Xuất Khẩu Gạo Sẽ Cạnh Tranh Gay Gắt
Việc xả kho hàng của Thái Lan sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới, bởi nước này sẵn sàng bán giá thấp cả đối với gạo tồn kho vụ cũ và gạo mới.
Số liệu cập nhật từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 ước đạt 443.000 tấn với giá trị 217 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng của năm 2014 ước đạt 6,03 triệu tấn, giá trị 2,79 tỷ USD, giảm 2,7% về khối lượng, nhưng lại tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2014 đạt 460,09 USD/tấn, tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo đánh giá của Tổ điều hành xất khẩu gạo, các nước nhập khẩu lớn ở khu vực châu Á tăng cường nhập khẩu, một số thị trường trọng điểm truyền thống cũng tiếp tục giao dịch. Cụ thể, Trung Quốc vẫn đứng đầu danh sách thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 31,1% thị phần.
Theo đó, xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 10 tháng đạt 1,82 triệu tấn, tương đương 798,8 triệu USD. Đáng chú ý nhất là thị trường Philippines có sự tăng trưởng đột biến trong 10 tháng đầu năm với mức tăng gấp 3,47 lần về khối lượng và gấp 3,51 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Tiếp đến là Malaysia, Gana và Indonesia, chiếm thị phần lần lượt là 7,55%, 5,85% và 3,49%.
Theo ông Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành lúa gạo nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam từ nay đến cuối năm không khó bởi nhu cầu từ các nước nhập khẩu vẫn có. Tuy nhiên, thị trường cũng đan xen những diễn biến khó lường, không có lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, đáng lưu ý nhất là chính sách và động thái giải quyết tồn kho của Thái Lan.
Ông Xuân cho rằng, việc xả kho hàng của Thái Lan sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo của Việt Nam bởi Thái Lan sẵn sàng bán giá thấp cả đối với gạo tồn kho vụ cũ và gạo mới. Đồng thời đang mở rộng gạo trắng cạnh tranh với gạo Việt Nam.
Do vậy, trong cuộc họp Tổ điều hành xuất khẩu gạo mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị nghiên cứu cụ thể tác động của sự cạnh tranh của Thái Lan đối với hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trên các khu vực thị trường như: Chủng loại mặt hàng, phương thức tăng cường giao dịch, đẩy mạnh xuất khẩu gạo, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan đối với hoạt động XK gạo, giải phóng tồn kho.
Một thông tin đáng chú ý, cuối tháng 11, Hiệp hội lương thực Việt Nam - VFA đã điều chỉnh giá sàn xuất khẩu xuống 380 USD một tấn loại gạo 25% tấm thay vì 410 USD. Giá xuất khẩu các loại gạo khác như 5%, 10%, 15% tấm do nhà xuất khẩu tính toán. “Đây cũng được xem là động thái bán nhanh lượng gạo ra thị trường nhưng vô hình trung khiến người nông dân thiệt thòi. Khi ấn định giá không cao thì giá thu mua không cao”, ông Xuân phân tích.
Doanh nghiệp đang “dồn lực” để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2014. Thế nhưng từ thực tế này, có thể thấy rằng, sự cạnh tranh của thị trường xuất khẩu gạo rất gay gắt, nhất là sự cạnh tranh về nguồn cung từ Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Campuchia. Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang loay hoay để bán gạo dự trữ nhằm cân bằng xuất khẩu trong những tháng cuối năm thì các nhà xuất khẩu Thái Lan đã tập trung giành lấy thị trường Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Philippines và cả châu Phi.
Thêm nữa, việc nhập khẩu gạo của Philippines và Indonesia trong mấy năm gần đây rất thất thường, khó dự báo. “Doanh nghiệp phải năng nổ đi tìm thị trường, không thể ngồi một chỗ chờ người ta đến mua”, ông Xuân khuyến cáo và thông tin nếu không đầu tư quy trình sản xuất gạo thì gạo Việt không chỉ thua chất lượng gạo Thái Lan mà còn thua gạo Campuchia.
Nguồn bài viết: http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/xuat-khau-gao-se-canh-tranh-gay-gat-3117284.html
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ