần 80% tổng đàn vịt, có nơi trên 90%.

• Vịt Bầu Bến và vịt Bầu Quỳ: Giống vịt Bầu Bến có nguồn gốc ở vùng chợ Bến (Hòa Bình). Còn giống vịt Bầu Quỳ nguồn gốc ở vùng Phủ Quỳ (Nghệ An). Ở miền Nam nhiều nơi gọi hai loại vịt này là vịt ta.

• Vịt nông nghiệp 1 và 2: Là nhóm vịt lai giữa vịt Tiệp Khắc dòng 1822 với vịt Anh Đào, hoặc vịt Bắc Kinh.   


Vịt Cổ Lũng Vịt Cổ Lũng Kỹ thuật nuôi ngan trên sàn Kỹ thuật nuôi ngan trên sàn