Vỗ Béo Cua Đồng
Tuy là năm đầu tiên triển khai thí điểm nhưng mô hình “vỗ béo” cua đồng ở xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã đem lại hiệu quả đáng kể. Nhiều hộ chỉ với 1.000m2 ao nuôi nhưng qua khoảng 5 tháng đã thu được lợi nhuận trên dưới 20 triệu đồng.
Mùa nước… nuôi cua
Thời gian qua, dự án “Khuyến nông đồng bằng sông Cửu Long” của Trường ĐH Cần Thơ đã triển khai thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi ở xã điểm nông thôn mới Mỹ Thọ. Trước đó là mô hình nuôi heo nái hướng nạc, kế đến là nuôi vịt siêu thịt và năm nay là mô hình chăn nuôi cua đồng.
Trường ĐH Cần Thơ đã triển khai cho 20 hộ dân nơi đây với tổng diện tích thả nuôi trên 12.000m2. Ngoài việc hỗ trợ không hoàn lại mỗi hộ 500.000đ để mua lưới cước làm khung bao ao nuôi và cho mượn thêm 500.000đ để mua con giống, các hộ trong dự án còn được tập huấn về kỹ thuật và phương pháp phòng, trị bệnh. Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, người nuôi có thể thiết kế các dạng ao, hồ riêng biệt hay có thể nuôi trên ruộng lúa, những nơi gần sông rạch, có nguồn nước lưu thông.
Hôm mới triển khai dự án, anh Lê Quốc Văn ở ấp 3, xã Mỹ Thọ, cho biết: “Mấy năm nay thấy cua đồng ngày càng khan hiếm, nhất là thời điểm sau tết giá bán cua và càng cua rất cao nên nhiều hộ dân ở đây đã mua cua về trữ lại để ra giêng hay tháng hai bán sẽ có giá vì vào mùa nước giá cua rất rẻ, nhiều khi chỉ vài trăm đồng một ký…”.
Gần đó là anh Nguyễn Văn Lý cũng “thắng đậm” trong vụ nuôi trữ năm vừa qua. Anh kể: “Thấy nhiều người mua trữ lại có lời nên tôi cũng làm theo, chỉ hơn một công đất tôi thả 800kg với giá mỗi ký chỉ 300 - 400đ nhưng ra ngoài tết tôi bán được tới 10.000đ/kg, vụ rồi tôi lời hơn 20 triệu đồng…”.
Vụ nuôi năm nay, anh Lý tăng diện tích lên trên 2.300m2 và đã thả hơn 1 tấn cua giống, “nếu giá cua chỉ bằng như năm ngoái thôi là kể như ngon ăn rồi”, anh cho biết như vậy. Với tập tính sinh sống đào hang chui rúc và bò đi rất xa nên khâu quản lý cần phải cẩn trọng.
“Được cái là cua dễ nuôi, có thể cho ăn đủ thứ từ cám, tấm, khoai mì, ốc hay cả thức ăn công nghiệp cho cá cũng được… Bọn này có thể bỏ đói trên 10 ngày cũng chả sao cả”, anh Lý cho biết thêm.
Theo quan sát của chúng tôi, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nên tất cả 20 hộ trong dự án đã thiết kế ao nuôi tương đối chu đáo và trình bày kỹ thuật chăm sóc, cho ăn cũng như phòng, trị bệnh một cách khá bài bản.
Mùa khô… hốt bạc
Hôm trước, anh Nguyễn Văn Lý nói như khoe trong điện thoại: “Trúng nữa rồi… nhà báo chạy xuống liền nghe…”. Khi chúng tôi đến nơi thì chuyện mua bán đã thực hiện xong, chủ nuôi thì ngồi ung dung đếm tiền, đại lý thu mua thì chuyển cua xuống ghe chuẩn bị đi giao cho các điểm bán lẻ.
Hỏi lời khoảng bao nhiêu, anh Lý cười khà khà, nói : “Bữa nay tệ lắm tôi cũng lời trên 30 chục triệu đồng”. Anh Lê Thành Nguyên, chủ đại lý chuyên thu mua cá tôm vào mùa nước lên và thu gom cua vào mùa khô, cho biết : “Năm nay do thị trường giá thịt, giá cá tăng nên cua đồng cũng được ăn theo… Trung bình mỗi ngày tui phải chở ít nhất hai chuyến lên tận Đồng Xoài, Bình Phước giao cho mối”.
Ngoài các tỉnh miền Đông, anh Nguyên còn cung ứng cho các tỉnh lân cận và thành phố Hồ Chí Minh. Với giá dao động từ 13.000 - 14.000đ/kg như hiện nay thì người nuôi cua đồng xem như thắng đậm.
Không chỉ riêng các hộ nằm trong dự án, nhiều hộ dân ở các xã lân cận như Tân Hội Trung, Nhị Mỹ, Mỹ Hội… cũng học lóm cách “vỗ béo” cua đồng và tất cả đều có lãi. Anh Võ Hồng Khanh ở ấp Bình Dân, xã Nhị Mỹ thả hơn 1 tấn giống dự tính chỉ lời trên dưới 8 triệu đồng “nhưng không ngờ giá cua năm nay vọt lên bất ngờ nên tui bỏ túi trên 15 triệu đồng”.
Một lần xuống nhà anh Khanh chơi, thấy kiểu nuôi cua có phần nhẹ nhàng và đơn giản nên anh Lê Văn Phúc ở xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh cũng về “bắt chước” làm theo.
“Thời điểm tui bắt đầu thả nuôi, giá cua sô ở các chợ vùng sâu như Tân Nghĩa, Phương Thịnh mỗi ký chỉ từ 200 - 250đ thôi, chủ yếu là bán cho các hộ nuôi tôm hay nuôi cá, thấy giá rẻ nên tui chịu khó thu gom rồi chở về thả nuôi”. Tuy mới nuôi lần đầu, chưa có kinh nghiệm nhưng với 1 tấn cua anh Phúc cũng thu về trên 15 triệu đồng.
Với giá thị trường như hiện nay cho thấy mô hình “vỗ béo” cua đồng bước đầu đã đem lại thắng lợi, vừa ít vốn đầu tư, vừa nhẹ công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế cao, nhất là thời điểm cua đồng ngày càng khan hiếm như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ