Tin nông nghiệp Ảm đạm thị trường chăn nuôi gà

Ảm đạm thị trường chăn nuôi gà

Tác giả Bảo Bình, ngày đăng 14/04/2017

Là một trong những nhóm sản phẩm chăn nuôi chủ đạo, chăn nuôi gà đã có những bước phát triển mạnh cả về sản lượng và quy mô. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, tình hình nuôi gà chịu nhiều tác động, ảnh hưởng đến sản xuất của các hộ dân.

Trong ảnh: Người dân lao đao khi giá gà giảm mạnh - Ảnh: Vũ Mưa

Khổ vì dịch cúm

Là một trong những địa phương trọng điểm nuôi gà tại khu vực phía Bắc, những ngày đầu năm 2017, thị trường chăn nuôi gà ở Bắc Giang cũng phải chịu những tác động không nhỏ trước tình hình dịch cúm gia cầm. Ghi nhận tại nhiều địa phương nơi đây cho thấy, giá gà giảm sâu khiến nguồn thu nhập chính của người dân bị ảnh hưởng nặng. Một hộ dân tại xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế cho biết, hiện giá gà trung bình khoảng 50.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhà nào nuôi khéo thì hòa còn nếu không thì lỗ. Tổng đàn gà của xã Đồng Tâm đã giảm từ 200.000 con thời điểm trước Tết xuống chỉ còn khoảng 150.000 con thời điểm hiện nay.

Thực tế này cũng đang diễn ra tại các vùng chăn nuôi gà của tỉnh Đồng Nai, khi mà từ trong Tết Đinh Dậu đến nay, giá gà các loại trên địa bàn tỉnh liên tục giảm mạnh khiến phần lớn người nuôi gặp khó. Đặc biệt, gần đây khi những thông tin về dịch cúm gia cầm xuất hiện tại một số địa phương trong nước, càng làm cho giá gà “lao dốc” với tốc độ chóng mặt. Theo người nuôi, thời điểm sau Tết giá gà còn duy trì ở mức 30.000 - 32.000 đồng/kg, thì trong khoảng nửa tháng trở lại đây chỉ còn 25.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong những ngày đầu tháng 3, giá gà bán ra chỉ còn khoảng 22.000 - 23.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lỗ 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Nguyễn Kim Đoán cho biết, giá gà công nghiệp nhiều năm qua luôn trong tình trạng thất thường, tuy nhiên, thời điểm hiện tại khác hẳn vì giá gà giảm quá “sâu” và quá nhanh, nếu tình trạng này kéo dài thì nhiều hộ chăn nuôi khó mà trụ vững. Mặt khác, thông tin về dịch cúm gia cầm cũng khiến người tiêu dùng e dè với thịt gà, điều này khiến các hộ nuôi không tiêu thụ được sản phẩm mà còn bị các thương lái ép giá. Ngoài ra, một lượng lớn gà ở Đồng Nai được bán theo đường tiểu ngạch tại khu vực TP. Hồ Chí Minh nên khi nhu cầu mua kém đi, người nuôi gà lập tức bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu.

Giá thành còn cao

Hầu hết người chăn nuôi gà, kể cả doanh nghiệp với nông dân đều làm theo mô hình vay lãi ngân hàng để đầu tư vì chi phí chăn nuôi rất lớn, có khi lên đến vài tỷ đồng. Mặt khác, thời gian sản xuất gà cũng rất lâu, khoảng 130 ngày, nên vốn quay vòng rất chậm. Đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi gà quy mô lớn tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chia sẻ, chi phí chăn nuôi gà hiện đang ở mức cao. Các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc, chi phí xây dựng chuồng trại, vận chuyển hay nhân công… khiến giá sản xuất gà lông màu rơi vào mức 40.000 - 45.000 đồng/kg.

Theo các chuyên gia, giá thành sản xuất cao một phần là do Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn thức ăn chăn nuôi. Tính trong 11 tháng đầu năm 2016, Việt Nam nhập khẩu hơn 17 triệu tấn nguyên liệu, kim ngạch trên 5,2 tỷ USD.

Nhận định về nguyên nhân giá gà tại khu vực Đông Nam bộ giảm sâu thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng này là do việc người nuôi tăng đàn, khiến cung vượt cầu; trong khi sức tiêu thụ gà thời điểm đầu năm thường chậm hơn. Chỉ tính riêng tại huyện Thống Nhất có khoảng 1,8 triệu con gà, so cùng kỳ năm 2016 tăng hơn 30%. Còn tính trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tổng đàn gà gần 18 triệu con, đứng thứ hai trong cả nước. Tuy chưa đưa ra được thống kê cụ thể, nhưng theo ngành nông nghiệp Đồng Nai, tổng đàn gà có tăng so các năm trước.

Làm gì để ổn định?

Để sản xuất gà tránh bị lệ thuộc và cạnh tranh, cần đưa được sản phẩm gà tới các thị trường trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tuy nhiên, vấn đề này còn nhiều bế tắc, do quy mô chăn nuôi của Việt Nam nhỏ lẻ, chưa thành vùng nguyên liệu xuất khẩu, mỗi hộ một giống gà. Ngoài ra, cơ chế quản lý, cách làm, tổ chức sản xuất còn thiếu hợp lý. Thậm chí, có đơn hàng xuất khẩu 50 tấn gà sang Mỹ, không doanh nghiệp nào dám nhận vì không gom đủ hàng đúng tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng theo yêu cầu.

Thời gian tới, để gỡ khó cho ngành chăn nuôi gà nói riêng, chăn nuôi gia cầm nói chung, người nuôi cần bỏ tư tưởng chăn nuôi đám đông. Không thể cứ tăng đàn, đến lúc không bán được lại kêu Nhà nước, kêu người dân mà phải thay đổi nhận thức, tự tìm hiểu thị trường. Về phía Nhà nước, cần đẩy mạnh và hỗ trợ thông tin thị trường trong nước cũng như thế giới; Công khai cả nhập khẩu để người nông dân kịp thời điều chỉnh. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, đẩy mạnh khâu thương mại, giảm khâu chăn nuôi.


Có thể bạn quan tâm

nganh-nuoi-vit-de-philippines-hanh-trinh-tim-suc-bat-moi Ngành nuôi vịt đẻ Philippines:… chan-nuoi-cong-nghe-cao-cung-lam-se-thang Chăn nuôi công nghệ cao:…