Xuất Khẩu Cá Tra Việt Nam Tuột Dốc
Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2013 đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm ngoái, nhưng cả doanh nghiệp (DN) lẫn người hiện nay đều còn nhiều gánh nặng và trăn trở. Nghe cá quẫy, họ càng thêm rầu lòng.
Gian nan sản xuất và xuất khẩu
Sau gần 20 năm sau, thị trường cá tra Việt Nam từ lúc chỉ có một số nước ở châu Âu đến nay đã chinh phục hơn 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về hơn 1 - 1,8 tỷ USD/năm, nhưng điều đáng buồn là giá xuất khẩu càng ngày càng giảm, chỉ còn 1,8 - 2,2 USD/kg.
Không thể phủ nhận, cá tra Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc khẳng định thương hiệu ngành thủy sản và làm phong phú thêm dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, chính sự phát triển quá nhanh và quá nóng ấy đã khiến cho ngành cá tra trong năm 2013 nói riêng và nhiều năm qua nói chung rơi vào vòng luẩn quẩn, khủng hoảng thừa nguyên liệu, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu luôn khó “gặp nhau”; liên tiếp đối diện với rào cản thuế chống bán phá giá tại Mỹ; uy tín và hình ảnh của cá tra Việt Nam ngày càng đi xuống…
Tất cả đều là hệ lụy của việc nuôi cá tra thời gian qua còn mang tính tự phát. Người nuôi cứ mặc sức nuôi, gây áp lực tiêu thụ lên chính quyền và đổ lỗi cho doanh nghiệp (DN). DN thì có hiện tượng ép giá cá nguyên liệu trong nước để kiếm lời; thi nhau chào bán phá giá để giành hợp đồng, cạnh tranh không lành mạnh làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối, ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh...
Năm mới vẫn còn khó khăn cũ
Tại Hội thảo “Phát triển thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cá tra tại ĐBSCL” cuối năm 2013, nhiều chuyên gia đã chỉ ra những tồn tại của ngành hàng cá tra trong nhiều năm qua, tuy không mới nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đó là chất lượng con giống ngày càng suy giảm; tình trạng ô nhiễm môi trường nước làm gia tăng dịch bệnh; hiệu quả sản xuất thấp; lợi nhuận giữa DN và người nuôi chưa tương xứng; sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN; thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; các rào cản thương mại, nguồn vốn chưa được giải quyết một cách căn bản; liên kết sản xuất thiếu chặt chẽ... Theo đó, nhiều chuyên gia khẳng định, những thách thức này sẽ tiếp tục đeo bám lấy ngành cá tra Việt Nam trong năm 2014.
Để giúp ngành cá tra Việt Nam phát triển bền vững, ông Trần Cao Mưu- Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam- cho rằng: “Trước hết cần làm tốt công tác quy hoạch. Nhà nước cần hoạch định chính sách quy hoạch phù hợp từ khâu nuôi trồng đến thu mua, chế biến và xuất khẩu.
Nghĩa là cần phải hoạch định cụ thể, sản xuất sản lượng bao nhiêu là vừa đủ, bao nhiêu nhà máy được phép chế biến, xuất khẩu và cần xác định rõ thị trường xuất khẩu. Khi vấn đề quy hoạch này còn chưa được giải quyết thì tình trạng bấp bênh giá cả đầu vào lẫn đầu ra vẫn còn tiếp diễn”.
Còn theo ông Trần Thanh Hải- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ: Năm 2014, để sản xuất cá tra không còn lao đao như những năm gần đây, nhất thiết phải thiết lập giá sàn để kiểm soát giá cả tiêu thụ và xuất khẩu.
Khấp khởi đợi chờ
Năm 2014 sắp đến, cộng đồng DN và người nuôi lại khấp khởi chờ đợi những tín hiệu vui, hướng lòng tin vào một phép màu thần kỳ khiến “con cá trời ban” tiếp tục sinh lộc. Nhưng xem ra niềm tin ấy đang dần bị mất đi bởi “sóng dữ” quá nhiều.
Tất cả vẫn đang kỳ vọng vào dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA)” được khởi động cuối tháng 8/2013 với tổng giá trị gần 2,4 triệu euro. Kết thúc dự án, ngành cá tra sẽ được giúp nâng cao năng lực, thúc đẩy việc sản xuất có trách nhiệm, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất thông qua áp dụng phương pháp luận sử dụng tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch hơn, cải tiến sản phẩm và phát triển thị trường…
Quan trọng hơn, việc ra đời Nghị định quản lý sản xuất và xuất khẩu cá tra sắp tới sẽ tháo gỡ những khó khăn và giải quyết cái gốc bất cập của ngành; khi đó vấn đề hàm lượng nước trong cá tra sẽ khắt khe hơn, xuất khẩu cá tra sẽ là nghề có điều kiện... Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, giúp các cấp, ngành chức năng và địa phương vùng ĐBSCL đưa cá tra trở lại quỹ đạo phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hải- Giám đốc Hợp tác xã Thới An (Cần Thơ): “Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay thì liên kết giữa nông dân với DN là hướng đi hợp lý cho ngành cá tra. Chuỗi liên kết sẽ giúp DN tránh được rủi ro thiếu nguyên liệu, còn nông dân thì yên tâm đầu tư nuôi cá mà không lo đầu ra; đồng thời cần tính toán làm sao để có lợi nhuận; nếu không hãy dừng nuôi, chờ cơ hội”.
Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ giảm khoảng 5% do nguồn nguyên liệu trong nước giảm, chính sách thắt chặt tín dụng của ngân hàng nên DN khó tiếp cận vốn để đầu tư vùng nuôi, nông dân rơi vào cảnh lỗ ngày càng nhiều
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ