Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhãn Sông Mã (Sơn La)
Trải qua bao thăng trầm, những cây nhãn đã trụ vững và trở thành loại cây mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân, từ trồng nhãn, rất nhiều hộ dân đã thoát khỏi đói nghèo.
Hiện nay, huyện Sông Mã (Sơn La) có trên 4.268 ha nhãn đang cho thu hoạch, phân bổ ở 19 xã, thị trấn, nhưng tập trung nhiều ở các xã vùng dọc sông Mã như Chiềng Khương, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Chiềng Cang, Mường Lầm, Huổi Một. Năng suất bình quân đạt 7,5 tấn/ha. Tuy nhiên, do trồng lâu năm, lại không được chăm sóc, nên nhiều diện tích nhãn đã thoái hóa, già cỗi, năng suất thấp.
Bước đột phá là từ năm 2012, để giúp người dân từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi cơ cấu giống, thời vụ thu hoạch, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, huyện Sông Mã đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học ghép cải tạo bằng giống nhãn PHM 99-11 và nhãn Hương Chi (nhãn chín muộn) tại bản Mé xã Nà Nghịu và bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong. Từ mô hình 1 ha nhãn đã được nhân rộng trên địa bàn, đến nay, toàn huyện có khoảng 500 ha nhãn ghép tại các xã Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Yên Hưng, Chiềng Sơ, Thị trấn; đã cho thu hoạch khoảng 300 ha, năng suất bình quân 10 tấn/ha, với giá bán bình quân từ 18.000 - 20.000 đồng/kg.
Theo đánh giá, nhãn ở Sông Mã chín sớm hơn, quả to, đẹp, sáng và thơm ngọt hơn các địa phương khác. Khoảng 60% sản lượng được các thương lái thu mua mang đi tiêu thụ ở thị trường các tỉnh lân cận, còn lại, người dân Sông Mã tự xây dựng các lò sấy thủ công để chế biến những quả nhãn loại nhỏ thành long nhãn. Sản phẩm long nhãn Sông Mã được thương lái Hà Nội, Hưng Yên, Lạng Sơn lên thu mua. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc tiêu thụ nhãn là vẫn còn phụ thuộc vào thị trường, nhiều thành phần tham gia thu mua gây khó khăn cho việc quản lý thị trường, cũng như giá cả, tình trạng tranh mua, tranh bán vẫn xảy ra.
Là một trong những hợp tác xã mới thành lập, HTX Hoàng Tuấn có 26,4 ha nhãn ghép đã cho thu hoạch. Do được chăm sóc tốt và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mỗi ha thu 240 triệu đồng/năm, gấp 3,5 lần so với giống nhãn địa phương trước đây. Ông Đào Ngọc Bằng, Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: Ngoài tập trung chăm sóc, HTX còn tham gia mở rộng diện tích nhãn ghép cho những người dân có nhu cầu. Chất lượng, năng suất sản phẩm đã được cải thiện, chúng tôi rất mong thời gian tới, huyện Sông Mã sẽ xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm nhãn, để tham gia vào thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ cuối năm 2014, huyện Sông Mã đã làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ để tư vấn định hướng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhãn Sông Mã. Thời gian xây dựng thương hiệu sản phẩm sẽ thực hiện trong 2 năm (2015 - 2016). Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã đề xuất hướng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhãn Sông Mã và triển khai thực địa vùng nguyên liệu nhãn tại bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong.
Để quả nhãn Sông Mã thực sự có chỗ đứng trên thị trường, ngoài việc tăng năng suất, chất lượng quả, thì việc xây dựng thương hiệu là điều hết sức quan trọng. Về vấn đề tiêu thụ và đưa sản phẩm nhãn ra bên ngoài, cần xây dựng nhãn hiệu, có sự bảo hộ về pháp lý và những chỉ dẫn địa lý cụ thể để khách hàng biết đến. Nếu làm được điều đó, sản phẩm nhãn Sông Mã sẽ ngày càng được nhiều người biết đến và cây nhãn sẽ là cây làm giàu cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ