Xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm và những khuyến nghị
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2020 của cả nước đạt trên 2,73 tỷ USD, giảm 12,2% so với 10 tháng đầu năm 2019.
Riêng tháng 10/2020 xuất khẩu rau quả đạt 241,78 triệu USD, tăng 1,7% so với tháng 9/2020 nhưng giảm 18,2% so với tháng 9/2019.
Thị trường Trung Quốc dẫn đầu về kim ngạch với trên 1,55 tỷ USD trong 10 tháng, giảm 26,6% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 56,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Tiếp sau đó là thị trường Đông Nam Á đạt 238,65 triệu USD, chiếm 8,7%, tăng 63%. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 136,64 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ.
Riêng thị trường Đông Nam Á, xuất khẩu sang Thái Lan tăng mạnh 175%, đạt 133,49 triệu USD. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang Thái Lan trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, do hàng nông sản xuất khẩu sang Thái Lan có yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao, tương đương với tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Đặc biệt, sau khi Thái Lan ban hành tiêu chuẩn mới về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu thì một vài đơn hàng xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Thái Lan đã bị trả lại. Nguyên nhân do vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cho đến nay, Thái Lan chỉ mới chính thức cấp giấy phép cho bốn loại trái cây của Việt Nam vào thị trường này là thanh long ruột đỏ và ruột trắng, xoài, nhãn, vải.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam nhưng ngày nay không còn là thị trường “dễ tính”, đang ngày càng siết chặt thương mại nông sản theo hình thức trao đổi biên mậu và nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật, quy định ngày càng khắt khe hơn đối với nông sản nhập khẩu.
Theo nongnghiep.vn, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho hay: “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau quả đang dần trở thành xu thế, yêu cầu bắt buộc, cho phép người tiêu thụ có đầy đủ thông tin ngược dòng từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, có thể rà soát từng công đoạn chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tới tay người tiêu thụ. Truy xuất nguồn gốc hiện nay chỉ thực hiện được khi có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói hay chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.
Việc cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói còn chậm và quá ít so với diện tích trồng trọt, còn chứng nhận sản xuất VietGAP hay GlobalGAP chỉ khoảng 7,5% tổng diện tích rau quả cả nước dẫn tới việc thực hiện truy xuất nguồn gốc chưa nhiều và rộng khắp các mặt hàng”. Trung Quốc đã buộc các hàng rau quả Thái Lan khi xuất khẩu cho họ phải sử dụng truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code từ năm 2019. Có thể họ sẽ yêu cầu áp dụng với rau quả Việt Nam trong một hai năm tới. Nếu chúng ta không chuẩn bị từ bây giờ, chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu rau quả.
Cục Bảo vệ Thực vật cảnh báo “nguy cơ mất thị trường nếu không tuân thủ quy định của nước nhập khẩu”, đặc biệt là việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói còn ít nhưng đã xuất hiện hành vi gian lận.
5 yêu cầu với mã truy xuất nguồn gốc
Công ty Cổ phần iCheck chuyên về ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc trái cây đi Trung Quốc và EU cho hay, có một thực tế đáng buồn là đa số người dân và các doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ về khái niệm truy xuất nguồn gốc. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị chỉ tạo ra một mã QR Code rồi dán lên sản phẩm với vài thông tin cơ bản và coi đó là truy xuất nguồn gốc. Khoảng 95% mã QR Code được dán lên các sản phẩm trong siêu thị không phải là mã truy xuất nguồn gốc mà chỉ là truy xuất thông tin.
Mã truy xuất nguồn gốc đúng cần đảm bảo truy xuất được toàn bộ quá trình sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm và phải đảm bảo có 5 điều kiện sau:
1) Xem được đầy đủ thông tin về sản phẩm theo quy định lưu hành và công bố sản phẩm.
2) Truy xuất được chuỗi liên kết tạo ra giá trị sản phẩm (các cá nhân và tổ chức có tham gia hoặc liên quan đến quá trình sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm).
3) Xem được chỉ dẫn địa lý của vùng sản xuất ra sản phẩm.
4) Xem được các giấy tờ và các chứng nhận về thành phần, chất lượng và các công nhận về sản phẩm.
5) Chứng minh được lịch sử sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm thông qua nhật ký hoạt động điện tử được đóng góp bởi tất cả các thành viên trong chuỗi liên kết giá trị sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ