Xuất khẩu nông sản tăng tốc ngay từ đầu năm
Sau khi đạt kết quả ấn tượng với trị giá XK nông, lâm, thủy sản hơn 41,2 tỷ USD trong năm 2020, ngành nông nghiệp đang rốt ráo thúc đẩy XK ngay từ đầu năm để hướng tới mục tiêu XK khá cao là 44 tỷ USD năm 2021. Ngoài XK, toàn ngành đặc biệt coi trọng thúc đẩy song song cả thị trường nội địa.
Xuất khẩu mở đầu hanh thông
10h sáng ngày 5/1, lễ XK lô tôm đầu tiên đã long trọng diễn ra tại Hậu Giang. Với 8 container hàng, mỗi container chứa khoảng 20 tấn hàng, hơn 160 tấn tôm do Công ty Cổ phần thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang chế biến đã mở đầu cho thủy sản XK đi các nước. Đây không chỉ là lô hàng thủy sản XK đầu tiên trong năm 2021 mà cũng chính là “phát súng” đầu tiên lấy đà, mở màn cho XK nông, lâm, thủy sản nói chung cả năm nay.
Tổng kim ngạch XNK nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 72,1 tỷ USD, trong đó:
XK đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2019.
NK đạt 30,9 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2019.
Xuất siêu trên 10,3 tỷ USD.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan về sự kiện này, một cán bộ của Văn phòng Bộ NN&PTNT không giấu được vui mừng, hồ hởi nhấn mạnh, đây là động thái trực tiếp từ phía ngành nông nghiệp khẳng định cho quyết tâm tăng tốc ngay từ đầu năm nhằm hướng đến mục tiêu XK 44 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kỳ vọng đặt ra cho toàn ngành khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2020.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay trong ngày cuối cùng của năm 2020, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản cho cả năm 2021. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết và triển khai một loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Điều này mở ra cho nông sản cơ hội thâm nhập một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU và tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, song cũng tạo ra nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh, yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và mức độ định vị sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Bộ NN&PTNT đã có những phân tích sâu về thách thức đặt ra tại các thị trường XK trọng điểm. Điển hình như với Trung Quốc, hiện nay phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra nhiều lô hàng NK nhằm kiểm soát tiềm ẩn rủi ro về lây lan dịch bệnh, quản lý chất lượng, đồng thời đề nghị phía Việt Nam đôn đốc các cơ quan chức năng chuyên ngành tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng nông, thủy sản XK. Điều này làm giảm hiệu suất thông quan, tăng áp lực đối với công tác phòng chống dịch bệnh.
Với EU, vấn đề tận dụng FTA Việt Nam-EU (EVFTA) được đặt ra rõ ràng. Cụ thể, Hiệp định EVFTA đã chính thức thực thi vào đầu tháng 8/2020 nhưng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU vẫn chưa có nhiều bước tiến rõ rệt. Các DN XK của Việt Nam bước đầu đã tận dụng ưu đãi để XK vào thị trường EU nhưng chưa tăng mạnh với hàng nông, lâm, thủy sản.
Tại thị trường Hoa Kỳ, lo ngại là Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng biện pháp bảo hộ thông qua việc áp thuế chống bán phá giá, tăng cường tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng… gây tác động bất lợi tới XK các nhóm hàng lớn sang thị trường Hoa Kỳ là thủy sản, hồ tiêu, gỗ và các sản phẩm gỗ.
Với khối thị trường ASEAN, theo Bộ NN&PTNT thách thức cố hữu bao năm nay là sản phẩm nông sản tương đối tương đồng; cạnh tranh bởi nông sản của các nước như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa
Với những cơ hội và thách thức đặt ra cho XK nông, lâm, thủy sản năm nay, ngành nông nghiệp xác định tập trung cao độ thúc đẩy mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp quan trọng để có thể về đích như kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, hành động cụ thể sẽ được đẩy mạnh triển khai thời gian tới là tổ chức các hoạt động kết nối XK, hỗ trợ giao thương tại các tỉnh biên giới trong nước nhằm đẩy mạnh XK hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc; tiếp tục đàm phán, tháo gỡ khó khăn, rào cản thương mại, mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam XK chính ngạch tại các thị trường (hoa quả, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi...).
Đáng chú ý, trong tính toán tiêu thụ nông sản năm nay, Bộ NN&PTNT dành sự quan tâm đặc biệt cho thị trường nội địa. Thời gian gần đây thị trường nông sản trong nước được đánh giá tăng trưởng rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nông sản trong nước tăng rõ rệt với hầu hết các loại nông sản thực phẩm. Tác động từ dịch bệnh Covid-19 cũng tạo ra nhận thức mới, xu hướng dịch chuyển trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại trên nguyên tắc hạn chế tiếp xúc đã tạo ra sự thay đổi về cầu, đem lại cơ hội thị trường mới cho các DN. “Bối cảnh này tiếp tục tạo cơ hội rất tốt cho nông sản Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, thúc đẩy XK và cả phát triển thị trường nội địa”, Thứ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Để phát triển tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa, giải pháp cụ thể được “lên dây cót” tiến hành ngay từ đầu năm là tổ chức luân phiên, liên tục các hội chợ triển lãm, tuần hàng nhằm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và quảng bá, giới thiệu nông sản chủ lực, đặc sản của các địa phương, DN, hợp tác xã trực tiếp đến người tiêu dùng tại các thành phố lớn; đồng thời thúc đẩy mạnh kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản vùng miền…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ