Mô hình kinh tế Xoá Nghèo Từnuôi Dê

Xoá Nghèo Từnuôi Dê

Ngày đăng 10/06/2014

Xoá Nghèo Từnuôi Dê

Với phương châm lấy công làm lời, mô hình chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt ở ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi (Cà Mau), mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và cải thiện được cuộc sống của nhiều hộ gia đình nghèo. Một số gia đình biết áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào chăn nuôi dê nên đã thoát nghèo, vươn lên giàu có. Chính quyền địa phương xem đây là mô hình xoá nghèo mới ở đây.

Anh Lê Văn Mười Lớn, ấp Rạch Thọ, đang làm chủ một đàn dê trên 30 con, bày tỏ sự vui mừng: “Gia đình tôi trước đây nghèo lắm, từ Bến Tre vào không có cục đất chọi chim, nhà cửa thì nhìn trước thấy sau. Từ khi “bén duyên” với mô hình này thì tôi đã mua được 2 miếng vuông gần 100 công, thu nhập ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn”.

Chỉ ăn lá đước và cỏ dại, đàn dê của anh Lê Văn Mười Lớn vẫn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Với giá dê hiện nay đang tăng cao, một con dê giống có giá dao động 3-5 triệu đồng, một ký dê thịt trên 80.000-90.000 đồng, nhưng vẫn không đủ nguồn dê giống, thịt để cung ứng cho thị trường. Do biết cách chăm sóc nên đàn dê của gia đình anh Mười Lớn không ngừng sinh sản, phát triển, đến nay đã có 20 con dê mẹ và đàn dê thịt hơn 70 con. Từ 3 con dê giống (2 cái, 1 đực) ban đầu, sau 5 năm nuôi, đến nay anh đã thu về trên 500 triệu đồng từ tiền bán dê giống và dê thịt.

Anh Mười Lớn cho biết thêm, dê là con vật dễ nuôi, thức ăn chủ yếu từ cây cỏ có sẵn ở địa phương, chuồng trại đơn giản nên mô hình này phù hợp với những hộ ít vốn. Ðã qua, anh bán dê giống cho nhiều hộ nghèo có nhu cầu nuôi và có không ít hộ thoát nghèo từ mô hình này.

Không riêng gì gia đình anh Mười Lớn, mà có nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Ðất Mũi thuộc diện xoá đói giảm nghèo nhờ vào mô hình chăn nuôi dê thịt, sinh sản đã thoát nghèo và trở nên khá giả. Ðồng chí Lý Hoàng Tiến, Bí thư Ðảng uỷ xã, cho hay, toàn xã có gần 1.000 hộ nghèo, thậm chí có ấp số hộ nghèo lên đến trên 50%...

Ðời sống Nhân dân chủ yếu dựa vào nghề khai thác thuỷ sản nên bấp bênh. Ngoài những hộ có ghe tàu đánh bắt biển thì đa số hộ nghèo rơi vào những hộ không có đất, thiếu phương tiện sản xuất, trình độ dân trí thấp... trong khi đó, các mô hình xoá đói giảm nghèo đã qua còn nhiều vướng mắc.

Ví dụ như mô hình nuôi hàu lồng thì thời gian nuôi quá dài lại phụ thuộc vào giá; nuôi ốc len dưới tán rừng thì do nguồn nước ô nhiễm nên mô hình cũng không thành công, đánh bắt gần bờ thì lại bị bắt do ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản… Riêng mô hình nuôi dê là hiệu quả nhất hiện nay.

Người lao động không cần nhiều vốn (có ít thì nuôi ít rồi gầy đàn), không cần trình độ cao, không tốn chi phí thức ăn (chỉ lấy công đi cắt cỏ, hái lá đước)… mô hình này hiện đang lan rộng trên địa bàn nhiều ấp trong xã.

Anh Nguyễn Văn Be, cán bộ mặt trận ấp, là một trong những người tiên phong nhân rộng mô hình này. Trước đây, gia đình anh cũng là một trong những hộ nghèo tại địa phương. Cần mẫn trong lao động, gia đình anh trải qua nhiều mô hình chăn nuôi, từ nuôi heo cho đến nuôi ốc len và cả nuôi hàu lồng… tất cả đều cho thu nhập từ huề đến lỗ vốn. Riêng đối với mô hình nuôi dê này gia đình anh mới thoát được cảnh nghèo khó.

Anh Be cho biết: “Nuôi dê không khó, chủ yếu là lấy công làm lời. Dê rất ít bị bệnh, lại không tốn chi phí thức ăn. Thường thì thức ăn của dê chỉ là lá đước và lá mắm. Khoảng vài ngày chuyển qua cho ăn cây đậu ma hái bên bãi biển Khai Long để bổ sung đạm cho chúng. Thời gian phát triển nhanh nhất của dê là trong năm đầu đời.

Chỉ trong vòng 12 tháng, trọng lượng đạt từ 40-50 kg/con. Trung bình mỗi con dê cái trong 1 năm có thể sinh 2 lứa, mỗi lứa từ 2-3 con. Thị trường thì luôn khan hiếm, khi vùng này đấu nối được lộ, xe vào được tận nơi để thu mua thì giá sẽ cao hơn”.

Theo anh Be, để nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế, ngoài kinh nghiệm ra, việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi rất quan trọng. Người nuôi dê phải biết áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê.

Vì là loại động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng trại cho dê cần phải bảo đảm sạch sẽ, thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Khi làm chuồng, tuỳ theo đặc điểm từng vùng, từng nhà cụ thể mà xác định vị trí và hướng chuồng thích hợp để tận dụng yếu tố thuận lợi và hạn chế tối đa các yếu tố bất lợi của thời tiết đối với dê.

Trước chuồng nuôi, cần có khoảng sân rộng để theo dõi, quản lý đàn dê, cũng như khi bắt dê để kiểm tra, phối giống, cho ăn và phòng trị bệnh.

Nuôi dê trong rừng đước đang là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, nguồn vốn đầu tư ít lại tận dụng được công lao động nên rất phù hợp với bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo ở nông thôn.

Do vậy, thời gian tới, UBND xã Ðất Mũi sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền, tổ chức tập huấn kỹ thuật, chủ động trong công tác tiêm phòng dịch nhằm nhân rộng mô hình trên địa bàn, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp con giống, qua đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.


Mô Hình Tiết Kiệm Nước Tưới Mô Hình Tiết Kiệm Nước Tưới Giá Thịt Heo, Gà Tăng Nhẹ Giá Thịt Heo, Gà Tăng Nhẹ