Xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm né phát triển theo... khẩu hiệu
Thay đổi từ cơ cấu gạo xuất khẩu
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đã có sự thay đổi lớn trong cơ cấu gạo xuất khẩu. Cụ thể, trong tổng số hơn 2,7 triệu tấn gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm, gạo trắng cao cấp chiếm xấp xỉ 30%, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước; gạo thơm chiếm 24,8%, tăng hơn 17%; gạo trắng cấp thấp vốn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong những năm trước đây thì nay, tỷ lệ chỉ còn 9,7%, giảm 44% so với cùng kỳ 2014.
Việc thay đổi cơ cấu này, theo nhận định của một số nhà chuyên môn, là cần thiết, giúp gạo Việt từng bước xây dựng được uy tín về chất lượng, giá cả và xây dựng được thương hiệu riêng. Ông Huỳnh Thế Năng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) thì cho rằng, để tận dụng được các lợi thế như giá thấp, có nguồn cung gạo mới từ vụ hè thu, thu đông sắp tới, DN phải tham gia chặt chẽ vào quá trình tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và mô hình liên kết, cánh đồng mẫu lớn.
Hơn nữa, trong bối cảnh xuất khẩu gạo cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các DN cần có chiến lược xuất khẩu trên cơ sở mở rộng thị trường mới, xuất khẩu theo nhu cầu thay vì chỉ bán sản phẩm hiện có, với các thị trường truyền thống.
Mới đây, VFA cũng đã đề xuất chú trọng phát triển giống lúa hạt tròn (Japonica) để đáp ứng nhu cầu thị trường mới. Ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký VFA cho rằng, hiện Hiệp hội đang phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL để nhân giống. Khi có kết quả sẽ tiến hành các bước triển khai sản xuất đại trà. Còn ông Lâm Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Lương thực Thịnh Phát thì cho rằng, giống lúa hạt tròn ở An Giang do một số DN Nhật Bản mang sang để sản xuất rồi xuất khẩu lại Nhật Bản. Trong khi đó, giống lúa hạt tròn Hàn Châu ở vùng Trà Vinh do một số DN trong nước triển khai, phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, thông tin về thị trường các giống lúa này chưa nhiều.
Né phát triển theo “khẩu hiệu”
Cũng theo ông Tuấn, để xuất khẩu gạo đạt kế hoạch 6 tháng cuối năm cũng như hoạt động ngành gạo phát triển bền vững, việc đẩy mạnh tái cơ cấu, hợp tác sản xuất – tiêu thụ giữa nông dân và DN.
Thế nhưng, ông Tuấn cho rằng, khẩu hiệu sản xuất, tiêu thụ gạo Việt Nam hiện còn bị lệch ở chỗ xã hội kỳ vọng và yêu cầu DN phải mua cao hơn thị trường 200 – 300 đồng/kg cho nông dân vùng liên kết. “Mua cao hơn giá thị trường rồi bán lỗ, ai bù lỗ cho DN? Việc phát triển này phải né ngay. Muốn sản xuất bền vững thì nông dân và DN bắt tay nhau cùng phát triển”- ông Tuấn nói.Thị trường xuất khẩu gạo cũng giống các mặt hàng khác, cạnh tranh rất khốc liệt, trừ những DN làm gạo đặc sản, họ có thể bán ra giá rất cao nên có thể mua vào giá cao, còn với các giống lúa thường, bán đại trà khắp nơi như IR50404 thì làm sao DN có thể mua cao hơn thị trường, mua cao rồi lấy đâu bù lỗ cho họ?
“Ví dụ như chúng tôi làm vùng liên kết, DN sẽ đưa ra giá chuẩn, dựa trên cơ sở là giá thành sản xuất từng vụ. Giá chuẩn này là để khi nông dân sản xuất ra họ biết giá tối thiểu họ có thể bán được là bao nhiêu, lời lỗ thế nào để điều chỉnh các mức đầu tư…” - ông Tuấn giải thích.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, những yếu kém của hoạt động xuất khẩu gạo hiện nay một phần là vì phát triển nóng trong thời gian qua. Theo đó, số lượng DN làm gạo quá nhiều, có giai đoạn khi ngành gạo phát triển cực thịnh thì thiên hạ “nhảy vào” quá nhiều, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Như hiện nay, có DN bán gạo 5% tấm chỉ 340 USD/tấn. Hay như có DN rao bán gạo thơm giá thấp nhưng sản phẩm thì chỉ là gạo trộn hoặc gạo thơm nhẹ…
“Bán giá đó thì DN khác làm sao chịu nổi, rồi khi bán được giá thấp rồi, DN khác không thể chào giá cao hơn, vì nhà nhập khẩu họ sẽ lấy giá thấp kia làm chuẩn”- đại diện một DN xuất khẩu gạo tại Cái Bè (Tiền Giang) bức xúc.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ