Thống kê nông sản Xuất khẩu sắn lát 7 tháng đầu năm 2020 tăng mạnh

Xuất khẩu sắn lát 7 tháng đầu năm 2020 tăng mạnh

Tác giả Thủy Chung, ngày đăng 01/09/2020

Xuất khẩu sắn lát 7 tháng đầu năm 2020 tăng mạnh

Xuất khẩu sắn lát tăng mạnh 75,7% về lượng và 85,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đạt 438.525 tấn tương đương 98,19 triệu USD.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 7/2020 ước đạt 203.330 tấn, tương đương 74,64 triệu USD, giá trung bình 367,1 USD/tấn, tăng 30% về lượng, tăng 39% về kim ngạch và tăng 7% về giá so với tháng 6/2020; tăng 21,5% về lượng, tăng 13,9% về kim ngạch nhưng giảm 6,3% về giá so với tháng 7/2019.

Tính chung khối lượng xuất khẩu mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 1,58 triệu tấn (545,84 triệu USD), tăng 16,1% về khối lượng và tăng nhẹ 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân 7 tháng đầu năm đạt 345,4 USD/tấn, giảm 10,6%.

Gần đây, xuất khẩu sắn lát của Việt Nam tăng trở lại khi nhu cầu mua từ Trung Quốc tăng. Xét về cơ cấu sản phẩm, trong 7 tháng qua, xuất khẩu sắn lát tăng mạnh 75,7% về lượng và 85,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 438.525 tấn tương đương 98,19 triệu USD. Giá xuất khẩu sắn lát bình quân 7 tháng ở mức 223,9 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, mặt hàng tinh bột sắn xuất khẩu 7 tháng chỉ đạt 1,1 triệu tấn với trị giá 435 triệu USD, giảm 1% về lượng và giảm 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn đạt 396 USD/tấn, giảm 7%.

Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn chủ lực của Việt Nam; trong tháng 7, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 191.096 tấn tương đương 69,72 triệu USD, tăng 35% về lượng và 44,8% về trị giá so với tháng 6. Giá xuất khẩu tăng 7,3%, đạt 364,8 USD/tấn.

Trung Quốc tăng nhập khẩu sắn và sản phẩm sắn từ Việt Nam do giá cồn tại Trung Quốc tăng trở lại khi giá nguyên liệu đầu vào cao, tồn kho thấp trong khi tiêu thụ tốt hơn do ảnh hưởng của ổ dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Kinh. Hiện, giá ngô tại Trung Quốc vẫn đang tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu tiêu thụ từ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất cồn tăng cao, đây là cơ hội cho sắn lát Việt Nam, sản phẩm thay thế ngô trong ngắn hạn có thể đạt được mức tăng trưởng tốt về sản lượng và giá xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu tinh bột sắn tiếp tục giảm mạnh cả về trị giá và sản lượng. Trong tháng 6, xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 95 nghìn tấn, với trị giá 37 triệu USD, giảm 22% về lượng và 21% về trị giá so với tháng 5. Đây được ghi nhận là mức xuất khẩu thấp nhất kể từ tháng 3/2019 đến nay. Giao dịch xuất khẩu không tăng cả ở đường biển và đường biên mậu do nhu cầu tiêu thụ tinh bột sắn từ Trung Quốc giảm do thời tiết nắng nóng, dịch Covid -19 bùng phát trở lại tại Trung Quốc và tồn kho tinh bột của các nhà máy không đáng kể.

Các chuyên gia dự báo, thời gian tới giá xuất khẩu sắn lát vẫn sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu mua của Trung Quốc tốt hơn. Cùng với đó, giá xuất khẩu tinh bột sắn qua kênh biên mậu cũng sẽ tăng do nhu cầu mua từ Trung Quốc nhiều hơn trong bối cảnh tồn kho nội địa đạt thấp.

Tại thị trường trong nước, trong tháng 7, giá sắn lát giao dịch tiếp tục xu hướng tăng mạnh do tồn kho nội địa đạt thấp và giá xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc tăng. Tại Miền Bắc giá sắn lát bán ra ở mức 4.600-4.700 đồng/kg, ở Miền Trung là 4.900 đồng/kg và ở Miền Nam dao động ở mức 5.200-5.250 đồng/kg.


Giá gạo ngày 1/9/2020 vẫn đứng ở mức cao Giá gạo ngày 1/9/2020 vẫn đứng ở mức… Giá gạo ngày 31/8/2020 trong xu hướng tăng Giá gạo ngày 31/8/2020 trong xu hướng tăng