Mô hình kinh tế Vượt Khó Khăn, Chuyển Hướng Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản

Vượt Khó Khăn, Chuyển Hướng Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản

Ngày đăng 29/09/2013

Vượt Khó Khăn, Chuyển Hướng Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản

Trước khi chia tách địa giới hành chính, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) là một trong những vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản (NTTS) của thành phố. Huyện xây dựng đề án NTTS quy mô lớn với quy hoạch 3 vùng nuôi nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Từ khi chia tách địa giới hành chính đến nay, phát triển thủy sản của Kiến Thụy gặp khó khăn do quy hoạch bị phá vỡ.

Quy hoạch thủy sản bị phá vỡ

Theo ông Phạm Văn Thép, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Kiến Thụy, năm 2002, huyện Kiến Thụy xây dựng đề án NTTS với 3 vùng nuôi là vùng nuôi thủy sản nước mặn ở các xã Tân Thành, Hải Thành; vùng nuôi thủy sản nước lợ ở các xã Ngũ Phúc, Kiến Quốc và vùng nuôi thủy sản nước ngọt tại khu vực Ngũ Đoan, Tú Sơn, Tân Phong, Minh Tân. Thực hiện đề án này, đến giai đoạn 2004- 2005, diện tích NTTS của huyện lên tới gần 2400 ha, trong đó, vùng nuôi nước lợ là 1500 ha, nước mặn và nước ngọt là hơn 800 ha.

Các xã Tân Thành, Hải Thành sau khi chuyển 100% diện tích cấy lúa bị nhiễm mặn sang nuôi thủy sản trở thành vùng chuyên nuôi tôm sú, cua biển trọng điểm của thành phố. Sau khi chia tách địa giới hành chính, toàn bộ vùng nuôi thủy sản nước mặn của huyện ở Tân Thành, Hải Thành thuộc địa bàn quận mới Dương Kinh.

Cùng thời điểm đó, vùng quy hoạch nuôi thủy sản nước lợ của huyện tại các xã Ngũ Phúc, Kiến Quốc, Tân Trào có thông báo của thành phố là vùng dành cho quy hoạch các dự án đóng tàu của tập đoàn Vinashin. Như vậy, đến thời điểm năm 2009, đề án NTTS của huyện gần như phá sản do các quy hoạch vùng nuôi bị phá vỡ.

Các vùng nuôi còn lại đều gặp khó khăn, người dân không yên tâm đầu tư. Vùng quy hoạch 200 ha nuôi ngao thuộc xã Đại Hợp sau một thời gian giao cho đơn vị quân đội và doanh nghiệp đầu tư nuôi ngao không thành công do chưa có biện pháp quản lý sản phẩm phù hợp.

Vùng nuôi thủy sản nước ngọt tại các xã Tú Sơn, Minh Tân, Ngũ Đoan, Thuận Thiên, Tân Phong khoảng hơn 100 ha thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thủy sản bị chết do dịch bệnh, hạ tầng cơ sở phục vụ vùng nuôi xuống cấp. Nhiều hộ nuôi với diện tích nhỏ lẻ, manh mún, các đối tượng nuôi là cá nước ngọt truyền thống, giá trị thu nhập thấp, khó tiêu thụ, người dân không chú ý áp dụng KHKT vào sản xuất.

Chuyển biến từ quy vùng nuôi cho thu nhập cao

Trong 2 năm gần đây, phát triển NTTS của Kiến Thụy có bước chuyển mình do UBND huyện chỉ đạo các vùng nuôi trọng điểm chú ý quy vùng, ứng dụng kỹ thuật mới trong nuôi trồng, đưa mạnh các đối tượng thủy sản mới, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Theo ông Đoàn Văn Lập, Phó chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy, huyện đang khắc phục khó khăn do phá vỡ quy hoạch vùng bằng việc rà soát, lập các quy hoạch vùng nuôi thủy sản hợp lý hơn. Trước tiên là việc xây dựng quy hoạch và đề án nuôi ngao trên diện tích 1300 ha tại khu vực Cồn Cát, xã Đại Hợp.

Hiện quy hoạch và dự án nuôi ngao Đại Hợp đã được huyện phối hợp với cơ quan chuyên môn xây dựng xong, đang chờ các Sở thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt. Cùng với đó, huyện quyết định sẽ ký hợp đồng cho thuê 200 ha vùng nuôi ngao ở Cồn Cát. Đây là diện tích UBND thành phố quy hoạch nuôi ngao cho huyện Kiến Thụy trong quy hoạch tổng thể NTTS nước mặn của Hải Phòng giai đoạn 2010- 2015, hiện có hơn 30 hộ dân ra khoanh nuôi tự phát.

Tại vùng nuôi thủy sản nước lợ ở Kiến Quốc- Ngũ Phúc- Tân Trào rộng hơn 400 ha, xác định quy hoạch vùng cho dự án đóng tàu của tập đoàn Vinashin khó khả thi, UBND huyện Kiến Thụy đang lập dự án, đề nghị thành phố cho nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính và tôm thẻ chân trắng khu vực diện tích 100 ha thuộc vùng ngoài đê xã Ngũ Phúc. Tại vùng này hiện có Công ty xuất nhập khẩu Thanh Hóa vào khảo sát đầu tư và đăng ký thu mua cá rô phi đơn tính và tôm thẻ chân trắng cho cả vùng nuôi để chế biến xuất khẩu đi châu Âu.

Trong cái khó, đã “ló cái khôn”, tại các vùng nuôi thủy sản nước ngọt thuộc các xã Ngũ Đoan, Tân Trào, Tú Sơn, Tân Phong, huyện đang vận động các hộ nuôi chuyển mạnh sang nuôi các loại thủy sản đặc sản, có giá trị kinh tế cao như: cá vược, cá rô phi đơn tính và nhân rộng mô hình nuôi cá chình. Hiện nay, Kiến Thụy là địa phương đầu tiên của Hải Phòng triển khai thành công mô hình nuôi cá chình.

Qua nuôi thử nghiệm trong ao nuôi công nghiệp tại xã Thụy Hương và nuôi ao đất tại xã Ngũ Đoan, cá chình sau 2 năm nuôi cho trọng lượng hơn 1 kg/con, với giá bán hơn 500 nghìn đồng/ kg, các hộ nuôi thu lãi 350- 380 nghìn đồng/ kg. Cá chình phát triển bình thường và phù hợp với khí hậu địa phương. Thời gian tới, huyện hỗ trợ kinh phí và tìm đầu ra cho sản phẩm để nhân rộng mô hình này, đồng thời, thử nghiệm mô hình nuôi cá lồng ven sông Văn Úc.


Tăng Cường Kiểm Tra Việc Sử Dụng Lưới Lồng Trong Khai Thác Thủy Sản Tăng Cường Kiểm Tra Việc Sử Dụng Lưới… Nuôi Tôm Hiệu Quả Nhờ Áp Dụng Cách Làm Mới Nuôi Tôm Hiệu Quả Nhờ Áp Dụng Cách…