Mô hình kinh tế Xây dựng và phát triển cánh đồng lớn ở ĐBSCL Khởi đầu cho một mô hình nông nghiệp lớn cánh đồng lớn Mô hình đột phá

Xây dựng và phát triển cánh đồng lớn ở ĐBSCL Khởi đầu cho một mô hình nông nghiệp lớn cánh đồng lớn Mô hình đột phá

Ngày đăng 05/11/2015

Xây dựng và phát triển cánh đồng lớn ở ĐBSCL Khởi đầu cho một mô hình nông nghiệp lớn cánh đồng lớn Mô hình đột phá

Trước đây, ĐBSCL và cả nước triển khai nhiều mô hình sản xuất tập thể, như:

Hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, tổ hợp tác… đặc biệt là sau khi có Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.

Nhưng, phần lớn những mô hình này có nhiều trở ngại do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trong bối cảnh này, phương thức tổ chức sản xuất dẫn đến thành công của mô hình cánh đồng lớn (CĐL) ở ĐBSCL được xem là bước đột phá của ngành nông nghiệp.

*Đa dạng và sáng tạo

Tùy vào điều kiện thực tế và sáng tạo của từng địa phương, mô hình CĐL được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng và sáng tạo.

Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho biết: "Một số hình thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong CĐL có thể kể: tổ chức cung ứng giống lúa đầu vào; hợp tác với doanh nghiệp cung ứng một loại hoặc tất cả giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài ra, còn có các liên kết khác, như: hợp tác với doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp và thu mua lúa; hợp tác với doanh nghiệp khép kín từ đầu vào đến đầu ra".

Ngoài việc khắc phục được tình trạng đất đai manh mún, lao động nông thôn ngày càng thiếu hụt, sản xuất lúa trong CĐL sẽ thúc đẩy tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

Tập đoàn Lộc Trời (Loc Troi Group) tiền thân là Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) là một trong những đơn vị tiên phong liên kết với nông dân thực hiện CĐL ở ĐBSCL.

Những năm gần đây, ngoài việc bố trí lực lượng "3 cùng" cùng nông dân ra đồng, công ty còn ứng trước giống, thuốc, phân bón cho nông dân trước mỗi mùa vụ và không tính lãi trong suốt 4 tháng.

Cuối vụ, công ty giúp nông dân thu hoạch, hỗ trợ xay xát và bảo quản miễn phí, nhường quyền quyết định cho nông dân chọn khách hàng, tức nông dân không nhất thiết phải bán sản phẩm cho công ty.

Ông Huỳnh Minh Sơn, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cho biết: "Gia đình tôi có hơn 4ha đất trồng lúa.

Trước đây, tôi phải tự bỏ tiền mua giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... cho đến tìm thương lái.

Mùa vụ bấp bênh, thương lái ép giá nên trồng lúa không có lời.

Từ ngày tham gia CĐL của AGPPS, giống và phân bón do công ty lo, chỉ cần làm theo quy trình của kỹ sư AGPPS đưa ra, sản phẩm công ty bao tiêu... nên trồng lúa có lời cao, nông dân phấn khởi lắm".

Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) thực hiện 3 phương thức liên kết với nông dân trong CĐL: đầu tư toàn bộ giống, vật tư nông nghiệp cho hộ dân hoặc hợp tác xã; đầu tư giống hoặc 1 phần vật tư nông nghiệp và "đặt hàng" nông dân hoặc hợp tác xã sản xuất lúa.

Ông Lê Minh Trượng, Phó Tổng Giám đốc Vinafood II, cho biết: Để đảm bảo các liên kết trong CĐL hiệu quả, Vinafood II liên kết ngang với các công ty, doanh nghiệp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… hướng dẫn nông dân trồng loại giống, canh tác theo yêu cầu và Vinafood II thu mua sản phẩm.

Tùy theo thổ nhưỡng từng địa phương, Vinafood II chọn ra một loại giống phù hợp nhất để hợp tác, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, canh tác, bón phân… giúp nâng cao giá trị hạt lúa trong CĐL.

Cách làm này cũng giúp công ty có được sản phẩm lúa gạo đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu ở thị trường khó tính như Mỹ và EU.

Tại TP Cần Thơ, các CĐL chủ yếu là liên kết ký hợp đồng giữa doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty TNHH Trung An, DNTN Ngọc Tiền, DNTN Thắng Lợi, Công ty TNHH Nông Sản Vinacam Cờ Đỏ, Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty Cổ phần Mekong, Công ty Tân Thành, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, Nông trường Sông Hậu, Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật, Trại giống Cờ Đỏ...) và các tổ hợp tác sản xuất trong cánh đồng về cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

* Liên kết "4 nhà" ở cấp cao hơn

Với cách tổ chức sản xuất căn cơ, bài bản, nhiều chuyên gia nông nghiệp khẳng định, mô hình CĐL là mô hình liên kết "4 nhà" cấp cao.

Mô hình tổ chức lại sản xuất, khắc phục những nhược điểm của sản xuất theo nông hộ nhỏ, cá thể trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới.

"Trước nay, vùng ĐBSCL và cả nước cũng đưa ra nhiều mô hình sản xuất tập thể, như: hợp tác xã, tổ hợp tác… nhưng đều gặp nhiều trở ngại do vấn đề quản lý trong các tổ chức này và nông dân không muốn xa mảnh ruộng của mình.

So với những mô hình này, CĐL sản xuất lúa mang tính hiện đại hơn.

Bởi từ đây có được sản lượng lớn, đồng đều, làm gia tăng chất lượng lúa gạo và là nền tảng cho sản xuất lúa theo chuyên canh, áp dụng tiêu chuẩn GAP thông qua liên kết "4 nhà" và các bên tham gia mô hình đều hưởng lợi ích" - Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL đánh giá.

Theo đó, Nhà nước (chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp) giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, quy hoạch, thiết kế đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đê bao, trạm bơm điện, nạo vét kênh rạch, nâng cấp đường giao thông nông thôn; vận động nông dân tổ chức các hợp tác xã, hoặc tổ hợp tác sản xuất.

Đồng thời có chính sách hỗ trợ nông dân tiền chênh lệch khi mua giống lúa xác nhận, có chính sách hỗ trợ tiền đầu tư máy móc (máy kéo, công cụ sạ hàng, máy sấy, bình xịt thuốc bảo vệ thực vật, máy gặt đập liên hợp...); tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn ngân hàng để sản xuất.

Ngoài ra, Nhà nước còn giới thiệu, vận động các doanh nghiệp có uy tín cùng nông dân tham gia thực hiện CĐL, hợp đồng đầu tư vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm...

Doanh nghiệp đặt hàng cho người sản xuất về chủng loại giống, số lượng, chất lượng, cung ứng lúa giống xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu đứng ra tổ chức khép kín các khâu, từ cung ứng đầu vào đến bao tiêu đầu ra cho nông dân; hoặc chỉ đáp ứng cung ứng vật tư đầu vào và phối hợp với doanh nghiệp lương thực khác bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.

Doanh nghiệp cũng đồng thời chuẩn bị phương tiện vận chuyển, hệ thống sấy lúa, kho chứa lúa, nhà máy xay xát, xây dựng thương hiệu gạo, tìm nguồn tiêu thụ, thu mua lúa với giá cao hơn thị trường từ 50 - 300 đồng/kg... với số lượng và chất lượng đảm bảo.

Nông dân trong cánh đồng sản xuất theo định hướng chung, theo hợp đồng đặt hàng của các doanh nghiệp, sản xuất theo chủng loại giống, số lượng, cùng xuống giống đồng loạt, né rầy; áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; bón phân cân đối, thu hoạch đúng thời điểm...

Nhà khoa học theo đặt hàng của doanh nghiệp nghiên cứu giống lúa mới thích nghi với các vùng sinh thái, năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được sâu bệnh và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu và chuyển giao các quy trình kỹ thuật tiên tiến, máy móc cơ khí, các chế phẩm sinh học có hiệu quả.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn tham gia đào tạo, huấn luyện cán bộ kỹ thuật địa phương và nông dân để giúp nâng cao trình độ sản xuất của nông dân...

giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, nâng cao đời sống nông dân.

* Lợi thế áp dụng khoa học và kỹ thuật vào sản xuất

Gia đình ông Trần Điền Lan, ấp Đông Giang, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ có 1,5ha đất trồng lúa.

Trước đây, do sạ riêng lẻ, sạ dầy, dùng lúa hàng hóa làm lúa giống, tự túc trong khâu bơm tưới nước… nên hiệu quả sản xuất lúa của ông cũng như nhiều hộ nông dân khác không cao, thậm chí nhiều vụ thua lỗ do dịch bệnh, sâu rầy… "Tôi vào CĐL từ năm 2011.

Được hướng dẫn và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất lúa năm nào cũng cao.

Trong CĐL, nông dân xuống giống đồng loạt, sạ hàng, bơm nước đồng loạt… nên chi phí giảm nhiều.

Đặc biệt, đến kỳ thu hoạch có máy gặt đập liên hợp chạy tới đồng, nông dân trồng lúa đỡ vất vả hơn so với trước" – ông Trần Điền Lan cho biết.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, CĐL là môi trường rất tốt để áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao trong sản xuất lúa nhằm đạt năng suất cao, phẩm chất tốt, kháng sâu bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn và thích nghi điều kiện tiểu vùng sinh thái và biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho nông dân.

Nông dân tham gia mô hình được tập huấn và ứng dụng kỹ thuật "1 phải, 5 giảm", "gieo sạ né rầy, ôm nước"… Nhiều nông dân còn ứng dụng công nghệ sinh thái, trồng hoa quanh bờ ruộng để thu hút thiên địch, sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý sâu rầy, giúp giảm sử dụng thuốc trừ sâu, rầy trên đồng ruộng.

"CĐL - mô hình kế thừa và phát triển từ nhiều mô hình trước đây nên phần lớn nông dân đều nhận thức, tiếp cận và tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, nông dân sẵn sàng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm phát huy lợi thế, gia tăng hiệu quả trong trồng lúa"- ông Phạm Văn Quỳnh khẳng định.

Vấn đề trên, PGS. TS Mai Thành Phụng, nguyên Trưởng Bộ phận thường trực phía Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng: Sản xuất lúa theo CĐL thành công – nghĩa là chúng ta không cần phải thực hiện "tích tụ ruộng đất" mà đương nhiên vẫn là tích tụ ruộng đất nhưng không cần phải thế chấp hay gom góp "sổ đỏ, sổ hồng" và cũng không cần phải "dồn điền, đổi thửa".

Như vậy, khâu khó khăn nhất trong các bước tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo xu thế mới đã dễ dàng thực hiện hơn rất nhiều so với các mô hình sản xuất trước đây.

Chúng ta đã tốn nhiều công sức, trí tuệ để tìm cách tổ chức thực hiện sản xuất theo phương thức mới trong xu thế mới phù hợp với xu thế phát triển thời đại.

Sản xuất lúa gạo theo mô hình CĐL chính là bước đột phá, là xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp ĐBSCL cũng như Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.

Sản xuất lúa theo mô hình CĐL đã và đang khẳng định tính hiệu quả trong nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lúa ở ĐBSCL.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, mô hình CĐL ở vùng ĐBSCL đã và đang gặp nhiều thách thức cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phù hợp với thực tiễn và phát triển bền vững.


Xây dựng và phát triển cánh đồng lớn ở ĐBSCL Khởi đầu cho một mô hình nông nghiệp lớn Xây dựng và phát triển cánh đồng lớn… Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên cần sự bền vững cho những vườn cà phê thực trạng đáng lo ngại Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Tây…