Tin thủy sản Ả Rập - Thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản

Ả Rập - Thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản

Tác giả Dũng Nguyên (Theo MarketPlace), ngày đăng 26/04/2019

Theo FAO, Ả Rập là vùng thâm hụt thực phẩm lớn nhất thế giới và đang phải nhập khẩu 70% lương thực, thực phẩm. Do đó, an ninh lương thực là vấn đề nghiêm trọng tại các quốc gia này. Điều này đồng nghĩa, Liên đoàn Ả Rập sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu thủy, hải sản và cắt giảm dần xuất khẩu để dồn sức phục vụ tiêu thụ nội địa.

Khối lượng nhập khẩu thủy sản của các quốc gia Ả Rập đạt 1,3 triệu tấn 

Thực tế, 22 quốc gia Ả Rập bao gồm Liên đoàn Ả Rập đều tích cực đẩy mạnh sản xuất và nhập khẩu các mặt hàng thủy, hải sản. Nhưng tiêu thụ cũng tăng nhanh không kém nên ngành nông nghiệp dần đuối sức. Tổng sản lượng cả thủy sản nuôi và khai thác toàn vùng chỉ đạt 4,7 triệu tấn vào năm 2016, trong đó 1,5 triệu tấn (36%) là sản phẩm nuôi.

Cùng năm đó, tổng khối lượng nhập khẩu thủy sản của các quốc gia Ả Rập đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD. Các quốc gia trong vùng này đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn, trị giá 2,1 tỷ USD. Con số này cho thấy sự mất cân bằng cán cân thương mại thủy sản do cầu vượt cung. Một số quốc gia, điển hình như UAE có lượng tiêu thụ thủy sản bình quân cao nhất thế giới, khoảng 30 kg/người/năm.

Thị hiếu đa dạng

Nhìn chung, người dân tại khu vực này ưa chuộng cá tươi nguyên con hơn; tuy nhiên, gần đây, cá đông lạnh nguyên con cũng được chấp nhận rộng rãi tại hầu hết các quốc gia. Cá khô cũng dần phổ biến, nhưng chủ yếu được tiêu thụ ở những khu vực cách xa bờ biển hoặc các thành phố lớn. Cá hồi vân rất được ưa chuộng tại Lebanon, còn cá chép lại là món ăn quen thuộc ở Irag. Cá nước ngọt như rô phi, cá rô sông Nile (một loại cá nuôi gần giống cá giò châu Á) hay cá chép đều khá phổ biến. Cho dù đó là cá nuôi, hay cá tự nhiên thì cũng không có sự khác biệt nào tại những thị trường này. Điều này hoàn toàn trái ngược với một số thị trường khó tính hơn như Mỹ hay châu Âu, cá nuôi thường bị “phân biệt đối xử”.                            

Cá rô phi, cá đối hay cá chép được ưa chuộng vì ẩm thực truyền thống và chi phí; trong khi cá chim lại được ưa chuộng tại các nước vùng vịnh, đặc biệt là Kuwait. Hầu hết các quốc gia giàu có thịnh vượng ít ăn các loại giáp xác hoặc nhuyễn thể. Thực tế, chỉ có một lượng cư dân nhỏ tại các thành phố thu nhập thấp mới tiêu thụ những sản phẩm này, chủ yếu là tôm, mực và bạch tuộc khai thác tại bán đảo Ả Rập.

Lượng tiêu thụ thủy sản được ghi nhận cao nhất tại các quốc gia ven biển; tại những khu vực này, thủy sản chính là một khẩu phần dinh dưỡng quan trọng và truyền thống. Nhưng nhiều thập kỷ qua, tình hình tiêu thụ thủy sản tại khu vực này cũng đã cải thiện tích cực, đặc biệt ở những nước khai thác dầu mỏ có nhiều cư dân lao động nước ngoài. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản đa dạng và tăng cao hơn, khiến những quốc gia này phải tăng mạnh nhập khẩu thủy, hải sản từ khắp nơi trên thế giới.

Nhiều nguyên tắc

Nhà chức trách địa phương sẽ thực hiện kiểm dịch sản phẩm thủy sản và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng thông qua các quy định kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản từ khâu chế biến, xử lý, đến khi phân phối dù đó là sản phẩm nội địa hay nhập khẩu. Các cơ quan quản lý này đều thuộc các Bộ, ngành liên quan đến thủy, hải sản, cung ứng thực phẩm, y tế và môi trường. Tuy nhiên, chính quyền thành phố tự trị sẽ chịu tách nhiệm quản lý và giám sát các chợ thủy sản.

Mối quan tâm tới ATTP gia tăng đã thúc đẩy nhà chức trách nỗ lực hơn để cải thiện chất lượng sản phẩm. Các mã code quốc tế và tiêu chuẩn cũng được đặt ra cho sản phẩm thủy sản nuôi cùng hệ thống HACCP cho sản phẩm thủy sản nhập khẩu tới các thị trường chính, cũng góp phần cải thiện đáng kể quá trình sản xuất và kiểm soát chất lượng thủy sản tại khu vực Ả Rập. Một vài quốc gia đã phát triển chương trình HACCP toàn diện để lựa chọn các sản phẩm NTTS. Một số khác lại tình nguyện sản xuất thủy sản theo tiêu chuẩn ISO 9000 để kiểm soát chất lượng cũng như nhằm mục đích tiếp thị.

Những yêu cầu mới về thông tin và bảo vệ người tiêu dùng cũng được thể hiện thông qua những yêu cầu về nhãn mác và minh bạch sản phẩm đang được áp dụng tại nhiều quốc gia Ả Rập, đặc biệt là các quốc gia xuất khẩu thủy sản.     Thực tế, liên đoàn Ả rập là một thị trường thủy sản tiềm năng. Hầu hết các quốc gia thuộc khu vực này đều đang tự do hóa thị trường. Giá thủy hải sản sẽ do nhu cầu thị trường và điều kiện nguồn cung chi phối.

Về lâu dài, Ả Rập Saudi và Iraq được đánh giá là thị trường thủy sản tiềm năng nhất. Giá thủy sản tại khu vực Ả Rập đang tăng cao, chứng tỏ chi phí nuôi hay khai thác nội địa, cùng chi phí marketing khá đắt đỏ; tuy nhiên, đây lại là một cơ hội mà các các quốc gia xuất khẩu thủy sản có ý định tiếp cận thị trường này không muốn bỏ qua. 

Năm 2002, EU đã ban hành quy định mới về nhãn mác và tính minh bạch hàng hóa thủy sản, trong đó yêu cầu ghi gõ nguồn gốc sản phẩm nuôi hay khai thác, xuất xứ… trên nhãn mác. Quy định này cũng đang được thực hiện tại Liên đoàn Ả rập.


Có thể bạn quan tâm

chien-luoc-dinh-duong-cai-thien-he-tieu-hoa-thuy-san Chiến lược dinh dưỡng cải… cong-nghe-ho-tro-dac-luc-trong-nuoi-long-be Công nghệ hỗ trợ đắc…