Xây Dựng Nền Nông Nghiệp Toàn Diện Theo Hướng Hiện Đại
Trong các nội dung của Nghị quyết 7, (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển sản xuất toàn diện theo hướng hiện đại là một vấn đề cốt yếu làm tiền đề để thực hiện chiến lược nông dân, nông thôn.
Tiếp nối thành công gần 30 năm đổi mới, hơn 5 năm qua, các địa phương trong tỉnh đã quy hoạch lại sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản xác định các chương trình trọng điểm, đầu tư chính sách, cơ chế khuyến khích và đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, giá trị từng ngành đem lại kết quả, tạo khả năng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo yêu cầu mới.
Trên cơ sở phân tích khả năng, lợi thế của địa phương gắn với định hướng phát triển kinh tế vùng miền núi phía Bắc và từng lĩnh vực của ngành Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy đã chỉ đạo lựa chọn các chương trình trọng điểm và chương trình khuyến khích để tập trung lãnh đạo phát triển. Theo đó giai đoạn 2006-2011 đã lựa chọn 6 chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm gồm: Sản xuất lương thực; phát triển cây chè; cây ăn quả; chăn nuôi lợn thịt, bò thịt chất lượng cao; thủy sản và trồng rừng để phát triển.
Trên cơ sở đánh giá kết quả nhiệm kỳ trước, giai đoạn từ 2011-2015 tỉnh tiếp tục lựa chọn 4 chương trình trọng điểm gồm: Sản xuất lương thực; cây chè; thủy sản; trồng rừng và 4 chương trình khuyến khích: Chăn nuôi lợn thịt, bò thịt chất lượng cao; cây ăn quả; nông nghiệp cận đô thị và cơ giới hóa phục vụ nông nghiệp tập trung triển khai, mỗi chương trình đều được xây dựng các chính sách, cơ chế đầu tư, hỗ trợ.
Đây là các chương trình cơ bản, có lợi thế trên địa bàn, căn cứ vào điều kiện khả năng mỗi địa phương lựa chọn những chương trình phù hợp với điều kiện, lợi thế của mình như: Trồng sơn của Tam Nông; nuôi, trồng cây, con đặc sản của Tân Sơn...
Trong giai đoạn từ 2008 đến nay, trên địa bàn đã thực hiện có kết quả các chương trình. Về trồng trọt, hàng năm đã duy trì ổn định diện tích gieo trồng trên 120 ngàn ha gồm 88 ngàn ha cây lương thực, gần 16 ngàn ha chè, còn lại rau màu. Riêng sản xuất lương thực tập trung đẩy mạnh đầu tư thâm canh gần 70 ngàn ha cây lúa, đưa năng suất từ trên 50 tạ lên trên 56 tạ/ha; thâm canh gần 20 ngàn ha ngô đạt bình quân trên 45 tạ, từ đó góp phần ổn định sản lượng thóc, ngô 46-47 vạn tấn, tăng hơn năm 2008 gần 5 vạn tấn, đảm bảo mức bình quân lương thực trên 330 kg/ khẩu.
Với cây chè, đa dạng hóa hình thức sở hữu, bố trí ngân sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư trồng mới, trồng thay thế chè kém chất lượng, kết hợp với đầu tư thâm canh.
Sau gần 10 năm đẩy mạnh phát triển đã đưa diện tích chè dưới 12 ngàn ha, ổn định gần 16 ngàn ha, đưa năng suất chè búp tươi bình quân từ dưới 70 tạ lên xấp xỉ 100 tạ/ha, đạt sản lượng chè búp tươi gần 130 ngàn tấn. Trong sản xuất lâm nghiệp, quy hoạch lại đất đồi rừng phân theo ba loại rừng: Phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất; ổn định giao khoán đến hộ gắn với sắp xếp lại quy mô các doanh nghiệp, hàng năm huy động các nguồn lực trồng mới từ 7000-7500 ha rừng, khoảng 1 triệu cây phân tán, duy trì độ che phủ rừng trên 50%; đảm bảo sản lượng gỗ các loại khai thác hàng năm trên 350 ngàn m3.
Lĩnh vực chăn nuôi, đã từng bước sắp xếp lại quy mô sản xuất theo hướng chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, sử dụng con giống kỹ thuật kết hợp với đầu tư thức ăn công nghiệp, phòng trị bệnh để tăng giá trị, sản lượng thịt hơi xuất chuồng.
Hiện nay toàn tỉnh ổn định đàn lợn trên 750 ngàn con, đàn bò gần 80 ngàn con và đàn gia cầm trên 10 triệu con. Tuy số lượng đầu gia súc giảm hơn những năm trước nhưng hàng năm sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng, năm 2013 đạt 120-130 ngàn tấn.
Trước khi đưa thủy sản thành chương trình trọng điểm, diện tích nuôi thả cá trên địa bàn tỉnh hàng năm đạt dưới 7000 ha, sản lượng khoảng 15 ngàn tấn. Sau 5 năm thực hiện khuyến khích phát triển đã đưa diện tích nuôi đạt xấp xỉ 10 ngàn ha/ năm, năng suất bình quân 2,3-2,5 tấn/ha, sản lượng 24-25 ngàn tấn tôm, cá.
Qua triển khai, thực hiện bốn chương trình nông nghiệp trọng điểm cho thấy xu thế sản xuất hàng hóa, quy mô lớn đang dần định hình. Hiện nay hai lĩnh vực là sản xuất chè và lâm nghiệp Phú Thọ có vị trí, vai trò ngày càng lớn. Sản xuất nuôi trồng, thủy sản, chăn nuôi đã đi theo hướng chuyên canh, tập trung tạo giá trị lớn, mở hướng cho phép nông dân phát triển làm giàu.
Các chương trình khuyến khích như trồng cây ăn quả, nông nghiệp cận đô thị bước đầu đã góp phần xây dựng các mô hình sản xuất mới: Cánh đồng mẫu lớn, trồng hoa, quả, chăn nuôi con đặc sản góp phần khai thác thế mạnh, làm giàu. Riêng dự án trồng bưởi Đoan Hùng trong chương trình trồng cây ăn quả đã cho kết quả khá, năm 2013 đã có trên 300 ha cho thu hoạch, đem lại giá trị, hiệu quả cao.
Thông qua chương trình đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa đã hỗ trợ cho hàng ngàn hộ nông dân mua sắm được máy làm đất, thu hoạch, bơm nước và hái chè, góp phần tăng năng suất lao động 10-40 lần, giảm chi phí sản xuất 20-30%.
Qua thực hiện Nghị quyết 7, phát triển nền nông nghiệp theo hướng toàn diện toàn tỉnh đã khai thác thế mạnh địa phương có ba vùng sản xuất, lao động dồi dào. Từng lợi thế vùng thổ nhưỡng gắn với yếu tố truyền thống đã được đầu tư khai thác tạo ra sản phẩm để nâng cao đời sống cho nhân dân, xóa đói nghèo, làm giàu.
Trong đó bốn lĩnh vực trọng điểm là rõ nét nhất, cùng với chương trình sản xuất đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, những cây trồng, vật nuôi khác có thế mạnh gắn với vùng trung du như cây chè, cây lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã được phát huy. Hiện nay, Phú Thọ trở thành địa phương có tỷ lệ che phủ cao của cả nước, nguồn lâm sản dồi dào, diện tích, sản lượng chè búp tươi, chế biến chè xuất khẩu nằm trong tốp đầu của cả nước.
Các chương trình khuyến khích đã tạo cơ hội để nông dân thay đổi tập quán, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, khai thác thế mạnh làm giàu. Thông qua thực hiện các chương trình kinh tế nông nghiệp không chỉ đảm bảo ổn định tình hình, góp phần tăng trưởng kinh tế mà còn bố trí lại lao động, cơ cấu kinh tế của ngành. Trước đây hầu hết các địa phương tỷ trọng kinh tế nông nghiệp đều chiếm trên 60% GDP trên địa bàn, đến năm 2013 giảm xuống phổ biến ở mức 30-40%, tỷ trọng chung của tỉnh là 28%.
Trong nội ngành nông nghiệp, trước đây tỷ trọng trồng trọt chiếm 50-60% giá trị, năm 2013 còn 48,6%, trong khi đó tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ dưới 30% lên gần 34%; thu nhập 1 ha gieo trồng đạt từ dưới 50 triệu đồng lên gần 78 triệu đồng/ha; trong nông thôn xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập hàng tỷ đồng/ năm trở lên, tạo cơ hội để đẩy mạnh CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Phát huy kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2008 - 2013, từ nay đến năm 2015, hướng đến năm 2020, ngành nông nghiệp và PTNT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có kết quả các chương trình nông nghiệp trọng điểm và khuyến khích, gắn với tái cơ cấu kinh tế ngành đã được Chính phủ, tỉnh phê duyệt.
Trong đó hàng năm phấn đấu đạt mức tăng trưởng 4,5-5% năm. Một số chỉ tiêu cơ bản cần phấn đấu: Sản xuất lương thực đạt 46-47 vạn tấn/ năm, chăn nuôi đạt 130-150 ngàn tấn thịt hơi, 130-150 ngàn tấn chè búp tươi, duy trì độ che phủ rừng trên 50%, có 10 ngàn ha nuôi trồng thủy sản, có 57 xã cơ bản hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới đến năm 2015.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ