Mô hình kinh tế 3 giảm 3 tăng hiệu quả với cây lúa SRI

3 giảm 3 tăng hiệu quả với cây lúa SRI

Ngày đăng 10/10/2015

Dự án được thực hiện tại xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, An Giang, với quy mô 90ha,130 hộ tham gia trong vụ hè thu 2015.

 

 Ruộng lúa thực hiện mô hình 3 giảm 3 tăng ở ấp Tân Thạnh, xã Tà Đảnh.

Mục tiêu chung của dự án là nhằm giúp nông dân (ND) ý thức hơn nữa hiệu quả của việc giảm chi phí đầu vào thông qua các giải pháp như:

Dùng giống lúa xác nhận; giảm lượng giống gieo sạ; giảm lượng phân bón (nhất là đạm); giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật;

Từ đó chứng minh cho ND thấy rõ mối quan hệ giữa việc giảm chi phí đầu vào với việc tăng năng suất, chất lượng và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa.

ND Trần Văn Tới (ấp Tân Thạnh) đã thực hiện 0,8ha theo mô hình dự án. Theo đó ông Tới sử dụng giống OM6976 theo phương pháp sạ hàng với lượng giống gieo sạ là 80kg (giảm một nửa so với trước đây).

Về bón phân, thực hiện theo hướng dẫn, ông Tới bón 4 đợt tương đương 160kg ure, 150kg DAP và 135kg kali cho 1 ha.

Tính ra ông Tới đã giảm 20 kg ure/ha so với các ruộng sản xuất ngoài dự án. Khi thu hoạch, ruộng lúa ông Tới đạt năng suất 6,1 tấn/ha. So với những ruộng ngoài dự án, lợi nhuận của ông Tới tăng thêm (cao hơn) 4,9 triệu đồng/ha.

Kết quả chung của toàn bộ 130 hộ tham gia thực hiện dự án cũng đã được đánh giá là đáp ứng các tiêu chí đặt ra. 100% các hộ sau khi tham gia dự án đều đạt hiệu quả giảm chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận.

Quá trình tham gia dự án, ND đã được hướng dẫn cụ thể việc sử dụng giống lúa xác nhận, có chất lượng tốt, phù hợp với yêu cầu xuất khẩu.

Về lượng giống ND tại đây chỉ sử dụng 100 kg/ha (tập quán trước đây gieo sạ từ 200 – 220kg/ha); việc bón phân cũng giảm đáng kể lượng đạm với mức bón tối đa 220kg ure/ha (giảm trung bình 20 kg/ha).

Song song đó là áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất và biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (trung bình giảm được 2 lần phun thuốc/vụ sản xuất).  

Trong suốt quá trình thực hiện dự án, Ban quản lý dự án còn phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức cho ND trong khu vực và nhiều xã lân cận trong huyện tham quan, học tập mô hình.


Có thể bạn quan tâm

lam-nong-tu-de-an-1-000 Làm nông từ Đề án… khong-con-lo-di-cong-nuoc-buon-lang-het-dich-benh Không còn lo đi cõng…