Xuất khẩu cà phê thách thức 4 tháng cuối vụ
Giá xuống không ngờ?
Chỉ còn bốn tháng nữa là đến niên vụ mới 2015-16, vì 30-9-2015 là ngày chấm dứt năm kinh doanh cà phê 2014-15. Tuy nhiên, đối với người trồng và còn giữ cà phê trong tay, tháng 5-2015 hoàn toàn không yên ả.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, mưa về chưa đều, những đợt nắng nóng và hạn hán đang “hành” cây cà phê và “dọa” sắp tới mất mùa chưa đủ, giá trên sàn kỳ hạn và thị trường nội địa ở tuần cuối cùng trong tháng còn giật xuống mức sâu nhất của niên vụ này.
Thật vậy, giá cà phê nội địa trong tuần qua có lúc xuống mức 34-35 triệu đồng/tấn, mất 6-7 triệu đồng/tấn so với mức đỉnh của niên vụ. “Ngay cả trước tết ta, giá nội địa còn ở mức 40 triệu đồng/tấn lúc hàng bán mạnh. Nay hàng vơi đi, giá lại xuống sâu,” một nông dân tên Nam ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc thắc mắc.
Giá kỳ hạn robusta tại châu Âu trong tuần có ngày đóng cửa xuống mức 1.575 đô la Mỹ/tấn, cũng là điểm sâu thấp nhất tính từ 1-10-2014 đến nay, mất 203 đô la so với đỉnh trong tháng lập ngày 5-5 nhưng mất đến 614 đô la/tấn của đóng cửa ngày 13-10-2014 (xin xem biểu đồ).
Giá thấp vẫn không kích được xuất khẩu
Cứ tưởng giá nội địa thấp như thế sẽ kích thích được người mua để đẩy mạnh xuất khẩu nhằm bù lại những tháng mua bán trầm lắng trước đây. Nhưng báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê ước xuất khẩu cà phê nước ta trong tháng 5-2015 giảm 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1,67 triệu bao (60 kg x bao). Như vậy, cả 8 tháng tính từ đầu niên vụ đến nay ta chỉ xuất bán được 872.100 tấn, giảm 28% so với mức 1.210.600 tấn cùng kỳ năm trước.
Có người giải thích lượng xuất khẩu thấp do mất mùa vì hạn hán và hiện tượng biến đổi khí hậu làm sản lượng thực sự giảm. Điều này khó thể chối cãi vì nhiều người dân ở tỉnh Đắc Lắc cho biết nhiều nơi “không có đủ nước uống chứ lấy đâu nước đủ để tưới cà phê”. Tuy mưa đã về lác đác, “thời tiết Đắc Lắc vẫn nóng và khô hanh, cây cối nhiều nơi khô kiệt hết”, ông Nguyễn Thịnh, chủ một công ty rang xay nội địa cho biết.
Bán ra chậm nhìn từ phía thị trường
Nhưng người nhìn từ phía thị trường thì cho rằng giá xuất khẩu giao hàng qua lan can tàu (FOB) so với giá niêm yết sàn robusta châu Âu vẫn còn rất cao với mức cộng 50 đô la/tấn trên giá kỳ hạn (differential). Ngay cả khi lấy mức 35 triệu đồng mỗi tấn chia với tỉ giá đồng đô la Mỹ, giá cà phê nội địa đã trên 1.600 đô la/tấn, cao hơn hay xấp xỉ giá niêm yết của sàn kỳ hạn. Theo mức giá được giao dịch trên sàn, giá của loại 2 chất lượng chuẩn theo qui định của sàn này ở mức trừ 30 đô la/tấn dưới giá niêm yết hàng giao đến kho được chỉ định tại châu Âu, tức người bán phải tốn phí chuyên chở, bảo hiểm hàng hóa và phí làm hàng để đấu giá trên sàn.
“Bao lâu giá chào FOB cao hơn giá niêm yết, xuất khẩu vẫn khó lòng được khai thông vì cà phê là nông sản dễ bị thay thế”, một cán bộ phụ trách thu mua cà phê của một hãng rang xay châu Âu giải thích.
Ngoài ra, tâm lý thị trường đang còn chờ một lực ép bán ra từ phía Việt Nam khi có các ước báo cho rằng lượng hàng chưa bán của năm nay còn nhiều trong dân. Trước đây, một thăm dò của Bloomberg ước lượng hàng tồn chưa bán chừng 42%, nhưng Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và hãng kinh doanh cà phê Volcafe Thụy Sĩ ước còn đến 49%. Tuy chưa thể nói ước báo này là đúng hay sai, tâm lý chờ giá chào xuất khẩu “trừ lùi” giá rẻ hơn để mua vẫn là cản trở cho dòng xuất khẩu cà phê từ nước ta.
Thách thức của xuất khẩu cà phê cuối vụ
Như vậy, giá xuất khẩu cà phê bên bán và bên mua trên cơ sở giá chênh lệch (differential) chưa gặp nhau dù giá trả đủ tiền ngay (outright) có ở mức thấp thấp nhất trong niên vụ này.
Tuy nhiên, chỉ còn 4 tháng nữa là chấm dứt năm kinh doanh cà phê hiện nay. Nếu thực sự lượng hàng chưa bán còn đúng như các đơn vị ước báo ở trên, con số này sẽ là một áp lực lớn về kế hoạch xuất khẩu cho ngành cà phê vì bình quân mỗi tháng phải xuất khẩu ít nhất 150.000 tấn. Điều này xem ra không thể.
Nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới Brazil và Indonesia chuẩn bị vào vụ mới. Thông tin thị trường mới đây cho biết đã có chừng 50% diện tích cà phê robusta Brazil đã thu hoạch xong nhưng chưa bán nhiều. Trong khi đó, đồng real Brazil (BRL) đang bị mất giá mạnh so với đồng đô la Mỹ nên có thể kích Brazil bán trước và xuất khẩu cà phê ồ ạt. Hiện nay cứ 3,14 BRL ăn 1 đô la Mỹ so với 2,96 BRL cách đây một tháng.
Cách biệt giữa giá arabica và robusta cũng đang bất lợi cho robusta ở mức chừng 1.125 đô la/tấn, tức là giá cà phê arabica bằng giá cơ sở robusta cộng với phần chênh lệch trên. Đó là mức rẻ vì trước đây có lúc trên 2.500 đô la/tấn và cao nhất là 4.100 đô la/tấn. Khi giá cách biệt giữa arabica và robusta càng thấp, các hãng rang xay thích mua arabica để sử dụng hơn.
Trong điều kiện bình thường khi mức cách biệt chừng 1.500 đô la/tấn, các hãng rang xay mua robusta với điều kiện giá FOB rẻ hơn, ở một mức thấp dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn.
Arabica là loại cà phê thơm, quyết định mùi vị ly cà phê, chiếm 2/3 lượng tiêu thụ trên thế giới. Robusta là loại được dùng để phối trộn với arabica và thường được dùng làm cà phê hòa tan.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ