Thống kê nông sản Xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục trầm lắng trong năm 2021

Xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục trầm lắng trong năm 2021

Tác giả Thủy Chung, ngày đăng 18/01/2021

Xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục trầm lắng trong năm 2021

Sau một năm 2020 nhiều khó khăn, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam được dự báo tiếp tục trầm lắng trong năm nay, khi nhiều thị trường xuất khẩu vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Giá hồ tiêu cũng khó lòng tăng mạnh dù diện tích sụt giảm đáng kể.

Giá tiêu xuất khẩu 2.280,2 USD/tấn

Theo thông tin “chốt sổ” mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), năm 2020, khối lượng và trị giá XK tiêu đạt 288 nghìn tấn và 666 triệu USD, tăng 1,2% về khối lượng nhưng lại giảm 6,8% về trị giá so với năm 2019. Ba thị trường XK tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng năm 2020 là Hoa Kỳ, Đức và Tiểu vương quốc Arập Thống Nhất chiếm 30,7% thị phần tổng trị giá XK tiêu. Thị trường có trị giá XK tiêu tăng mạnh nhất trong 11 tháng năm 2020 là Philippines (tăng 18,9%). Ngược lại, thị trường có trị giá XK tiêu giảm mạnh nhất là Ấn Độ (giảm 43%). Giá tiêu XK bình quân 11 tháng năm 2020 đạt 2.280,2 USD/tấn, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Thị trường hạt tiêu trong nước tháng 12/2020 biến động giảm. Giá tiêu tại Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 2.500 đ/kg xuống mức 56.000 đ/kg. Giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông giảm 2.500 đ/kg xuống 54.500 đ/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai giảm 3.000 đ/kg xuống 52.000 đ/kg. Giá tiêu tại Gia Lai giảm 3.500 đ/kg xuống 53.000 đ/kg. Tính cả năm 2020, giá tiêu trong nước có xu hướng giảm trong quý 1/2020 và tăng từ quý 2/2020. So với cuối năm 2019, giá tiêu trong nước tăng từ 13.000 - 14.000 đ/kg. Giá tiêu tăng do nhu cầu tăng dần, trong khi nguồn cung có xu hướng giảm.

Bước sang năm 2021, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng tiêu có thể giảm 25-30% so với năm 2020 xuống khoảng 168 - 180 nghìn tấn. Cụ thể, tại huyện Bù Đốp (Bình Phước) ghi nhận sự sụt giảm mạnh khi số lượng vườn tiêu tiêu già chiếm phần lớn diện tích. Tại Đắk Nông, nơi được xem là khu vực có diện tích tiêu lớn nhất cả nước cũng ghi nhận năng suất giảm 15 - 20%. Đặc biệt tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), tỷ lệ tiêu chết không dưới 50%. Diện tích tiêu chết đã và đang dần được thay thế bởi cà phê và một số loại cây trồng khác.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA cho biết: "Những năm gần đây, do giá tiêu giảm mạnh, người dân không còn vốn để đầu tư chăm sóc dẫn đến cây còi cọc. Thêm vào đó, một số hộ chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn nên diện tích tiêu giảm sút".

Hiện nay, mối quan ngại lớn nhất đối với nông dân trồng tiêu ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu là chi phí lao động cao. Đây là yếu tố liên quan trực tiếp đến giá thành sản xuất và ảnh hưởng đến quyết định của nông dân trong việc duy trì vườn tiêu hoặc tái đầu tư hay không. Với giá tiêu hiện nay khoảng 54.000 đồng/kg trong khi chi phí lao động dao động từ 200.000-230.000 đồng/công/ngày thì người nông dân trồng tiêu vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Dù vậy, điều này lại một phần có động tích cực khi người dân chuyển sang dùng phân hữu cơ thay vì phân hóa học như trước đây. Mặc dù diện tích giảm nhưng hầu hết các vườn tiêu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu canh tác theo hướng sạch, bền vững, sử dụng phân chuồng và phân hữu cơ là chính, hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, hồ tiêu được kỳ vọng đạt chất lượng tốt trong mùa vụ tới.

Giá khó tăng mạnh

Ông Nguyễn Nam Hải phân tích: “Mặc dù diện tích sụt giảm nhưng giá tiêu trong năm 2021 khó tăng mạnh vì cung vẫn vượt cầu. Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến các nhà hàng phải đóng cửa kéo theo nhu cầu giảm mạnh. Thêm vào đó, DN hiện vẫn đang thiếu container rỗng để xuất hàng đi, giá cước tăng cao nên tình hình càng khó khăn hơn. Ngoài ra, các nước sản xuất tiêu lớn khác như Brazil, Campuchia tăng sản lượng nên càng gây áp lực lên giá". Con số cụ thể được Chủ tịch VPA đưa ra là giá tiêu trong năm 2021 có thể chỉ đạt khoảng 54.000 - 55.000 đồng/kg, cao nhất đạt khoảng 60.000 đồng/kg.

Đứng từ góc độ DN XK trực tiếp, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group nhận định, nếu không có dịch Covid-19, theo quy luật cung - cầu, giá tiêu năm 2021 có thể tăng. “Trước đây, 10 người muốn bán thì bây giờ con số ấy giờ lên 50 - 60 người. Trong khi đó, nhu cầu không có do nhiều nhà hàng trên thế giới phải đóng cửa. Phân khúc nhà hàng, khách sạn ở châu Âu tiêu thụ rất nhiều hồ tiêu của Việt Nam nhưng hiện cũng đang bị tê liệt. Thời điểm hiện tại đang vào vụ tiêu và cà phê nhưng các DN lại không XK được. Thị trường XK dự báo tiếp tục khó khăn vào quý 1 và quý 2/2021”, ông Thông nói.

Đánh giá dịch Covid-19 đã khiến mọi hoạt động kinh tế, lễ hội của các nước trên thế giới trong cuối năm 2020 bị tê liệt và khả năng vẫn kéo dài sang đầu năm 2021, đại diện lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, XK tiêu của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ trầm lắng khi thiếu các yếu tố hỗ trợ. Bên cạnh đó, thời điểm giáp tết Nguyên đán cũng là lúc Việt Nam bước vào vụ thu hoạch nên giá XK tiêu nhiều khả năng sẽ giảm xuống.


Giá gạo ngày 18/1/2021 tương đối ổn định Giá gạo ngày 18/1/2021 tương đối ổn định Thị trường lúa gạo Châu Á tuần tới 14/1: Giá gạo Thái Lan cao nhất 8 tháng, gạo Ấn Độ vững Thị trường lúa gạo Châu Á tuần tới…