Tin nông nghiệp Xuất khẩu nông sản sụt giảm

Xuất khẩu nông sản sụt giảm

Tác giả Thanh Hải, ngày đăng 03/09/2019

Xuất khẩu nông sản sụt giảm

Số liệu xuất khẩu nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, nhiều ngành hàng chủ lực như cà phê, tiêu, điều… sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018, nguyên nhân vì sao?

Ngành cà phê dự báo xuất khẩu giảm do cung vượt cầu

Nhiều quốc gia tăng diện tích

Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 943.000 tấn trị giá 1,6 tỷ USD, giảm 9,2% về khối lượng và giảm 19,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê trong nước giảm 500 - 800 đồng/kg. Phân tích vấn đề này, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, nhận định, giá cà phê thế giới biến động giảm do tiếp tục chịu áp lực từ dư thừa nguồn cung toàn cầu. Hai nước xuất khẩu cà phê nhiều nhất thế giới là Việt Nam và Brazil đều tăng diện tích và sản lượng. Hiện Việt Nam có khoảng 660.000ha diện tích cà phê.

Một trong những ngành hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới trong năm 2018 nhưng nay hạt điều cũng giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, khối lượng xuất khẩu hạt điều ước đạt 197.000 tấn và 1,5 tỷ USD, tăng 13,1% về khối lượng nhưng giảm 11,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, giá điều từ giữa 2018 và đầu năm 2019 liên tục điều chỉnh giảm do nhiều nước xuất khẩu điều thô nhưng nay tăng chế biến xuất khẩu điều nhân, dẫn đến nguồn cung cao hơn, cạnh tranh về giá gay gắt hơn.    

Đối với ngành hồ tiêu, dù đã có cảnh báo từ đầu năm 2018, giá xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 2.579 USD/tấn, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2018. Dự báo của Bộ NN-PTNT trong thời gian tới, giá hồ tiêu sẽ khó có khả năng tăng mạnh do nguồn cung hồ tiêu toàn cầu dồi dào, lượng tồn kho lớn, trong khi Việt Nam và Sri Lanka đã bắt đầu vụ thu hoạch mới với kỳ vọng năng suất cao. Nguyên nhân sụt giảm kéo dài được ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, lý giải, bắt nguồn từ năm 2014, giá hồ tiêu tăng cao, các nước có vùng nguyên liệu như Việt Nam, Brazil, Ấn Độ, Indonesia phát triển diện tích, ước tăng 8% nhưng nhu cầu thế giới chỉ tăng 2%. Đơn cử, Việt Nam từ 52.000ha vào năm 2013, tăng 152.000ha vào năm 2018. Tuy nhiên, sau 4 năm, cây tiêu mới ra sản phẩm; đồng thời, nông dân mới trồng, chưa thu lại lợi nhuận rất khó chặt bỏ nên giá tăng trong thời gian sớm là điều rất khó.

Tiềm năng thị trường trong nước

Trong bối cảnh giá nông sản xuất khẩu liên tục giảm, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, khuyến nghị, các chủ vườn cà phê nên chủ động nguồn tài chính để dự trữ, tránh ra hàng ồ ạt khiến giá khó tăng cao trở lại. Về lâu dài, thời điểm giá giảm là thời cơ thuận lợi để giảm diện tích những vùng trồng không thuận lợi, năng suất thấp. Mặt khác, nông dân phải đa dạng hóa thu nhập, tăng diện tích cây ăn trái xen kẽ cây cà phê và tập trung cho sản xuất cà phê đặc sản chất lượng cao. Hiện nay, ngành cà phê Việt Nam không thể mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, vì thế các công ty cần tăng cường khâu chế biến. Cuối cùng, nếu thị trường trong nước chiếm 20%-30% thì ngành cà phê sẽ giảm áp lực xuất khẩu.

Để tháo gỡ với ngành hồ tiêu, theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo tái cơ cấu ngành, không phát triển thêm diện tích. Đối với cây sâu bệnh thì chuyển qua cây trồng khác hiệu quả hơn. Doanh nghiệp xuất khẩu cần liên kết với nông dân để tạo ra vùng nguyên liệu bền vững; đồng thời đầu tư công nghệ chế biến sâu để gia tăng giá trị như từ hồ tiêu thô sang hồ tiêu nghiền.

Dù giá trị giảm nhưng ngành điều vẫn tự tin sẽ duy trì được giá trị xuất khẩu như năm 2018 và có thể chỉ đứng sau rau quả, trái cây, đây là nhận định của ông Đặng Hoàng Giang,  Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam. Ngành điều sẽ không mở rộng diện tích, nhưng nâng cao khoa học kỹ thuật để tăng chất lượng. Đặc biệt, Hiệp hội đang hỗ trợ nông dân Campuchia trồng điều nhằm tạo vùng nguyên liệu cho Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định để mở rộng thị trường, nếu ngành điều tận dụng tốt vẫn phát triển. Vấn đề là nhà nước cần hỗ trợ tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Việt Nam với hơn 90 triệu dân, chỉ cần các doanh nghiệp chú trọng thị trường trong nước và nếu 20-30% sản lượng điều xuất khẩu được người Việt Nam tiêu dùng, sẽ giảm áp lực cho ngành.

Theo Bộ NN-PTNT, để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2019 khoảng 43 tỷ USD cần có các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm. Nông sản chính từ 21 tỷ xuống còn 20,5 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ từ 10,5 lên 11 tỷ USD; thủy sản giữ nguyên 10,5 tỷ USD; còn lại các mặt hàng khác khoảng 1 tỷ USD.


Hướng đi nào cho hợp tác cà phê giữa Việt Nam và Brazil? Hướng đi nào cho hợp tác cà phê… Lão nông với vườn mãng cầu dai cho trái khổng lồ Lão nông với vườn mãng cầu dai cho…