Mô hình kinh tế Vụ Cá Mới, Nỗi Lo Cũ

Vụ Cá Mới, Nỗi Lo Cũ

Ngày đăng 15/03/2014

Vụ Cá Mới, Nỗi Lo Cũ

Cá thương phẩm tiêu thụ thuận lợi, giá bán ổn định đã tạo động lực để nông dân Bắc Giang mở rộng diện tích thuỷ sản. Thế nhưng, trong vụ xuân năm 2014, người nuôi cá vẫn đối diện với không ít rủi ro.

Chuẩn bị cho vụ cá mới, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Ghép, xã Thái Đào (Lạng Giang) đã hút cạn nước, vét bùn, rắc vôi bột phơi đáy ao, tôn cạp rộng bờ bao xung quanh. Nước đưa vào ao được xử lý kỹ bằng vôi bột, phèn, chế phẩm sinh học rồi mới thả cá giống. Trong quá trình nuôi, định kỳ trộn thuốc vào thức ăn để phòng bệnh. Ông Hùng cho biết: "Tôi đã áp dụng cách làm này nhiều năm và thu được kết quả tốt, đàn cá tăng trọng nhanh, ít mắc bệnh”.

Khâu chuẩn bị ao, diệt mầm bệnh rất cần thiết, không tốn nhiều chi phí song không phải ai cũng chú trọng như ông Hùng. Ở thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung (Việt Yên), từ năm 2011 đến 2013, vào thời điểm tháng 5, tháng 6 đều xảy ra bệnh liên cầu khuẩn trên cá rô phi, gây thiệt hại nặng nhưng trong vụ cá mới 2014, một số hộ vẫn sản xuất theo thói quen cũ.

Ông Vũ Văn Mai, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá thôn Tĩnh Lộc cho biết: "Mặc dù được cơ quan chức năng hướng dẫn quy trình phòng bệnh liên cầu khuẩn trên cá rô phi nhưng ít hộ trong thôn áp dụng đúng. Họ rắc vôi bột xử lý ao lấy lệ, không đủ liều lượng. Đến khi cá bị bệnh mới tìm cách chữa thì ít có tác dụng”.

Không chỉ thôn Tĩnh Lộc, qua kiểm tra của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho thấy, phần lớn người nuôi cá còn chủ quan, thiếu hiểu biết về phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Bà con thả cá giống mật độ quá cao; đưa xuống ao chất thải chăn nuôi không qua xử lý; cải tạo ao, diệt mầm bệnh, cải thiện môi trường nước chưa tốt khiến cho nhiều loại vi khuẩn có hại lây lan, tồn tại lưu cữu; thức ăn cho cá chủ yếu dựa vào nguồn tự nhiên, không đáp ứng đủ nhu cầu dẫn đến sức đề kháng kém, cá dễ mắc bệnh. Năm 2013, toàn tỉnh có gần 5 tấn cá chết do bị bệnh tập trung xã Nghĩa Trung (Việt Yên), Ngọc Châu, Cao Thượng, Song Vân (Tân Yên), Đông Lỗ (Hiệp Hòa), Song Mai (TP Bắc Giang)…

Thiếu hạ tầng

Được biết, Quy hoạch phát triển thuỷ sản tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt từ cuối năm 2012. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố phải xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển thủy sản tại địa bàn. Thế nhưng đến nay chỉ có huyện Tân Yên, Yên Dũng quy hoạch, xây dựng được một số làng nuôi thủy sản tập trung với đầy đủ hệ thống bờ bao, nguồn nước, kênh cấp nước nội bộ đạt tiêu chuẩn.

Thiếu quy hoạch chi tiết, chính quyền cơ sở lúng túng trong quản lý sản xuất thuỷ sản. Có những tổ chức, cá nhân không xem xét kỹ hạ tầng phụ trợ hoặc không đủ nguồn lực để đầu tư, thấy đồng trũng, ao hồ có nước là nuôi cá dẫn đến nguy cơ thiệt hại trong mùa mưa bão. An Dương (Tân Yên) là một trong những xã phát triển thuỷ sản không theo quy hoạch, thiếu hạ tầng thoát nước.

Trận mưa lớn vào tháng 7 năm ngoái, toàn xã có khoảng 20 ha thuỷ sản mất trắng do bị ngập. Xã Quảng Minh (Việt Yên), Tiến Dũng, Tân Liễu, Đồng Phúc, Đồng Việt (Yên Dũng) nuôi thủy sản chưa gắn với thuỷ lợi nên năm được, năm mất. Tình trạng ngăn kênh mương nuôi cá đang diễn ra ở một số địa bàn làm ảnh hưởng đến hoạt động tưới, tiêu.

Không dồn dập thả cá giống

Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu sản lượng thuỷ sản đạt 29 nghìn tấn, tăng 2 nghìn tấn so với năm 2013. Từ tháng 2 đến tháng 4 là lúc cao điểm thả cá giống. Để bảo đảm hiệu quả, các huyện, thành phố cần ngăn chặn tình trạng người dân chuyển đổi ruộng tràn lan sang nuôi cá; khẩn trương hoàn thành quy hoạch chi tiết phát triển thuỷ sản. Với diện tích mặt nước cho thuê cần có hợp đồng cụ thể, hài hoà lợi ích giữa trồng trọt và thủy sản.

Chi cục Thuỷ sản khuyến cáo nông dân chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất như: Tẩy dọn bùn, bón vôi diệt tạp khử trùng, bón phân, chế phẩm sinh học gây màu nước ao. Ông Đoàn Bá Thiêm, Chi cục Phó Chi cục Thuỷ sản cho biết: "Khi cá bị bệnh thì hiệu quả điều trị chỉ đạt khoảng 30%, do đó quan trọng nhất vẫn là khâu phòng bệnh”.

Tại vùng nuôi thâm canh, nông dân không nên đồng loạt thả cá giống để giãn thời điểm thu hoạch, giữ giá bán; nên tăng tỷ lệ nuôi giống có năng suất cao như: Chép lai, rô phi đơn tính, chim trắng, thả ghép với cá lăng, nheo, trắm đen để tận dụng diện tích mặt nước, tăng hiệu quả kinh tế.

Đối với các loài chịu rét kém như chim trắng, rô phi đơn tính, trê đồng cần tính toán hợp lý thời gian thả để được thu hoạch trước thời điểm giá rét. Đi đôi với biện pháp trên cần chủ động tôn cao, mở rộng bờ bao. Nhiều ý kiến đề xuất chính quyền các cấp tiếp tục hỗ trợ xây dựng hạ tầng những khu nuôi thuỷ sản quy mô lớn; quản lý chặt chẽ việc cung ứng giống cá.

Theo quy hoạch phát triển thuỷ sản tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh đạt 34.660 tấn năm 2015 và đạt 41.870 tấn vào năm 2020. Tổng vốn đầu tư 560 tỷ đồng.


Xây Dựng Thành Công Mô Hình Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Vụ Thu Đông Trên Cát Xây Dựng Thành Công Mô Hình Nuôi Tôm… Xoài Đầu Vụ Đạt Mức Giá Cao, Khan Hàng Xoài Đầu Vụ Đạt Mức Giá Cao, Khan…