Tin nông nghiệp 1.001 lý do ngộ độc thuốc trừ sâu ở vùng cao

1.001 lý do ngộ độc thuốc trừ sâu ở vùng cao

Tác giả Kiều Thiện, ngày đăng 15/07/2016

“Những năm gần đây, tình trạng ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn gia tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nguy hiểm. Có năm, chúng tôi phải cấp cứu tới cả trăm trường hợp, hầu hết là bà con dân tộc thiểu số”  - bác sĩ chuyên khoa I, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (Sơn La) Khuất Thanh Bình cho biết.

“Dùng thuốc” quá đa dạng

Trong phòng điều trị của Khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC) – Nhi thuộc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, bệnh nhân Vì Thị Quyết đang mong đến ngày được ra viện. Bác sĩ Phạm Thị Hường - Phó Trưởng khoa HSCC - Nhi cho biết: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc thuốc BVTV ở mức nặng vào ngày 1.7. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi đã tập trung cứu chữa, theo dõi chặt chẽ diễn biến sức khỏe người bệnh. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã cơ bản phục hồi”.

Ngượng nghịu kể lại sự trót dại của con gái, chị Lường Thị Tuấn – mẹ bệnh nhân Quyết cho biết: “Cũng tại tôi dại, khi thấy con gái mới 16 tuổi đã yêu đương một chàng trai trong bản, sợ các cháu kết hôn sớm nên tôi đã mắng cháu quá lời; cháu sinh ra ức chế, lấy thuốc diệt cỏ để uống tự tử. Cũng may, chúng tôi kịp phát hiện khi cháu mới uống 2 nắp lọ (tương đương 16-20ml) và đưa ngay vào bệnh viện khi cháu đã hôn mê. Đến giờ, sau 11 ngày nhập viện, cháu đã khỏe lại”.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu đã cấp cứu 19 ca ngộ độc thuốc BVTV. Theo các bác sĩ tại bệnh viện, ngoại trừ các ca tự tử, các ca ngộ độc chủ yếu do bảo quản, sử dụng thuốc BVTV không đúng cách. Bác sĩ Hường cho biết thêm: “Các ca ngộ độc xuất hiện nhiều nhất trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 9, thời gian bà con làm nương, làm ruộng nhiều và hay sử dụng thuốc BVTV. Rất may các bệnh nhân đều được cứu chữa kịp thời. Tuy vậy, qua theo dõi hàng chục năm nay, chúng tôi nhận thấy tình trạng bệnh nhân nhiễm độc từ thuốc diệt cỏ ngày càng tăng và đa dạng về độ tuổi, nguyên nhân gây nhiễm”.

Cũng theo bác sĩ Hường, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thuốc BVTV. Có nhà có tới 3-4 cháu nhỏ nhập viện một lúc. Khi tìm hiểu, nguyên nhân do người lớn dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ xong không chôn, lấp, tiêu hủy vỏ chai, các cháu thấy chai mang ra đựng nước uống nên ngộ độc. Có gia đình do để thuốc trừ sâu không cẩn thận, trong tầm với của trẻ nhỏ nên các cháu tưởng nước ngọt, lấy ra uống. Đáng chú ý, có tới 60% bệnh nhân đã sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ để tự tử, ở cả nam, nữ, trẻ, già. Ngoài ra, cũng không ít người bị nhiễm độc không có chủ ý, là những nông dân khi sử dụng thuốc BVTV đã không tuân thủ các quy định bảo hộ lao động như: Đi găng tay, mặc quần áo bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, đi ủng…

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận bệnh nhi Đoàn Thu H (2 tuổi), trú tại Lang Quán, Trung Môn, huyện Yên Sơn do uống nhầm thuốc diệt cỏ. Gia đình bệnh nhi cho biết, do bất cẩn nên đã để cháu uống lọ thuốc diệt cỏ non, kiểm tra miệng thấy có bột thuốc màu trắng. Sau khi phát hiện, gia đình lập tức đưa cháu đến bệnh viện nên đã được cứu chữa kịp thời.

Tăng tuyên truyền, giảm hiểm nguy


Một bệnh nhân ngộ độc thuốc BVTV đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu ngày 11.7. Ảnh: K.T

Tình trạng lạm dụng và ngộ độc thuốc BVTV những năm gần đây đang bùng phát không chỉ ở riêng Sơn La mà lan ra cả vùng Tây Bắc. Anh Lò Văn Loan, người dân xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) tâm sự: “Mấy năm trước, khi tham gia phun thuốc diệt cỏ cho vườn cao su, tôi đã 6-7 lần phải đi cấp cứu vì bị ngộ độc. Sau này hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc, mỗi lần phun thuốc trừ cỏ tôi đều sử dụng quần áo bảo hộ lao động, đeo khẩu trang”.

Theo bác sĩ Khuất Thanh Bình, người trực tiếp tham gia cứu chữa hàng trăm ca ngộ độc do ảnh hưởng bởi thuốc BVTV, việc bị ngộ độc thuốc BVTV không chỉ tạo ra hậu quả trực tiếp mà còn gây ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Bởi thế, các cấp, ngành cần vào cuộc quyết liệt để nâng cao nhận thức cho người dân. “Khi phát hiện bệnh nhân mới bị nhiễm độc, cần nhanh chóng sơ cứu nạn nhân tại chỗ bằng cách gây nôn, cho uống nhiều nước để gây nôn được nhiều hơn, có thể dùng lông gà ngoáy họng hoặc dùng tay móc họng để đẩy chất độc ra khỏi cơ thể. Tiếp đó, cho nạn nhân uống than hoạt tính (luôn sẵn có ở các cơ sở y tế) để than hấp thu bớt chất độc trong cơ thể rồi chuyển bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất” - bác sĩ Bình lưu ý.

Theo ông Dương Gia Định – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV  tỉnh Sơn La, cách tốt nhất để ngăn chặn và giảm thiểu những thiệt hại do thuốc BVTV gây ra ngoài ý muốn con người là các cấp, các ngành, cộng đồng và mỗi cá nhân phải cùng nhau tuyên truyền và nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc BVTV, đồng thời chung tay phòng tránh, nói cách khác là công tác tuyên truyền phải đi trước một bước.


Có thể bạn quan tâm

can-mot-chuong-trinh-duy-tu-kenh-rach-dong-bang-song-cuu-long Cần một chương trình duy… tiep-von-nuoi-de-giup-nong-dan-co-cua-an-cua-de Tiếp vốn nuôi dê giúp…