Tin nông nghiệp Xây dựng vùng nông nghiệp sạch, hữu cơ ở Sóc Sơn

Xây dựng vùng nông nghiệp sạch, hữu cơ ở Sóc Sơn

Tác giả Lê San, ngày đăng 17/03/2017

Xây dựng vùng nông nghiệp sạch, hữu cơ ở Sóc Sơn

“Phát triển nông nghiệp sạch gắn với công nghệ cao, theo đó mở rộng ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học vào sản xuất nông sản sạch là mục tiêu huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang hướng tới. Trong đó, các mô hình phát triển phải gắn với thị trường, có liên kết để tiêu thụ đầu ra” – ông Hoàng Chí Dũng – Trưởng Phòng kinh tế huyện Sóc Sơn cho hay.

Trong ảnh: Người dân tham gia liên kết trồng dược liệu theo hướng hữu cơ ở xã Bắc Sơn. Ảnh: L.S  

Phát triển các nhóm sản phẩm hữu cơ

Hiện, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có nhiều mô hình sản xuất hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng nấm theo công nghệ cao, trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, lợn hữu cơ, mô hình nuôi lợn, trồng dược liệu theo hướng hữu cơ.

 Người dân sẽ hướng tới sản xuất các sản phẩm hữu cơ, sạch. Về phía cơ quan nhà nước, ngoài hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, chúng tôi cũng xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị tham gia đầu tư, liên kết để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Việc sản xuất phải gắn với đơn đặt hàng và có kế hoạch theo lộ trình cụ thể.

HTX rau hữu cơ Thanh Xuân hiện đã có 26 nhóm sản xuất với diện tích 34ha. Với quy mô sản xuất lớn, bình quân mỗi năm, Hợp tác xã (HTX) Thanh Xuân đưa ra thị trường trên 300 tấn rau củ quả các loại, tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Riêng thị trường Hà Nội, HTX cung cấp 50 - 70 tấn rau/tháng. Sản phẩm hợp tác xã sản xuất ra luôn được tiêu thụ hết. Hiện tại, HTX đang ký kết thu mua đối với 12 công ty và 45 điểm bán sản phẩm hữu cơ trên địa bàn TP.Hà Nội. Ngoài ra, sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân, chủ yếu là rau gia vị và bí xanh đã được xuất khẩu sang các nước như Pháp, Đức… Bình quân mỗi thành viên trong nhóm có mức thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí đầu tư.

Chị Hoàng Thị Hậu – Giám đốc HTX rau hữu cơ Thanh Xuân cho hay: “Sản xuất nhiều như vậy, nhưng sản phẩm của chúng tôi vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu của thị trường. Chúng tôi cũng đang hướng mở rộng thêm diện tích nhưng gặp khá nhiều khó khăn về nguồn vốn, đất đai… Hiện, huyện cũng đã hỗ trợ chúng tôi về xây dựng cơ sở hạ tầng, đường, điện, nước, mở các lớp tập huấn để đào tạo nông dân thực hành trồng trọt theo quy trình”.

Mô hình trồng dược liệu theo hướng hữu cơ cũng đang là một hướng phát triển mới của huyện Sóc Sơn. Trên địa bàn các xã Bắc Sơn, Xuân Giang và Trung Giã đã hình thành các mô hình trồng dược liệu theo hướng hữu cơ có liên kết đầu ra với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Định, ở xã Trung Giã đã phá bỏ 3ha diện tích đất trồng lúa để chuyển sang trồng cây râu mèo. Qua 3 vụ thu hoạch, gia đình ông nhận thấy, trồng dược liệu vừa nhàn lại có thu nhập cao hơn cây lúa. “Bỏ ra số vốn đầu tư để cải tạo đất ban đầu khá lớn, nhưng bù lại việc trồng trọt và thu hoạch cũng nhàn hơn. Với cây râu mèo, chỉ việc trồng, chăm sóc ban đầu. Sau đó, cứ thu hoạch đều đặn từ năm này tới năm khác. Dự tính cây rau mèo có thể thu tới 10 năm mới phải trồng lại. Tính về thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Thêm nữa, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ thiết thực của địa phương như hỗ trợ phân bón hữu cơ, cho vay vốn…” – ông Định cho hay.

Từ các mô hình thử nghiệm ban đầu, trong thời gian tới, huyện Sóc Sơn dự kiến sẽ có thêm sản phẩm để kêu gọi đầu tư là dược liệu an toàn.

Phát triển cây, con đặc sản sạch

Theo ông Hoàng Chí Dũng – Trưởng phòng kinh tế huyện Sóc Sơn, trên địa bàn huyện có nhiều nông sản đã có thương hiệu trên thị trường như gà đồi, bưởi, chè, gạo nếp cái hoa vàng, trà… Định hướng của huyện sẽ tập trung quy hoạch phát triển những thương hiệu này theo hướng an toàn, có liên kết đầu ra. Các đơn vị sản xuất sạch, an toàn sẽ được huyện hỗ trợ kiểm tra mẫu đất, mẫu nước, giống, phân bón, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu, gắn tem, nhãn mác.

“Thực tế hiện nay, chúng tôi đã xây dựng được khá nhiều vùng sản xuất an toàn. Như mô hình trồng đu đủ sạch ở xã Nam Sơn. Diện tích đu đủ sạch hiện có là gần 55ha, trong đó có 30ha đã có chứng nhận VietGAP. Năm nay, chúng tôi sẽ hỗ trợ bà con xây dựng thương hiệu đu đủ sạch Nam Sơn. Gà đồi Sóc Sơn cũng vậy, sản phẩm này đã nổi tiếng từ lâu, nhưng cách chăn nuôi lúc trước của bà con còn manh mún với số lượng nhỏ đã nên mô hình chưa mang lại hiệu quả cao. Hiện, mô hình nuôi gà đồi đã xây dựng thành một chuỗi khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn. Với quy mô khoảng 17.000 con gà đồi, quy mô từ 500 con đến 6.000 con/hộ, nhờ sự hỗ trợ về chuyên môn cũng như đầu ra sản phẩm, các hộ chăn nuôi đã có mức thu nhập ổn định với mức trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng đối với hộ nuôi 1.000 con gà” – ông Dũng cho hay.

Tiềm năng để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch ở huyện Sóc Sơn rất lớn. Theo ông Dũng, hướng tập trung là như vậy, nhưng không có nghĩa sẽ phát triển theo kiểu ồ ạt, không có quy hoạch. “Như rau hữu cơ đang có nhu cầu cao như vậy, chúng tôi cũng hướng tới mở rộng thành một vùng rau, nhưng chỉ quy hoạch trong 6 xã. Sau đó, sẽ tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tập huấn cho nông dân, giữ vững chất lượng và tìm đầu ra ổn định” – ông Dũng chia sẻ. 


Người chăn nuôi dè dặt tái đàn Người chăn nuôi dè dặt tái đàn Trái cây Thái Lan, Trung Quốc lại ồ ạt vào Việt Nam Trái cây Thái Lan, Trung Quốc lại ồ…