Mô hình kinh tế An Giang xuất khẩu tiếp tục gặp khó

An Giang xuất khẩu tiếp tục gặp khó

Ngày đăng 04/06/2015

Cá gặp khó về tỷ giá

Ngày 1-6, giá cá tra nguyên liệu được các công ty: Vĩnh Hoàn, Agifish, Cửu Long, Biển Đông… mua vào chỉ từ 19.700 – 20.000 đồng/kg. Mức giá này báo động tình trạng rớt giá lại bắt đầu một chu kỳ mới. “Giá cá như hiện nay, người nuôi cầm chắc thua lỗ” - ông Nguyễn Văn Tấn (xã Mỹ Đức, Châu Phú) lo lắng.

Nguyên nhân của vấn đề trên do sự biến động của tỷ giá giữa đồng Euro với USD trong một biên độ lớn khiến các nhà nhập khẩu khu vực EU hạn chế nhập hàng. Trước đây, mỗi tháng, Công ty Cổ phần Nam Việt xuất trên 100 container đi các thị trường, nay con số này đã giảm sút đáng kể.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước đến cuối tháng 3-2015 chỉ đạt 356,8 triệu USD, giảm 12,7% so cùng kỳ. Riêng ở An Giang, 5 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp (DN) chỉ xuất 49.000 tấn, tương đương 115,2 triệu USD. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2010 đến nay.

“EU là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Các nhà nhập khẩu khi ký hợp đồng mua cá, USD là đồng tiền thanh toán chính. Vì vậy, khi USD tăng giá, đồng Euro bị mất giá thì các nhà nhập khẩu đã hạn chế nhập hàng vì sợ thua lỗ. Họ yêu cầu doanh nghiệp giảm giá bán, ảnh hưởng lớn đến sản lượng xuất khẩu cá tra” – ông Doãn Tới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thông tin.

Quý I-2015, đồng Euro so với USD giảm hơn 11%. Cụ thể, ngày 31-3, 1 Euro đổi được 1,0718 USD. Đây là mức thấp nhất kể từ khi đồng Euro ra đời cách đây 15 năm, khiến các DN nhập khẩu cá tra Việt Nam phải tái cơ cấu lại hợp đồng. Ở trong nước, với định hướng cân đối, điều hành tỷ giá không vượt quá 2%/năm của Ngân hàng Nhà nước đã làm cho đồng tiền bán cá mà các DN mang về không tăng, mặc dù giá USD bên ngoài tăng lên.

Ngoài ảnh hưởng về tỷ giá, việc được mùa đánh bắt cá biển tại các nước nhập khẩu cá tra cũng làm cho sức tiêu thụ cá tra giảm đáng kể. Ngoài ra, nội chiến ở các quốc gia Trung Đông làm cho việc xuất khẩu cá tra vào các thị trường này bị hạn chế đáng kể, trong khi đây là thị trường tiêu thụ rất nhiều cá tra.

Gạo thừa nguồn cung

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gạo của 15 DN trong tỉnh đạt 178.100 tấn, tương đương 81,2 triệu USD, so cùng kỳ chỉ bằng 83,9% về lượng và 90,1% về kim ngạch. Đây cũng là mức xuất khẩu đạt thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Nguyên nhân của vấn đề trên do hợp đồng năm trước chuyển sang đã xuất hết, hợp đồng mới lại chưa ký được nhiều.

Trong khi đó, số lượng hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh (năm 2014, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 60% trong tổng lượng xuất, năm nay chỉ còn khoảng 25%). Nguồn cung trên thế giới đang dồi dào, dẫn đến cạnh tranh gay gắt về giá từ các nước xuất khẩu gạo lớn, như: Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… Một nguyên nhân nữa do các khách hàng truyền thống, như: Philippines, Malaysia, Indonesia và thị trường Châu Phi cũng chưa có nhiều hợp đồng chính thức.

Để tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu chung của đề án này là nâng cao sản phẩm giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, hình ảnh gạo Việt Nam sẽ được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu thế giới…

“Về lâu dài, để xuất khẩu gạo đạt hiệu quả, tôi cho rằng ba yếu tố then chốt mà cơ quan quản lý Nhà nước phải làm là: Tổ chức lại hệ thống giống, hệ thống hợp tác và hệ thống hạ tầng kỹ thuật” – ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam, đề nghị.

Để gạo, cá tra lấy lại đà tăng trưởng trong những năm tới, ngoài vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, nhân rộng mô hình chuỗi giá trị mà tỉnh đang triển khai, các DN trong tỉnh cần tiếp tục đưa hàng hóa nông sản của tỉnh ra nước ngoài thông qua kênh phân phối hiện đại là các siêu thị nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, như: Lottemart, Metro, hệ thống siêu thị Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh... Đồng thời, tăng cường công tác dự báo thị trường để định hướng cho nông dân. Mặc khác, nông dân trong tỉnh cần thay đổi nhận thức trong sản xuất, chuyển từ sản xuất không theo kế hoạch sang sản xuất có kế hoạch, có thị trường thì mới tổ chức sản xuất, nhằm tránh dư thừa nông sản.

“Nếu xét trên phương diện lãi suất cho vay, có thể nói đây là thời điểm mà người có nhu cầu vay vốn có được mức lãi suất vay tốt để làm ăn. Lãi suất thấp nhưng thị trường gạo thế giới gần như bão hòa về nguồn cung (ở phân khúc gạo cấp thấp), hàng loạt DN xuất khẩu gạo gặp khó. Chúng tôi đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh, hướng đến phân khúc gạo cấp cao, tìm thêm nhiều đối tác mới ở thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường bắt đầu mua hàng trở lại trong vài ngày gần đây” - ông Châu Thanh Phong, Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần XNK Thịnh Phú An Giang, nói.


Có thể bạn quan tâm

nganh-thuy-san-can-chinh-sach-phu-hop-hon-de-hoi-nhap Ngành thủy sản cần chính… mot-con-ca-sau-giong-gia-600-000-dong Một con cá sấu giống…