Vụ Dưa Hấu Thiệt Đơn, Thiệt Kép
Thời tiết bất lợi cộng với giá dưa rớt thảm hại chỉ còn 4.000 - 5.000 đ/kg nên người trồng dưa đang phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ rất cao.
Thời tiết năm nay khá bất lợi, lạnh về đêm, ban ngày nắng hạn, giếng đào bơm tưới cho dưa bị khô đáy, nhiều người đầu tư đào giếng, mua dây “nối tải” tưới cho ruộng dưa, thế nhưng dưa hấu vẫn ít trái. Trong khi đó giá dưa rớt thảm hại chỉ còn 4.000 - 5.000 đ/kg. Điều đó đồng nghĩa họ phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ rất cao.
CHI PHÍ TĂNG
Ông Nguyễn Tấn Thanh, một chủ trồng dưa ở thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) than thở: "Tôi là người địa phương thuê đất anh em, dòng họ trong xóm trồng dưa. Năm trước trung bình một héc ta cả tiền thuê đất và chi phí vun luống, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… khoảng từ 80 triệu đến 100 triệu đồng. Riêng năm nay, giữa mùa đầu tư gần 5 triệu đồng đào sâu thêm giếng vẫn không đủ nước tưới. Ban đêm lại còn phải thức túc trực tưới, đất mới đủ độ ẩm”.
Nắng hạn làm cho dưa của ông Trần Nhất (một người ở Bình Định đến thôn Kỳ Đu thuê đất trồng dưa) bị khô héo. Khu vực trồng dưa nằm sâu trong hốc núi, để có nước tưới, ông đào giếng dưới suối bơm lên nhưng không đủ nước, dưa héo. “Vừa rồi tôi bỏ ra gần 7 triệu đồng đào thêm giếng cách xa khu vực trồng dưa gần 2 cây số, mua đầu bơm tống (lực đẩy mạnh), đường ống tưới cho dưa.
Do bị khô hạn đứt quãng nên dưa chậm lớn. Dưa người ta trồng khu vực phía ngoài gần thu hoạch, còn dưa của tôi mới bằng cái tô”, ông Nhất nói. Hai vợ chồng ông Nhất vay mượn 110 triệu đồng của bà con ở quê vào đây ăn ở tại chỗ, mua phân bón, thuê công trồng dưa. Vụ mùa năm nay, lỗ là chắc.
Theo nhiều người nông dân, dưa hấu không thể trồng liên tục trên một vùng đất năm này qua năm khác. Thường thì sau mỗi vụ thu hoạch, “trả” đất lại cho cây trồng khác ít nhất 3 năm thì mới có thể tái trồng lại, dưa cho năng suất cao. Vì thế những năm qua nhiều người thuê đất khu vực bằng phẳng trồng dưa, nay hiếm đất nên thuê vùng gò đồi và không ngờ gặp nắng kéo dài khô hạn nặng làm giảm năng suất.
Cũng do hiếm đất trồng nên tại xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân) năm nay dưa hấu “leo” đồi. Những ngày qua thời tiết nắng hạn nên nhiều người trồng dưa ở đây phải chạy đôn chạy đáo dời máy bơm, mua ống nước nối tải tưới cho dưa. Bà Phan Thị Liên, một người trồng dưa ở xã Xuân Lãnh phân trần: “Nước khan hiếm phải dời máy bơm liên tục.
Mới đây tôi mua thêm 2 khoanh ống dây (mỗi khoanh dài 500 m) rải qua 2 quả đồi mới đến khu vực dưa đang trồng. Dưa trồng trên đồi nên đất khô nhanh, đường ống lại xa nên dưa trái nhỏ hơn năm trước. Vì thế năng suất năm nay cỡ 30 đến 40 tấn/ha, năm được mùa từ 60 tấn/ha trở lên”.
GIÁ DƯA GIẢM
Tại khu vực trồng dưa rộng lớn ở xã Ea Trol, Ea Bia (huyện Sông Hinh, Phú Yên) dưa đã đến kỳ thu hoạch nhưng lái buôn chỉ trả 4.000 đ/kg, so với năm trước giảm một nửa. Với tình hình giá cả bấp bênh thế này, nhiều hộ dân mong hòa vốn là mừng chứ đừng nói lời lãi.
Ông Trần Thanh Sang, một người trồng dưa ở xã Ea Bia cho hay: “Khi dưa mới ra trái non, lái buôn vào đặt hàng mua giá 8.000 đ/kg, gần đây chỉ trả 4.000 đ nhưng lựa mua trái to 2,5 kg trở lên. Số dưa nhỏ thương lái chê thì bán lại cho mấy người bán lẻ ở chợ, cạnh đường. Tính ra năm nay có người bán được dưa thì lỗ 50 triệu đồng/ha, nhiều người không bán được dưa lỗ trên 100 triệu đồng/ha”.
Vụ dưa năm ngoái, toàn huyện Sông Hinh chỉ trồng khoảng 150 ha dưa, thì năm nay diện tích tăng lên tới 200 ha. Lý do diện tích tăng vọt là cùng thời gian này năm trước, các tư thương đến rất đông để thu mua, có bao nhiêu, họ thu mua bấy nhiêu, không kể trái lớn nhỏ… Giá dưa lên tới 8.000 đ/kg.
Ông Nguyễn Bình, một người ở Bình Định chuyên trồng dưa ở xã Ea Trol cho biết: Đầu ra cho dưa hấu phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên người trồng dưa rất khó nắm “phần thắng”, tuy nhiên nhiều nơi người dân vẫn thi nhau trồng vì có năm lãi lớn. Riêng vụ này lại là một mùa “dưa đắng” của hàng trăm nông dân đeo đuổi nghề trồng dưa”.
Vụ dưa năm nay toàn tỉnh Phú Yên trồng gần 600 ha, tập trung chủ yếu ở Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa. Mới đầu mùa nhưng trên các ngã ba đường, khu vực chợ ở 3 huyện miền núi này dưa chất đống như “núi” bày bán. Người bán phải mắc võng, dựng lều ngủ qua đêm để canh dưa, thế nhưng lượng người mua không đáng là bao.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ