Thống kê nông sản Xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm 2020 giảm trên 13% kim ngạch

Xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm 2020 giảm trên 13% kim ngạch

Tác giả Thủy Chung, ngày đăng 09/09/2020

Xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm 2020 giảm trên 13% kim ngạch

7 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt gần 1,98 tỷ USD, giảm 13,1% so với 7 tháng đầu  năm 2019.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong tháng 7/2020 giảm 13,6% so với tháng 6/2020 và cũng giảm 9% so với tháng 7/2019, đạt 222,4 triệu USD.

Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt gần 1,98 tỷ USD, giảm 13,1% so với 7 tháng đầu năm 2019.

Rau quả của Việt Nam xuất khẩu 58,2% kim ngạch sang thị trường Trung Quốc, đạt trên 1,15 tỷ USD, giảm 28,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là thị trường Hàn Quốc đạt 93,97 triệu USD, chiếm 4,8%, tăng 22,7%.

Tiếp sau đó là thị trường Mỹ đạt 89,95 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ; thị trường Thái Lan tăng 215,5%, đạt 88,45 triệu USD, chiếm 4,5%; EU đạt 88,1 triệu USD, tăng 1,1%.

Theo ước tính, xuất khẩu rau quả tháng 8/2020 đạt 280 triệu USD, tăng 25,9% so với tháng 7/2020 và tăng 4,2% so với tháng 8/2019. Trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,26 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Xét riêng từng nhóm hàng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm, thanh long chiếm thị phần cao nhất (với 34,4% tổng giá trị xuất khẩu) đạt 680,7 triệu USD, giảm 7,7%; chuối đạt 119 triệu USD (chiếm 6%, giảm 9,1%); sầu riêng đạt 59,4 triệu USD (chiếm 3%, giảm 66,3%); vải đạt 35,1 triệu USD (chiếm 1,8%, giảm 22,2%); dưa hấu đạt 34,3 triệu USD (chiếm 1,7%, giảm 37,7%); nhãn đạt 21,2 triệu USD (chiếm 1,1%, giảm 78,5%).

Các thị trường xuất khẩu rau quả xuất khẩu tăng trưởng tăng trưởng mạnh trong 7 tháng đầu năm là: Campuchia tăng 194,3%, đạt 4,38 triệu USD; Indonesia tăng 148%, đạt 3,73 triệu USD.

Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu trái cây có nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, xuất khẩu trái cây sang Mỹ có nhiều tín hiệu khả quan sau những nỗ lực đàm phán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Bộ Nông nghiệp Mỹ, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đã tiếp tục cử chuyên gia thực hiện giám sát xử lý hoa quả tươi xuất khẩu sang thị trường này, sau những gián đoạn do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Nhiều chủng loại quả của Việt Nam được thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm như: 20 tấn thanh long ruột đỏ của tỉnh Sơn La được xuất khẩu sang Nhật Bản; 7 tấn sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu vào Úc, 10 tấn thanh long ruột đỏ được xuất khẩu sang Nga,…

Theo Haiquanonline, chính quyền Quảng Tây – Trung Quốc đang thực hiện nghiêm chế độ quản lý hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại các chợ, siêu thị; tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, chứng từ mua hàng đối với hàng nông sản dùng làm thực phẩm, cấm mua bán, tàng trữ các loại thực phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Các trường hợp kinh doanh thực phẩm nhập khẩu phải cung cấp chứng từ kiểm nghiệm kiểm dịch của cơ quan hải quan… Từ ngày 1/7/2020, các phương tiện vận tải của Việt Nam nhập cảnh Trung Quốc đều phải mua bảo hiểm phương tiện.

Đánh giá về xuất khẩu rau quả thời gian tới, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, hiện Trung Quốc vẫn chiếm tới 60% thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Thời gian gần đây, dù xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… đều tăng nhưng vẫn không đủ bù đắp được sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc. Dự báo, năm nay xuất khẩu rau quả có thể vẫn sẽ bị sụt giảm khoảng 10% so với năm 2019. Dù vậy, về dài lâu, nhờ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điển hình như Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), rau quả Việt cũng có nhiều cơ hội sự bứt phá cao và bền vững tại các thị trường mới, thay vì lệ thuộc lớn vào Trung Quốc.

EVFTA mở ra cơ hội vô cùng lớn tại thị trường EU, vốn là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới. Cụ thể, Việt Nam có thể xuất khẩu bất cứ loại rau quả nào qua EU, miễn là mặt hàng đó được sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, EU lại là thị trường "khó tính" với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… khắt khe. Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng cá nhân doanh nghiệp mà cả ngành rau quả Việt Nam. Do đó, việc sản xuất an toàn theo hướng GAP là yêu cầu bắt buộc. Một vấn đề nữa là khi sản xuất sạch theo các quy chuẩn như VietGAP, Global GAP, tỷ lệ rau quả không đạt yêu cầu về mẫu mã, hình thức để xuất tươi sẽ tăng lên.

Việc chế biến sâu sẽ giúp tận dụng được các sản phẩm này vào làm nguyên liệu cho chế biến, từ đó khai thác tối đa giá trị của các sản phẩm thu hoạch được, giúp nông dân tăng thêm thu nhập do sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết.


Giá lúa mì Nga tăng Giá lúa mì Nga tăng Thị trường dầu cọ thế giới ngày 8/9/2020: Giá tăng theo xu hướng giá dầu đậu tương Thị trường dầu cọ thế giới ngày 8/9/2020:…